Biến đổi khí hậu có thể khiến 216 triệu người buộc phải di cư nội địa vào năm 2050

Thứ ba, 14/09/2021 15:26
(ĐCSVN) - Các điểm nóng về di cư nội địa do biến đổi khí hậu có thể bắt đầu trở nên cấp bách sớm nhất vào năm 2030 và sẽ tiếp tục lan rộng, trở nên căng thẳng hơn vào năm 2050. Báo cáo cũng cho thấy rằng hành động phối hợp và tức thời nhằm làm giảm lượng khí thải toàn cầu, hỗ trợ phát triển xanh, toàn diện và phát triển bền vững, có thể giúp làm giảm 80% quy mô di cư do biến đổi khí hậu.
Người di cư trên đảo Lesbos, Hy Lạp. (Ảnh minh họa: AFP/TTXVN) 

Báo cáo cập nhật Groundswell của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm 13/9 cho biết biến đổi khí hậu, một yếu tố thúc đẩy di cư ngày càng lớn, có thể khiến 216 triệu người trên sáu khu vực trên thế giới phải di cư nội địa vào năm 2050.

Các điểm nóng về di cư nội địa do biến đổi khí hậu có thể bắt đầu trở nên cấp bách sớm nhất vào năm 2030 và sẽ tiếp tục lan rộng, trở nên căng thẳng hơn vào năm 2050. Báo cáo cũng cho thấy rằng hành động phối hợp và tức thời nhằm làm giảm lượng khí thải toàn cầu, hỗ trợ phát triển xanh, toàn diện và phát triển bền vững, có thể giúp làm giảm 80% quy mô di cư do biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu là một yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ tới vấn đề di cư nội địa bởi tác động của nó đến sinh kế của người dân và khiến cho những địa điểm dễ bị ảnh hưởng không còn khả năng sinh sống. Đến năm 2050, vùng châu Phi cận Sahara có thể có tới 86 triệu người phải di cư nội địa vì biến đổi khí hậu; con số này ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương là 49 triệu người; Nam Á là 40 triệu người; Bắc Phi, 19 triệu người; châu Mỹ Latinh, 17 triệu người; và Đông Âu - Trung Á, 5 triệu người.

“Báo cáo Groundswell là một lời nhắc nhở rõ ràng về thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra cho nhân loại, đặc biệt là đối với những quốc gia nghèo nhất thế giới - những quốc gia không phải tác nhân lớn gây nên biến đổi khí hậu. Ông Juergen Voegele, Phó Chủ tịch Phát triển Bền vững, Ngân hàng Thế giới, cho biết “Tất cả những vấn đề này về cơ bản có mối liên hệ với nhau, đó là lý do tại sao chúng tôi xác định các quốc gia để hỗ trợ nhằm cùng nhau thực hiện các mục tiêu về khí hậu và phát triển, đồng thời xây dựng một tương lai có khả năng phục hồi, bền vững và an toàn hơn.”

Báo cáo cập nhật bao gồm các dự báo và phân tích cho ba khu vực: Đông Á - Thái Bình Dương, Bắc Phi, Đông Âu - Trung Á. Báo cáo được xây dựng dựa trên phương pháp tiếp cận mô hình tiên phong mới của báo cáo Groundswellnăm 2018 trước đó từ Ngân hàng Thế giới, bao gồm khu vực châu Phi cận Sahara, Nam Á và châu Mỹ Latinh.

Bằng cách triển khai phương pháp tiếp cận dựa trên giả định đặt ra, báo cáo đã làm rõ các kết quả tiềm năng trong tương lai, có thể giúp những nhà hoạch định lập kế hoạch trước. Phương pháp tiếp cận cho phép xác định các điểm nóng về di cư do biến đổi khí hậu trong và ngoài nước, cụ thể là các khu vực mà người dân dự kiến sẽ phải di dời do tình trạng khan hiếm nước ngày càng trầm trọng, năng suất cây trồng giảm, mực nước biển dâng, cùng với đó là các khu vực thành thị, nông thôn có có điều kiện xây dựng sinh kế mới.

Báo cáo đưa ra một loạt các khuyến nghị chính sách có thể giúp làm chậm các yếu tố thúc đẩy di cư do biến đổi khí hậu và chuẩn bị cho các luồng di cư dự kiến, bao gồm:

• Giảm lượng khí thải toàn cầu và nỗ lực hết sức nhằm đáp ứng các mục tiêu về nhiệt độ của Thỏa thuận Paris.

• Đưa vấn đề di cư nội địa do biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển toàn diện lâu dài, quy hoạch phát triển xanh và bền vững.

• Chuẩn bị cho từng giai đoạn di cư, vì vậy di cư nội địa do biến đổi khí hậu sẽ được xem như một chiến lược thích ứng có thể mang lại kết quả phát triển tích cực.

•  Đầu tư nhằm hiểu rõ hơn về các yếu tố thúc đẩy di cư nội địa do biến đổi khí hậu để đưa ra các chính sách hướng tới mục tiêu tốt.

 

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực