Lễ hội Bạch Đằng được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Thứ sáu, 19/11/2021 15:59
(ĐCSVN) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định xếp hạng quốc gia đối với di tích Hồ Mạch (phường Yên Hải, TX Quảng Yên) và Quyết định công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ hội truyền thống Bạch Đằng.

Hồ Mạch là điểm khởi thuỷ của các xã đảo Hà Nam, có ý nghĩa mở đầu một cuộc chinh phục biển cả và bãi triều, nơi hình thành truyền thống khai hoang, lấn biển dựng xây vùng kinh tế mới ngày nay của con cháu các vị Tiên công.

Hồ Mạch có diện tích khoảng 5 sào Bắc bộ, nằm ở khu Thượng Đồng, phường Yên Hải. Về sự tích Hồ Mạch, bia “Phong Lưu tứ xã Hồ Mạch” ở miếu Tiên công có ghi: “Tứ xã Phong Lưu có một cái hồ trên thượng đồng, tương truyền xưa kia, khi các bậc Tiên công bắt đầu mở mang làng xóm, đến vùng đó thấy có tiếng ếch kêu trong hồ cho rằng có nước ngọt, bèn dừng lại đắp đê ngăn biển mở rộng. Cái hồ thiên nhiên là do trời mang đến cho các Tiên công để đào giếng cày ruộng. Con cháu sau này gặp hạn khơi dưới hồ thấy có nhiều đá to, uống nước thấy ngọt như nước cam tuyền, mới biết đây là nơi phát nguyên của các bậc Tiên công”.

Di tích quốc gia Hồ Mạch. (Ảnh: PH) 

Tương truyền, ngày xưa, lòng Hồ Mạch sâu hai, ba tầm với, giờ được bồi lắng nên nông dần. Trên bờ có một ngôi miếu thờ thần Hồ Mạch. Trong miếu có bức đại tự “Phong Lưu cổ hồ” và có câu đối ca ngợi công đức của người mở đất. Về sau do sự băng hoại của thời gian, miếu Hồ Mạch đổ nát. 

Bên cạnh di tích Hồ Mạch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ hội truyền thống Bạch Đằng.

Lễ hội Bạch Đằng còn được gọi là ngày giỗ trận, được tổ chức vào ngày mùng 6 đến ngày mùng 9 tháng 3 (âm lịch) hàng năm, có năm kéo dài tới bốn ngày đêm. Không gian lễ hội diễn ra tại quần thể khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng với các điểm chính là đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, đình Yên Giang thuộc trung tâm lễ hội, ngoài ra còn ở các đình Trung Bản, đình Điền Công, đền Trung Cốc.

Mọi hoạt động của lễ hội đều gắn liền với Bạch Đằng giang, con sông huyền thoại đã ba lần chứng kiến những trận đại chiến chống quân xâm lược phương Bắc.

Theo các thư tịch cổ, sông Bạch Đằng có hệ thống núi non hiểm trở, có nhiều hang động và rừng rậm, đặc biệt thuận lợi cho việc bố trí phòng thủ. Nơi đây đã đi vào lịch sử với 3 lần làm nên những chiến thắng vĩ đại trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Năm 938, Ngô Quyền đã chỉ huy quân dân ta đánh tan quân xâm lược Nam Hán, kết thúc 1000 năm Bắc thuộc, khẳng định độc lập chủ quyền của đất nước. Lần thứ hai, năm 981, dưới sự chỉ huy của Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn, quân và dân ta đã đánh bại quân xâm lược nhà Tống, bảo vệ vững chắc bờ cõi nước nhà. Lần thứ ba, vào mùa xuân năm 1288, quân dân Đại Việt dưới sự chỉ huy của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn cùng với hai vua Trần đã tiêu diệt, bắt sống toàn bộ đạo binh thuyền hùng mạnh của quân xâm lược Nguyên Mông do Ô Mã Nhi chỉ huy trên đường rút lui, góp phần bảo vệ vững chắc đất nước trước sự bành trướng của đế chế Nguyên Mông khi đó.

Chiến thắng Bạch Đằng luôn làm nhiều thế hệ người dân tự hào vì một nước nhỏ nhưng với tinh thần đoàn kết dân tộc đã đánh bại cuộc xâm lược của đế quốc hùng mạnh nhất thời bấy giờ.

Nhận thức được giá trị và tầm quan trọng của di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh và thị xã Quảng Yên luôn quan tâm đặc biệt đối với khu di tích. Năm 2012, thị xã Quảng Yên đã lập hồ sơ và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1419 xếp hạng quần thể Khu di tích Chiến thắng Bạch Đằng là Di tích quốc gia đặc biệt. Ngày 18/2/2013, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 322 phê duyệt Quy hoạch tổng thể Bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng. Từ sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương, của tỉnh Quảng Ninh, đã góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp chính quyền và nhân dân về tầm vóc lịch sử, giá trị của di tích.

Lễ hội Bạch Đằng. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Bên cạnh lễ cầu siêu cho các vong linh quân sĩ trong trận thủy chiến, lễ giỗ Mẫu  miếu Vua Bà (bà hàng nước đã có công giúp đánh giặc), hoạt động được người dân mong chờ nhất là lễ rước tượng giữa đền Trần Hưng Đạo và đình Yên Giang. Ngày mùng 7, tượng Đức thánh Trần được đặt lên ngai cùng sắc phong và tượng Đệ nhất, Đệ nhị Vương cô (hai người con gái của ông) rước từ đền về đình để tế lễ, cầu mong thành hoàng che chở, phù hộ cho dân làng nhân khang vật thịnh. Ngày mùng 8 rước trở lại về đền. Đặc biệt, người dân ở đây có tục lệ cho trẻ em chui qua kiệu rước với ước muốn mạnh khỏe, học hành giỏi giang và đỗ đạt. Đoàn rước đi đến đâu người dân nhập hội đến đó, nhà nhà hai bên đường thắp hương, sắp lễ vái vọng Đức ông.

Hội Bạch Đằng tập trung tái hiện trận chiến qua các trò diễn dân gian, các trò chơi như bơi thuyền chải, vật truyền thống, kéo co, cờ người, đánh đu, chọi gà,... Giữa mênh mông sóng nước, những người dân chài hăng say bơi mái chèo, tiếng hò reo cổ vũ vang động cả dòng sông. Những ngày này, mọi hoạt động đều dường như lắng lại, chỉ còn sự thành kính thiêng liêng, vang vọng lại không khí sử thi hào hùng của chiến thắng năm xưa.

Dù hàng trăm năm đã trôi qua, dấu ấn của dòng sông huyền thoại vẫn còn nguyên vẹn và ảnh hưởng rộng rãi tới tiềm thức của người dân nơi đây. Với họ, chiến thắng ấy không chỉ là công lao của những vị tướng mà của cả những người dân bình thường giản dị. Có thể nói, chính điều này đã tạo nên nét nhân văn và giá trị độc đáo  cho lễ hội này.

Lễ hội Bạch Đằng được tổ chức nhằm tri ân những cống hiến, hy sinh của các bậc tiền nhân, tiếp tục khẳng định ý nghĩa và giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Bạch Đằng trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước; góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực