|
Ảnh minh họa: phys.org |
Các đợt nắng nóng, hạn hán và cháy rừng đã tấn công châu Á, châu Phi, châu Âu và Bắc Mỹ trong ba tháng qua, gây tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế, hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Đây là những thông tin cảnh báo do cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu (C3S) Liên minh châu Âu (EU) đưa ra ngày 6/9.
Báo cáo của C3S cho thấy, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong tháng 6, tháng 7 và tháng 8 vừa qua là 16,77 độ C (62,19 độ F), vượt xa kỷ lục vào năm 2019 là 16,48 độ C.
Phát biểu trước báo giới, Phó giám đốc C3S Samantha Burgess nhấn mạnh: “Ba tháng mà chúng ta vừa trải qua là những tháng ấm nhất trong khoảng 120.000 năm trở lại đây, đã để lại những tác động mạnh mẽ đối với lịch sử loài người”.
Không chỉ riêng tháng 7/2023 được đánh giá là tháng nóng nhất trong lịch sử, nền nhiệt trong tháng 8/2023 cũng được ghi nhận là nóng kỷ lục và cao hơn các tháng khác.
Khí hậu đang suy thoái nhanh hơn mức mà chúng ta có thể đối phó
|
Sóng nhiệt, hạn hán và cháy rừng đã tấn công châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ trong ba tháng qua. Ảnh: (Sakis Mitrolidis/ AFP ) |
Theo đánh giá của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thì “sự suy thoái khí hậu đã bắt đầu”, lặp lại lời cảnh báo mà nhà khoa học của Mỹ James Hansen đã phát biểu trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ từ 35 năm trước về sự bắt đầu của “hiện tượng nóng lên toàn cầu”.
“Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo về hậu quả của việc lạm dụng nhiên liệu hóa thạch của chúng ta… Khí hậu của chúng ta đang biến đổi nhanh hơn mức chúng ta có thể đối phó, với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra ở mọi nơi trên hành tinh” – người đứng đầu Liên hợp quốc nói.
Cũng theo Guterres thì nhiệt độ tăng cao đòi hỏi hành động phải tăng cường. Thực tế đó đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải “nóng trong hành động” ngay từ bây giờ để tìm ra các giải pháp khí hậu.
Cũng trong ngày 6/9, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo rằng các đợt nắng nóng thường xuyên và dữ dội hơn đang tạo ra một loại ô nhiễm không khí làm giảm tuổi thọ của con người và tác động tiêu cực tới các thực thể sống khác.
Giám đốc WMO – bà Petteri Taalas cũng lên tiếng cảnh báo về các đợt nắng nóng làm suy giảm chất lượng không khí, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, hệ sinh thái, nông nghiệp và điều này đang thực sự diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Nhiệt độ bề mặt nước biển toàn cầu bị hâm nóng tới mức kỷ lục đã trở thành nhân tố quan trọng dẫn tới hiện tượng tăng nhiệt trong suốt mùa hè, với các đợt nắng nóng trên biển tràn vào khu vực Bắc Đại Tây Dương và Địa Trung Hải.
Từ những lập luận nêu trên, bà Taalas cho rằng: “Dựa vào mức nhiệt tăng thêm mà chúng ta thấy trên bề mặt đại dương, có khả năng 2023 sẽ trở thành năm nóng nhất từng được ghi nhận”.
Các đại dương đang ấm lên
|
Đại dương đã hấp thụ 90% lượng nhiệt dư thừa do hoạt động của con người tạo ra kể từ buổi bình minh của thời đại công nghiệp. (Ảnh:Nicolas Tucat/ AFP) |
Theo các nhà khoa học, đại dương đã hấp thụ 90% lượng nhiệt dư thừa do hoạt động của con người tạo ra kể từ buổi bình minh của thời đại công nghiệp.
Lượng nhiệt dư thừa này tiếp tục tích tụ do khí gây hiệu ứng nhà kính – có nguồn gốc chủ yếu từ việc đốt dầu, khí đốt và than đá - tích tụ trong bầu khí quyển Trái đất.
Ngoại trừ các vùng cực, thì cứ mỗi ngày trôi qua, tính trong giai đoạn từ ngày 31/7 đến 31/8/2023, nhiệt độ mặt nước biển trung bình toàn cầu đã liên tiếp xô đổ các kỷ lục được thiết lập trước đó được ghi nhận vào tháng 3/2016.
Các đại dương trở nên ấm hơn khiến cho khả năng hấp thụ carbon dioxide (CO2) bị suy giảm. Điều này đã khiến vòng luẩn quẩn của hiện tượng nóng lên toàn cầu và nguy cơ phá vỡ các hệ sinh thái mỏng manh trở nên nghiêm trọng hơn.
Phân tích từ C3S cho thấy, băng biển ở Nam Cực vẫn ở mức thấp kỷ lục vào thời điểm này trong năm với giá trị hàng tháng thấp hơn 12% so với mức trung bình.
“Cho đến nay, đây là sự bất thường đáng lo ngại nhất trong tháng 8/2023 kể từ khi các hoạt động quan sát vệ tinh bắt đầu vào những năm 1970” - C3S cho biết.
Nhiệt độ cao hơn có thể sẽ xảy ra ở đường chân trời, bao gồm hiện tượng thời tiết El Niño làm ấm vùng nước ở phía nam Thái Bình Dương và thậm chí là xa hơn nữa cũng chỉ mới bắt đầu. Các nhà khoa học dự đoán những tác động tồi tệ nhất của hiện tượng El Niño đang diễn ra sẽ được cảm nhận vào cuối năm 2023 và kéo dài sang tận năm sau.
Lời cảnh tỉnh từ thiên nhiên
Báo cáo do C3S đưa ra đã nhận được sự chia sẻ mạnh mẽ từ nhiều nhà khoa học trên thế giới.
Ông Mark Maslin, giáo sư khí hậu học tại Đại học College London cho biết: “2023 là năm mà các kỷ lục về khí hậu bị phá vỡ… Các hiện tượng thời tiết cực đoan hiện nay thường xuyên xảy ra và ngày càng trở nên tồi tệ hơn mỗi năm – đây chính là lời cảnh tỉnh đối với các nhà lãnh đạo quốc tế”.
Đồng quan điểm, ông Friederike Otto, nhà khoa học khí hậu tại Imperial College Londo cảnh báo: “Sự nóng lên toàn cầu vẫn tiếp diễn bởi vì chúng ta chưa ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch - đơn giản là vậy”.
Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở Paris năm 2015, các nước đã đồng ý duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức "thấp hơn" 2 độ C so với mức tiền công nghiệp, với mục tiêu mong muốn là 1,5 độ C.
Trong tuần này, các chuyên gia Liên hợp quốc sẽ đưa ra một bản đánh giá tiến bộ của thế giới trong việc đáp ứng các mục tiêu đã đề ra. Bản đánh giá cũng sẽ đưa ra đánh giá rằng, các cam kết cắt giảm carbon quốc gia hiện tại đã giảm sút rất nhiều và điều đó sẽ khiến bề mặt Trái đất nóng lên thêm 2,7 độ C. Các thông tin này sẽ được gửi tới các nhà lãnh đạo thế giới trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở Dubai, dự kiến diễn ra vào ngày 30/11 tới.
Các phát hiện của C3S đến từ các phân tích do máy tính tạo ra, sử dụng hàng tỷ phép đo từ vệ tinh, tàu, máy bay và trạm thời tiết trên khắp thế giới. Trong khi đó, các dữ liệu như vòng cây và lõi băng cho phép các nhà khoa học so sánh nhiệt độ hiện đại với các số liệu trước khi hồ sơ bắt đầu vào giữa thế kỷ 19./.