Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững

Bài 1: Nghị quyết 23-NQ/TW: Khai mở tiềm năng, thế mạnh vùng Tây Nguyên
Thứ ba, 07/05/2024 17:32
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khẳng định: Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước.

Làm gì để Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững luôn là trăn trở của các cấp lãnh đạo tại Tây Nguyên. 

Tây Nguyên gồm 05 tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai và  Kon Tum, với dân số gần 6 triệu người, gồm cả 54 dân tộc anh em cộng cư sinh sống.

Nơi đây, từ bao đời qua, cộng đồng các dân tộc anh em không ngừng vun đắp mối quan hệ đoàn kết, chung sức cùng Đảng, Nhà nước đánh đuổi giặc ngoại xâm, xây dựng và phát triển quê hương không ngừng phát triển; từng bước trở thành địa bàn kết nối với các vùng miền trên cả nước, cung cấp nhiều hàng hoá, lương thực, thực phẩm và đặc biệt là các sản phẩm cây công nghiệp như: cà phê, ca cao, cao su, tiêu… cho thị trường cả nước và thế giới. Đồng thời, liên tục trong những năm gần đây, Tây Nguyên dần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hình thành các tuyến lưu thông huyết mạch xuống các tỉnh đồng bằng duyên hải Nam Trung bộ, Trung bộ, Bắc Trung bộ và Đông Nam bộ cũng như kết nối với các nước bạn Lào, Camphuchia, Thái Lan, Mianma qua hành làng kinh tế Đông Tây.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, các tỉnh Tây Nguyên ngoài những nỗ lực tự thân, dựa vào sự ban tặng của thiên nhiên về vị trí địa lý, tiềm năng, lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu; đặc biệt là tinh thần đoàn kết vượt khó, tự lực cánh sinh để vươn lên cũng như khả năng đổi mới, sáng tạo trong lao động, sản xuất…. thì thời gian qua, Đảng, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tập trung đầu tư nhiều nguồn lực để giúp Tây Nguyên từng bước phát triển; các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể luôn quyết liệt trong hành động, chủ động, dám nghĩ, dám làm, đưa ra nhiều giải pháp quan trọng, thiết thực để lãnh đạo, chỉ đạo, giúp người dân trên địa bàn phát huy tốt mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng và giữ gìn truyền thống văn hoá, lịch sử của vùng đất oai hùng, kiên trung, bất khuất, tạo động lực và bản sắc để Tây Nguyên từng bước hội nhập, phát triển.

 Trong những nỗ lực đạt được thời gian qua tại Tây Nguyên, bộ mặt nông thôn mới tại đây được thay đổi từng ngày, đặc biệt là công cuộc xây dựng nông thôn mới tại các địa bàn nông thôn sâu, xa.

Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, những chuyển biến, thành tựu đạt được trong quá trình phát triển của Tây Nguyên là rất lớn. Đặc biệt, kể từ khi Bộ Chính trị Khóa IX ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 18/01/2002 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001 - 2010 và Kết luận số 12-KL/TW, ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, Tây Nguyên thực sự có nhiều thay đổi, tạo tiền đề để tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.

Trong những thành tựu đó, đáng kể là các cấp, các ngành, các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Vùng. Trên cơ sở đó thường xuyên có những chỉ đạo, định hướng, đưa ra các giải pháp căn cơ, thiết thực để phát huy tiềm năng, lợi thế, tập trung đầu tư mọi nguồn lực để thúc đẩy, đưa địa phương nói riêng và liên kết với cả vùng nói chung phát triển nhanh, bền vững và đạt nhiều kết quả to lớn, quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, quy mô kinh tế của vùng không ngừng tăng nhanh, đến năm 2020, tăng gấp hơn 14 lần so với 2002 và 3,1 lần so với năm 2010; tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2002-2020 đạt gần 8%/năm, tốc độ tăng trưởng của các khu vực kinh tế đều cao nhất so với các vùng; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 48 triệu, gấp 10,6 lần năm 2002; Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Du lịch Tây Nguyên có bước phát triển khá, hình thành các chuỗi phát triển du lịch liên vùng, đang trở thành vùng du lịch sinh thái - văn hoá có sức hấp dẫn; giá trị văn hoá các dân tộc được bảo tồn, kế thừa và phát huy, một số di tích văn hoá lịch sử được tu bổ, tôn tạo; Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Cùng với những thành tựu, kết quả đáng kể đó, hệ thống giáo dục, đào tạo được quan tâm đầu tư; mạng lưới y tế được củng cố; sự nghiệp bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước trên địa bàn Tây Nguyên cũng luôn được chú trọng; các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; các chính sách dân tộc, tôn giáo được thực hiện tốt, khơi dậy và nâng cao ý thức đoàn kết, tính tự lực trong sản xuất, xoá đói, giảm nghèo…

Cạnh đó, thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, thế trận lòng dân luôn được hệ thống chính trị và người dân quan tâm xây dựng, củng cố và tăng cường, nhất là trên tuyến biên giới và các địa bàn xung yếu; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được quan tâm, bảo đảm.

 Tây Nguyên hiện là vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả.

Trong khi đó, đối với hệ thống chính trị trên toàn địa bàn, những năm qua luôn được chú ý, trong đó năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp uỷ, tổ chức đảng và đảng viên được nâng lên; Tây Nguyên cơ bản đã xây dựng được tổ chức đảng ở các buôn, làng; việc xây dựng chính quyền các cấp được đẩy mạnh; chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội được nâng cao; vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín được phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố; niềm tin của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Đảng, Nhà nước được củng cố, tăng cường.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Tây Nguyên vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Trong điều kiện đó, ngày 06/10/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết khẳng định: Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước. Xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên phải kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Cùng với đó, Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng nêu rõ quan điểm phát triển vùng Tây Nguyên phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược quốc gia về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu..; đồng thời phát triển theo hướng đẩy mạnh liên kết vùng, nội vùng; đẩy nhanh kết nối với các trung tâm lớn của cả nước, với các nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Công, nhất là trong khuôn khổ Hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng, khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào- Campuchia và các nước ASEAN…

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã tập trung hoàn thành và ban hành nhiều chương trình hành động, kế hoạch để cụ thể hoá nhằm đưa Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống; đồng thời góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình phát triển của địa phương nói riêng và cả vùng Tây Nguyên nói chung.

Thị trấn Cư Kuin (Đắk Lắk) - Một trong những vùng nông thôn của Tây Nguyên đang từng ngày "thay da đổi thịt", không ngừng phát triển.

Chia sẻ về những kỳ vọng mà Nghị quyết trên sẽ mang lại cho địa phương và Tây Nguyên, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung cho rằng: Nghị quyết số 23-NQ/TW thực sự là động lực và là văn bản hết sức quan trọng để Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững trong những năm đến. Vì thế, thời gian qua, Tỉnh uỷ Đắk Lắk đã tập trung xây dựng chương trình hành động để thực hiện; chỉ đạo việc triển khai, quán triệt, tuyên truyền và cụ thể hoá để đưa Nghị quyết đi ngay vào cuộc sống từ những năm đầu. Trong đó, quan điểm chỉ đạo của Tỉnh uỷ là phát huy kết quả đạt được, tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương, nhất là Nghị quyết 23-NQ/TW để tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, kinh tế tri thức... gắn với tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. “Với truyền thống đoàn kết, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, hướng đến mục tiêu xây dựng tỉnh Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp, văn minh, bản sắc; trên cơ sở những kết quả đạt được, cùng với một số dư địa tăng trưởng tốt ở lĩnh vực kinh tế-xã hội, địa phương tiếp tục phát huy thành quả, nỗ lực thi đua sáng tạo để Đắk Lắk là trung tâm liên kết vùng và cực tăng trưởng chính của toàn vùng Tây Nguyên”, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung cho biết.

Được biết, để phát triển bền vững vùng Tây Nguyên, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ban hành Đề án phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng địa bàn Tây Nguyên. Đây được xem là chương trình hành động của Chính phủ, thể hiện quyết tâm đưa vùng đất phía Tây Tổ quốc phát triển theo đúng mục tiêu, yêu cầu Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra. Theo lộ trình, đề án thực hiện từ năm 2023 đến 2030, với sự tham gia của tám bộ, ngành, các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội; cấp ủy, chính quyền năm tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, yếu tố quyết liệt hoàn thiện thể chế xuất phát từ thực tiễn, xây dựng và triển khai chính sách đặc thù đối với Tây Nguyên rất quan trọng, được xem là “chìa khóa” để khai mở tiềm năng, thế mạnh vùng Tây Nguyên./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực