Các bài học kinh nghiệm từ đại dịch sẽ giúp giải quyết các thách thức hiện tại và tương lai

Thứ tư, 07/07/2021 17:14
(ĐCSVN) – Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề kinh tế và xã hội Liu Zhenmin kêu gọi các quốc gia thành viên thực hiện các bước cần thiết để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) và biến Thỏa thuận Khí hậu Paris thành hiện thực.
leftcenterrightdel
 Trẻ em ở Zimbabwe  (Ảnh: UN)

Phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn Chính trị Cấp cao về Phát triển Bền vững do Cơ quan Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc (DESA) tổ chức ngày 6/7, ông Liu Zhenmin cho biết các Mục tiêu Phát triển Bền vững vẫn nằm trong tầm tay. “Chúng ta đang ở một thời điểm quan trọng trong lịch sử nhân loại. Những quyết định chúng ta đưa ra và những hành động chúng ta thực hiện ngày hôm nay sẽ có những hậu quả quan trọng đối với các thế hệ tương lai. Các bài học kinh nghiệm từ đại dịch sẽ giúp chúng ta đối mặt với những thách thức hiện tại và tương lai” – ông nói thêm.

Tại Diễn đàn Chính trị Cấp cao về Phát triển Bền vững, 44 quốc gia thành viên sẽ trình bày các biện pháp mà họ đang thực hiện để thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Chủ đề của diễn đàn năm nay là: "Phục hồi bền vững và có khả năng phục hồi sau đại dịch COVID-19, thúc đẩy các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường của phát triển bền vững".

Trình bày báo cáo mới của Liên hợp quốc về tiến độ đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững, ông Liu Zhenmin nêu rõ: “Nhìn chung, báo cáo này vẽ ra một bức tranh đáng lo ngại về tình trạng của các SDG, 6 năm sau khi Chương trình nghị sự 2030 được thông qua”. Theo đó, báo cáo chỉ ra tác động tàn phá của đại dịch COVID-19. Đại dịch đã làm đình trệ hoặc đảo ngược tiến trình phát triển xuống nhiều năm, nếu không muốn nói là nhiều thập kỷ. Tình trạng nghèo cùng cực trên toàn cầu tăng lần đầu tiên kể từ năm 1998. Năm 2020, hơn 100 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực và đói triền miên. Và sự gián đoạn đối với các dịch vụ y tế thiết yếu đã đe dọa nhiều năm tiến bộ trong việc cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em, tăng tỷ lệ bao phủ tiêm chủng và giảm các bệnh truyền nhiễm và không lây nhiễm.

Phó Tổng thư ký cũng lưu ý rằng mặc dù kinh tế bị sụt giảm liên quan đến đại dịch, song cuộc khủng hoảng khí hậu vẫn tiếp tục không suy giảm. Việc giảm tạm thời các hoạt động của con người đã dẫn đến giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, nồng độ khí nhà kính tiếp tục tăng vào năm 2020, đạt kỷ lục mới.

Tuy nhiên, bất chấp bức tranh đáng lo ngại về tình trạng của các Mục tiêu Phát triển Bền vững, ông Zhenmain cho biết báo cáo “cũng nêu bật những câu chuyện về khả năng phục hồi, khả năng thích ứng và đổi mới trong cuộc khủng hoảng, cho thấy rằng một tương lai tốt đẹp hơn là có thể xảy ra”. Ông ghi nhận khả năng phục hồi to lớn của cộng đồng, sự mở rộng nhanh chóng của bảo trợ xã hội, tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số và sự hợp tác độc đáo để phát triển vaccine và phương pháp điều trị cứu sống trong thời gian kỷ lục.

Theo ông, phản ứng tập thể trong 18 tháng tới sẽ quyết định liệu cuộc khủng hoảng COVID-19 có tạo thành một tín hiệu cần thiết hay không. “Trên hết, cộng đồng toàn cầu phải bảo đảm khả năng tiếp cận công bằng đối với vaccine và phương pháp điều trị chống lại COVID-19. Đây là một bước quan trọng có thể thực sự thúc đẩy một thập kỷ hành động” – ông nói.

Ngoài ra, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề kinh tế và xã hội Liu Zhenmin cũng nhận thấy sự cần thiết của những thay đổi mang tính chuyển đổi và nhắc lại rằng các SDG đưa ra lộ trình. “Để giải quyết những điểm dễ bị tổn thương do đại dịch, cần có những chuyển đổi cơ cấu, bao gồm: tăng cường đáng kể các hệ thống bảo trợ xã hội và các dịch vụ công; tăng cường đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; củng cố tình hình tài chính của các nước đang phát triển; đầu tư vào năng lượng sạch và công nghiệp; và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong quá trình ra quyết định” – ông nhấn mạnh.

Ông Zhenmin cũng lưu ý rằng báo cáo cho thấy những điểm yếu trong hệ thống thông tin và dữ liệu đặt ra một thách thức bổ sung và to lớn cho các nhà hoạch định chính sách. Một năm sau khi bắt đầu đại dịch, chỉ có khoảng 60 quốc gia có dữ liệu về tỷ lệ nhiễm và tử vong do COVID-19, có thể được phân tách theo độ tuổi và giới tính và được công bố rộng rãi. Theo quan chức của Liên hợp quốc, dữ liệu chất lượng cao kịp thời là điều cần thiết hơn bao giờ hết. Những người ra quyết định phải coi dữ liệu như một tài sản chiến lược và ưu tiên để tái tạo lại tốt hơn. Việc tăng cường tài trợ cho dữ liệu từ các nguồn lực quốc tế và quốc gia là điều cần thiết./.

Khánh Linh (Theo UN, AFP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực