Báo động về rạn san hô lớn thứ hai thế giới

Thứ sáu, 14/02/2020 17:16
Theo báo cáo của một nhóm các nhà khoa học, tình trạng của Mesoamerica Barrier- hệ thống san hô lớn thứ hai thế giới trải dài từ Mexico tới Trung Mỹ - đang đột ngột trở nên tồi tệ hơn sau khi đối mặt với nhiều mối đe dọa từ biến đổi khí hậu.

Rạn san hô Mesoamerica Barrier. (Nguồn: Coral Reefs) 

Với chiều dài gần 1.000 km từ mũi Bắc của Bán đảo Yucatan ở Mexico cho đến quần đảo Bay tại phía Bắc Honduras, Mesoamerica Barrier, còn được biết đến với tên gọi Great Maya, là rạn san hô lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Great Barrier của Australia. Qua hàng nghìn năm phát triển, các rạn san hô trên thế giới đã đóng vai trò quan trọng đối với sự sống và phát triển của vô số sinh vật biển. Tuy nhiên, phần nhiều trong số này, bao gồm cả rạn san hô Great Barrier, đang phải đối mặt với các thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu. 

Theo công trình nghiên cứu đối với 286 rạn san hô tại Mexico, Belize, Guatemala và Honduras, rạn san hô Mesoamerica Barrier đã bị yếu đi kể từ năm 2006. Lần đầu tiên trong 12 năm theo dõi rạn san hô lớn nhất tại Tây Bán Cầu này, Báo cáo về Sức khỏe San hô thấy sức khỏe của hệ sinh thái quan trọng này đã bị suy yếu. Cụ thể, Chỉ số Sức khỏe San hô (RHI), vốn tổng hợp các dữ liệu sinh thái, đã bị giảm từ 2,8 vào năm 2019 xuống còn 2,5 trong năm 2018. Trước đó, Mesoamerican Barrier đã có dấu hiệu hồi phục kể từ năm 2006, khi các nhà khoa học bắt đầu đánh giá về tình trạng sức khỏe của rạn san hô này và đưa ra chỉ số RHI ở mức 2,3. Khoảng 26 tổ chức đã tham gia vào việc tổng hợp dữ liệu trong báo cáo mới nhất này.

Tiến sĩ Melanie McField, Giám đốc về Sáng kiến san hô khỏe mạnh nêu rõ trong thập kỷ qua, các nhà khoa học đã ghi nhận quá trình phục hồi tích cực nhưng chậm chạp của hệ thống rạn san hô Mesoamerican Barrier. Tuy nhiên, sự suy giảm sức khỏe của rạn san hô gần đây cho thấy tầm quan trọng của việc thúc đẩy các hành động nhằm cải thiện chất lượng nguồn nước và tăng lượng cá. Các tác giả báo cáo nhấn mạnh trong bối cảnh biến đổi khí hậu leo thang ở mức báo động đe dọa đến các rạn san hô, thế giới cần có thêm hành động khẩn cấp nhằm giảm bớt CO2 và các nhân tố tiêu cực khác.

Việc sức khỏe rạn san hô bị suy giảm nghiêm trọng chủ yếu là do sự sụt giảm các loài cá do hoạt động khai thác không bền vững, đặc biệt là tại Honduras. Các nhà khoa học cũng cảnh báo san hô đang phải đối mặt với khủng hoảng liên quan đến căn bệnh lạ khiến san hô bị vôi hóa và chết. Đây nhiều khả năng là căn bệnh nguy hiểm với rạn san hô Mesoamerican Barrier. Hiện chưa rõ nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này, song các nhà khoa học đang cảnh báo về tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch bệnh. Năm 2018, nó đã nhanh chóng tác động đến vùng san hô dài 450 km dọc bờ biển Mexico-Caribe và lan tới các rạn san hô Belize ở cực Bắc vào mùa Hè năm ngoái và đến nay vẫn chưa chấm dứt./.

Theo TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực