|
Hiện TX Cai Lậy có 06/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. (Ảnh: Hữu Nghị) |
Đồng chí Phạm Văn Vạn, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Cai Lậy cho biết: Thị xã Cai Lậy được thành lập theo Nghị quyết số 130/NQ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ với diện tích tự nhiên hơn 14.000 ha, dân số gần 124.000 người, gồm 16 đơn vị hành chính 6 phường, 10 xã. Thị xã Cai Lậy nằm ở phía Tây của tỉnh Tiền Giang, có vị trí chiến lược về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội và quốc phòng – an ninh của tỉnh, có tiềm năng thế mạnh về sản xuất nông nghiệp cùng hệ thống giao thông thủy bộ thuận lợi cho hoạt động giao thương giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, do thị xã được xây dựng từ điểm xuất phát thấp, nên bộ mặt đô thị chưa phát triển đồng bộ, công trình đầu tư với quy mô nhỏ, dàn trải, nguồn vốn cho phát triển đô thị còn hạn chế; công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng và phát triển đô thị chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển; kinh tế của thị xã giai đoạn mới thành lập chủ yếu là nông nghiệp nên dễ chịu tác động bất lợi khó lường của biến đổi khí hậu, mặn xâm nhập, thị trường tiêu thụ; tỷ lệ hộ nghèo cao,…
Với sự đoàn kết, nhất trí của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã, đến nay, thị xã Cai Lậy đã đạt nhiều kết quả nổi bật trong mọi lĩnh vực. Cơ cấu kinh tế thị xã chuyển dịch đúng hướng. Giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt khoảng 117 triệu đồng, tăng 41%. Thu ngân sách từ kinh tế địa phương tăng 4,39 lần so năm 2014. Ngoài ổn định diện tích 2200 ha lúa, sản xuất nông nghiệp chuyển dịch sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, mít,…Bên cạnh đó, thị xã Cai Lậy còn là vùng sản xuất cá giống có thị trường tiêu thụ rộng lớn xuất sang Campuchia.
|
Thị xã Cai Lậy còn là vùng sản xuất cá giống có thị trường tiêu thụ rộng lớn xuất sang Campuchia. |
Thị xã Cai Lậy được công nhận là Đô thị loại III và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2020; hiện có 06/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 6/6 phường đạt chuẩn đô thị văn minh và tiếp tục phấn đấu xây dựng thị xã Cai Lậy đạt chuẩn đô thị văn minh vào năm 2025; từng bước hoàn thiện các tiêu chí đô thị để thị xã Cai Lậy trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2030.
Giao thông nông thôn, điện, nước sinh hoạt, thông tin liên lạc và mức sống của người dân chuyển biến tích cực, từng bước giảm dần sự cách biệt giữa nông thôn và đô thị. Đến nay toàn thị xã có 100% hộ có điện sinh hoạt và nước sạch sử dụng.
Các dự án mời gọi đầu tư được đặc biệt quan tâm, trong đó đã mời gọi thành công Dự án Siêu thị thị xã Cai Lậy - tổng mức đầu tư 110 tỷ đồng; Dự án đường số 4 và khu dân cư 2 bên đường - tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng hiện đang thực hiện giải phóng mặt bằng.
Giai đoạn 2014-2024, thị xã đã tập trung đầu tư xây dựng mới và xây dựng bổ sung 20 trường với tổng kinh phí trên 600 tỷ đồng; đến nay toàn thị xã có 28/33 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 84,85%. Năm học 2023-2024 tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học và tỷ lệ tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 100%. Tính đến tháng 05/2024 tổng số người làm việc trong toàn ngành giáo dục và đào tạo là 1116 người. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn: Mầm non đạt 96,3% (trên chuẩn đạt 80,6%), Tiểu học đạt 79,7%; THCS đạt 80,3% (trên chuẩn đạt 1,03%). Mạng lưới khám chữa bệnh từ thị xã đến tuyến xã - phường được củng cố và mở rộng, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân.
Song song với đó, các chế độ chính sách cho người có công; chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trên địa bàn thị xã giảm từ 4,88% năm 2014 xuống còn 0,69% năm 2023, tỷ lệ giảm nghèo của thị xã Cai Lậy dẫn đầu toàn tỉnh.
Về công tác xây dựng Đảng, hiện nay Đảng bộ thị xã Cai Lậy có 57 tổ chức cơ sở Đảng (19 Đảng bộ cơ sở, 38 chi bộ cơ sở), 173 chi bộ trực thuộc, với 3.983 đảng viên. Từ khi thành lập đến nay, công tác xây dựng Đảng luôn được Thị ủy xem là nhiệm vụ then chốt. Kế thừa và phát huy thành tựu của huyện Cai Lậy trước đây, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương, Tỉnh ủy. Qua đó, sự đoàn kết nhất trí trong Đảng và niềm tin của nhân dân đối với Đảng từng bước được nâng cao, tạo nền tảng quan trọng để Đảng bộ thị xã Cai Lậy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị và đạt được những kết quả quan trọng.
Phát huy những kết quả đạt được, đồng chí Phạm Văn Vạn, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Cai Lậy nhấn mạnh: thời gian tới, thị xã Cai Lậy tập trung phát triển kinh tế, phấn đấu tăng giá trị sản xuất hàng năm hơn mức bình quân những năm qua; tăng thu ngân sách trên địa bàn; khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi phát triển thương mại, dịch vụ; chủ động phối hợp với các sở, ngành tỉnh tiếp tục thu hút, mời gọi doanh nghiệp đầu tư các dự án trên địa bàn thị xã. Tăng cường thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đô thị văn minh. Phấn đấu đến cuối năm 2025, xây dựng 10/10 xã nông thôn mới nâng cao, 03/10 xã nông thôn mới kiểu mẫu và thị xã Cai Lậy đạt chuẩn đô thị văn minh.
Tiếp tục thực hiện đầy đủ, hiệu quả chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công và công tác giảm nghèo bền vững. Phát triển cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục, y tế. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo về chất lượng, phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.
Đặc biệt, đẩy mạnh công tác chỉnh trang, phát triển đô thị; tập trung phát huy nội lực và huy động tất cả các nguồn lực xây dựng thị xã Cai Lậy xứng tầm đô thị loại III, xây dựng thị xã Cai Lậy trở thành thành phố thuộc tỉnh vào năm 2030, đồng thời phát huy vai trò là đô thị vùng kinh tế phía Tây của tỉnh Tiền Giang./..