|
Đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện và bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn. |
Đây là những định hướng lớn, quan trọng được Tỉnh uỷ Lâm Đồng xác định tại Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Để thực hiện mục tiêu định hướng đó, Tỉnh uỷ Lâm Đồng cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt khoảng 135 triệu đồng (tương đương 5.100 USD); tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm khoảng 32,06% trong GRDP; khu vực công nghiệp- xây dựng chiếm khoảng 24,66%; khu vực dịch vụ chiếm khoảng 43,28%.
Theo Tỉnh uỷ Lâm Đồng, những mục tiêu, định hướng trên hiện đã được quán triệt, triển khai đến từng cấp uỷ, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh; trên cơ sở đó, từng cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động cụ thể hoá các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đảm bảo hiệu quả, sát với tình hình thực tế và yêu cầu phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Riêng đối với HĐND tỉnh, Tỉnh uỷ Lâm Đồng yêu cầu đơn vị này chỉ đạo ban hành các cơ chế, chính sách phát triển của tỉnh đảm bảo phù hợp điều kiện thực tiễn của tỉnh; chỉ đạo tăng cường hoạt động giám sát của HĐND các cấp đối với việc thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển tỉnh Lâm Đồng.
Trong khi đó, với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Tỉnh uỷ Lâm Đồng yêu cầu cần chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh uỷ; đồng thời chủ trì, phối hợp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW gắn với thực hiện Chương trình hành động kể trên.
|
Trong thời gian tới Lâm Đồng sẽ tiếp tục tập trung phát triển đồng bộ, hiện đại hạ tầng giao thông để kết nối với Đông Nam Bộ và nội tỉnh, nội vùng Tây Nguyên. |
Cùng với những chỉ đạo trên, để thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đạt kết qủa, Tỉnh uỷ Lâm Đồng cũng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội trên địa bàn tỉnh quan tâm huy động tối đa các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, kết hợp nguồn lực xã hội hoá để đầu tư phát triển các công trình trọng điểm có sức lan toả, giải quyết các vấn đề phát triển vùng và liên vùng; kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Đồng thời với đó, trong thời gian từ nay đến năm 2045, các giải pháp về phát triển kinh tế của tỉnh Lâm Đồng phải đảm bảo mục tiêu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng theo hướng toàn diện, bêng vững; lấy phát triển nông, lâm, nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá.
Cơ cấu nền kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả dựa trên công nghệ cao, chuyển đổi số và giá trị gia tăng cao. Không gian phát triển kinh tế của tỉnh gắn với vùng Đông Nam bộ theo hành lang tuyến Quốc lộ 20 và tuyến Cao tốc Dầu Giây- Liên Khương.
Cùng với phát triển kinh tế nhanh và bền vững, tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung dành nhiều quan tâm để nâng cao nhận thức trong toàn hệ thống chính trị về vai trò của văn hoá, văn hoá vừa là trụ cột vừa là nền tảng phát triển xã hội; tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá đặc trưng, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhất là đồng bào dân tôc thiểu số gốc Tây Nguyên; khai thác hiệu quả lợi thế, giá trị bản sắc văn hoá để phát triển kinh tế- xã hội, phát triển du lịch. Phát triển TP Đà Lạt trở thành thành phố văn hoá, nghệ thuật.
Để đảm bảo yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ Lâm Đồng thì vấn đề đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phải được triển khai, thực hiện thật tốt; tạo bước chuyển thật sự rõ nét, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng đào tạo, tuyển dụng và sử dụng nhân tài.
Về phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, trong thời gian tới Lâm Đồng sẽ tiếp tục tập trung phát triển đồng bộ, hiện đại; giao thông được kết nối thuận lợi với vùng Đông Nam bộ theo hành lang tuyến Quốc lộ 20 và tuyến Cao tốc Dầu Giây- Liên Khương.
|
Đến năm 2030 Lâm Đồng phấn đấu 100% số xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. |
Tỉnh cũng ưu tiên quy hoạch hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, đảm bảo thông suốt và liên kết vùng, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh; đầu tư khép kín các đường vành đai, đường xuyên tâm, hệ thống giao thông công cộng đồng bộ, có sức chỡ lớn, bến, bãi đỗ xe tại các đô thị; đồng thời tăng cường khai thác, sử dụng hệ thống không gian ngầm, công trình ngầm đô thị, không gian đa chức năng của đô thị và thực hiện ngầm hoá toàn bộ các đường dây, cáp dịch vụ công cộng tại trung tâm các đô thị trên địa bàn tỉnh.
Trước mắt, đến năm 2026, Lâm Đồng đầu tư hoàn thành một số công trình giao thông quan trọng như: Hoàn thành giai đoạn 1 tuyến Cao tốc Tân Phú- Bảo Lộc và Bảo Lộc- Liên Khương; nâng cấp mở rộng tuyến Quốc lộ 28B, đèo Mimosa và các cầu trên tuyến Quốc lộ 20, đường Trường Sơn Đông; triển khai đầu tư, nâng cấp mở rộng các tuyến Quốc lộ 27, 55, 27C; hoàn thành nâng cấp các tuyến đường tỉnh ĐT.721, ĐT.722, ĐT.725, ĐT.729…; nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương từ tiêu chuẩn 4D lên 4E, mở thêm các tuyến bay nội địa và quốc tế từ Cảng hàng không Liên Khương đi Úc, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Campuchia…
Đến năm 2030, Lâm Đồng phấn đấu hoàn thành đồng bộ đường Cao tốc Dầu Giây- Liên Khương; triển khai đầu tư tuyến đường Cao tốc Đà Lạt- Nha Trang, Đà Lạt- Buôn Ma Thuột; nâng cấp, mở rộng các tuyến Quốc lộ 27C, 28, 55B, đường Trường Sơn Đông nối dài.
Tỉnh cũng phát triển các trục giao thông đối nội theo hướng Bắc- Nam, Đông- Tây, tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn giữa các vùng, khu vực trong tỉnh, kết nối với hệ thống quốc lộ…
|
Lâm Đồng phát huy lợi thế, giá trị bản sắc văn hoá để phát triển du lịch. |
Bên cạnh những giải pháp kể trên, từ nay đến năm 2045, Lâm Đồng cũng tập trung triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp về đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và công tác đối ngoại; đồng thời tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết đấu tranh, phòng, chống và đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ Đảng gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Tiếp tục quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Đặc biệt, quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị; phát huy cao độ truyền thống văn hoá cách mạng, sự cần cù, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của Nhân dân địa phương./.