Tây Nguyên khẳng định là vùng đất có nhiều sản phẩm đặc thù của riêng mình

Thứ sáu, 20/09/2024 16:01
(ĐCSVN) - Tây Nguyên với lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng nên vùng đất này rất thuận lợi để trồng, sản xuất nhiều loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao. Trong đó, nhiều loại cây công nghiệp, cây nông sản vốn chỉ có hoặc có giá trị kinh tế cao khi trồng ở Tây Nguyên, chẳng hạn như cà phê, ca cao, tiêu, cao su, mắc ca… Đây thực sự là sản phẩm đặc thù mang thương hiệu của đất Tây Nguyên.
Sầu riêng- một loại  sản phẩm cây ăn quả có giá trị của Tây Nguyên đang mở rộng thị trường ra các nước.

Nhắc đến Tây Nguyên, nhiều người nghĩ ngay đây là vùng đất có nhiều tiềm năng trong phát triển thuỷ điện, khai khoáng và du lịch. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các sản phẩm chủ lực từ nông nghiệp cũng là dấu ấn rất riêng có chỉ với vùng đất này mới sản xuất được hoặc giá trị kinh tế mới cao. Các loài sản phẩm chủ lực đó được dựa theo các lợi thế đặc thù của vùng, trong đó chủ yếu là khai thác các cây công nghiệp dài ngày, không cần nhiều nước tưới tiêu dưới quy mô trang trại để hình thành nên các vùng nguyên liệu lớn, chủ lực cho toàn vùng; tiến tới phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản.

Trong các loài sản phẩm chủ lực tạo ra các sản phẩm đặc thù của vùng Tây Nguyên này, hiện được tập trung khai thác, phát triển gồm: cà phê, chè, cao su, điều, tiêu, dược liệu, gỗ, rau quả, công nghiệp chế biến nông lâm sản, khai thác và chế biến bôxít, thuỷ điện và phát triển các loại hình du lịch.

Với thế mạnh của mình, Tây Nguyên có tiềm năng hình thành các vùng sản xuất chuyên canh sản xuất tập trung quy mô lớn. Các sản phẩm chủ lực như cà phê, cao su, điều, lâm sản có mặt ở tất cả các tỉnh trong vùng, trong khi chè 95% diện tích tập trung ở Lâm Đồng, hồ tiêu chủ yếu tập trung ở Gia Lai và Đắk Lắk.

Nhìn chung, ở hầu hết các tỉnh của vùng Tây Nguyên, các sản phẩm chủ lực như đã kể có những điểm tương đồng về điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Song, mỗi địa phương lại có những lợi thế riêng của mình, chẳng hạn cà phê được trồng nhiều nhất ở Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng nhưng cà phê Đắk Lắk và Đắk Nông chủ yếu là giống cà phê robusta, trong khi đó tại Lâm Đồng là giống cà phê Arabica.

Các vùng trồng cà phê lớn nổi tiếng ở Đắk Lắk là Buôn Ma Thuột, Ea H’leo, Ea Súp, Krông Buk, Krông Năng, Cư M’gar, Krông Pắc, Buôn Hồ. Đây là vùng đất trông cà phê robusta hàng đầu thế giới. Còn tại Lâm Đồng, cà phê có hương vị khác hẳn, được trồng nhiều ở Cầu Đất, Núi Min, Trạm Hành và là vùng đất có chất lượng cà phê Arabica ngon nhất nhì thế giới.

Dứa cũng là một loại cây trồng có giá trị và cho năng suất sao khi trồng ở Tây Nguyên. 

Sự tương đồng và khác biệt này tạo nên những tiềm năng trong khai thác các sản phẩm đặc thù của mỗi vùng có sự khác nhau trong sự thống nhất, nhằm phát huy năng lực cạnh tranh sản phẩm của mỗi vùng.

Phát huy lới thế của vùng và từng địa bàn, trong những năm qua, các tỉnh thuộc Tây Nguyên đều rất quan tâm, chủ ý coi trọng công tác quy hoạch, ứng dụng thành tựu của khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất. Từ đó, mỗi địa phương tạo ra các mô hình sản xuất đặc thù riêng; không ngừng mở rộng diện tích, tạo thương hiệu và tập trung quảng bá, giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đây cũng là hướng đi chính để trong thời gian đến Tây Nguyên tiếp tục khẳng định lợi thế riêng có, nơi cung cấp những sản phẩm đặc thù để làm giàu cho quê hương và không ngừng thu hút các nhà đầu tư đến để tham gia vào các mô hình, công đoạn cho quá trình sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm đặc thù này./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực