Các nước đang phát triển đặt ra yêu cầu trước Hội nghị thượng đỉnh COP26

Thứ năm, 15/07/2021 15:33
(ĐCSVN) - Kế hoạch 5 điểm của COP26 vì sự đoàn kết, công bằng và thịnh vượng là kết quả của hơn một năm hợp tác và hàng loạt hội thảo giữa các quan chức Chính phủ, các tổ chức tư vấn và các nhóm nghiên cứu trên toàn khu vực Nam bán cầu.
Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu diễn ra tại Glasgow, Scotland vào tháng 11/2021.  (Ảnh: cop 26)

Đại diện từ các nước đang phát triển hôm nay (15/7) đã cho những ý kiến đầu tiên về các cuộc đàm phán trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow, Scotland vào tháng 11/2021.

Bản báo cáo đã đưa ra quan điểm của các nước về một kế hoạch năm điểm nhằm có được một hội nghị thượng đỉnh COP26 thành công, đồng thời nêu bật các vấn đề chính cần được đưa ra để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Bản báo cáo được đưa ra nhằm đáp lại việc cuộc họp của các bộ trưởng tài chính các nước G7 vào tháng trước và bộ trưởng tài chính các nước G20 kết thúc ngày 11/7/2021, đã không đạt được các tiến bộ cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.

Các cuộc hội đàm tại COP26 sẽ giải quyết các vấn đề chính liên quan đến Thỏa thuận Paris như cam kết hỗ trợ tài chính từ các quốc gia gây ô nhiễm giàu có hơn cho những quốc gia nghèo hơn, dễ bị tổn thương hơn, cũng như cắt giảm lượng khí thải và đặt ra các mục tiêu không phát thải mới.

Nhiều quốc gia đang phát triển muốn cắt giảm lượng khí thải của chính họ, mặc dù các quốc gia này chỉ chịu một phần nhỏ trách nhiệm trong việc làm khí hậu nóng lên do sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thứ nhiên liệu trước đây đã làm cho thế giới phát triển trở nên giàu có, nhưng lại tạo ra một cuộc khủng hoảng khí hậu mà chúng ta đang phải đối mặt ngày nay.

Tuy nhiên, các quốc gia này cần quỹ hỗ trợ để chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và thích ứng với những thay đổi đang gây ảnh hưởng đến công dân nước mình. Năm điểm được đưa ra trong báo cáo gồm:

Cắt giảm khí thải: Mặc dù những tiến bộ gần đây rất đáng hoan nghênh, nhưng tất cả các chính sách khí hậu hiện có trên toàn thế giới vẫn sẽ không thể kìm hãm sự nóng lên toàn cầu dưới mức giới hạn mà các Chính phủ đã đồng thuận tại Hiệp định Paris. Việc tăng cường các mục tiêu không phát thải do các quốc gia có trách nhiệm và năng lực lớn nhất dẫn đầu là vô cùng cần thiết.

Tài trợ: Những lời hứa của các nước phát triển tại Copenhagen vào năm 2009 và tại Thỏa thuận Paris đã quá rõ ràng và phải được thực hiện. Các nước giàu đã hứa hẹn sẽ tài trợ ít nhất 100 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2020 và sẽ tăng số tiền tài trợ hàng năm kể từ năm 2025. Tuy nhiên, mục tiêu này đã không được hoàn thành và cần được khắc phục gấp để tại COP26 tới đây các nước đang phát triển có thể tin tưởng các quốc gia giàu có hơn sẽ giữ cam kết về những điều sẽ đàm phán.

Thích ứng: Với các tác động khí hậu ngày càng gia tăng, cần phải cam kết một mục tiêu cụ thể là ít nhất có 50% nguồn tài trợ dành cho biến đổi khí hậu để giúp những quốc gia dễ bị tổn thương nhất thích ứng, và cần được đánh giá lại một cách thường xuyên.

Mất mát và Thiệt hại: Hậu quả của việc các nước phát triển trong quá khứ không cắt giảm lượng khí thải một cách thỏa đáng đã dẫn đến những tổn thất và thiệt hại vĩnh viễn cho những quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Cần phải thừa nhận trách nhiệm và thực hiện các biện pháp giảm thiểu thiệt hại đã cam kết.

Thực hiện: Sau nhiều hội nghị thượng đỉnh bị đình trệ, tại COP26 Chính phủ các quốc gia phải hoàn thiện các biện pháp về minh bạch, giao dịch carbon và đặt ra khung thời gian chung là 5 năm để thực hiện các Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

Với việc Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tháng 6/2021 không đạt được tiến bộ cụ thể về tài trợ cho lĩnh vực khí hậu và chưa có được sự đồng thuận về một thời gian biểu cho việc loại bỏ than đá, vẫn còn đó một lượng lớn công việc phải thực hiện trước khi COP26 bắt đầu vào tháng 11.

Phải nhấn mạnh rằng chúng ta cần đạt tiến độ nhanh hơn, bởi thời tiết cực đoan đang liên tục gây ra nhiều thương vong và tàn phá trên toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo của các nước đang phát triển cảnh báo, nếu không có kế hoạch 5 điểm này, kết quả của Hội nghị thượng đỉnh Glasgow sẽ không có giá trị và kết thúc trong thất bại. Kế hoạch đã được phát triển và được thông qua bởi các nhà lãnh đạo Chính phủ, đại diện cho các quốc gia và các khối đàm phán của Liên hợp quốc, chiếm hơn một nửa số quốc gia trên thế giới.

Phó Tổng thống Kenya, H.E William S. Ruto. (Ảnh: josephmuciraexclusives.com) 

Phó Tổng thống Kenya, H.E William S. Ruto, cho rằng: “Những người nông dân và người chăn nuôi tại Kenya vẫn đang tính toán những thiệt hại ngày càng tăng do tác động tiêu cực của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc tại Glasgow, COP26, sẽ đề cập đến vấn đề bảo vệ hành tinh và con người khỏi sự tàn phá của biến đổi khí hậu. Hội nghị thượng đỉnh cần giải quyết nhu cầu của những người dễ bị tổn thương và người nghèo trên thế giới, những người mà cuộc sống của họ đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết bởi tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Chương trình Đoàn kết hỗ trợ đang tìm cách giải quyết những vấn đề này".

Bộ trưởng Bộ Môi trường, Rừng và Biến đổi Khí hậu của Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia, Giáo sư Fekadu Beyene nhấn mạnh: “Việc không giữ lời hứa trong các lĩnh vực tài trợ, thích ứng, và mất mát & thiệt hại là không thể chấp nhận được. Việc nhất trí với một loạt lời hứa mới có ích gì nếu chúng ta không giữ lời? Tài liệu này đưa ra một cách thức để tổ chức thành công Hội nghị COP26, đáp ứng tính cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu và khôi phục niềm tin cho các cuộc đàm phán ".

Bộ trưởng Bộ Nhà ở, Cải tạo Đô thị, Môi trường và Biến đổi Khí hậu Jamaica, Pearnel Charles Jr  .(Ảnh:opm.gov.jm) 

Bộ trưởng Bộ Nhà ở, Cải tạo Đô thị, Môi trường và Biến đổi Khí hậu Jamaica, Pearnel Charles Jr cho rằng: “Jamaica, quốc gia trước đây có đóng góp vào biến đổi khí hậu không đáng kể, đã đệ trình một Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) rất tham vọng, gần như tăng gấp đôi mục tiêu năng lượng sạch và tái tạo. Chúng tôi mong chờ nhiều nỗ lực hơn từ các quốc gia có mức phát thải lớn. Không còn nhiều thời gian cho việc nói suông nữa, đây là lúc để hành động. Việc kiểm soát nhiệt độ ở mức 1,5 độ C chưa thực sự tốt. Sự sống còn của hàng triệu người trong các cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương nhất nằm trong tay chúng ta. Với ý chí về chính trị, chúng ta có thể có được cả tham vọng và sự đoàn kết mà chúng ta cần. Thời gian đang trôi dần. Hãy hành động ngay lập tức".

Tanguy Gahouma-Bekale người Gabon, Chủ tịch Nhóm các nhà đàm phán châu Phi (AGN) nhấn mạnh: “Đây là hội nghị thượng đỉnh quan trọng nhất kể từ khi Thỏa thuận Paris được ký kết. Không chỉ vì nó chính thức đánh dấu việc thực hiện nghĩa vụ của Thỏa thuận Paris mà nó còn đến trong giai đoạn các quốc gia đang tái thiết sau đại dịch COVID. Đây là cơ hội hiếm có để tái thiết một thế giới tốt đẹp hơn cũng như có một khí hậu an toàn hơn. “Các nước phát triển hiện không hợp tác chặt chẽ hoặc giữ lời hứa về nghĩa vụ tài chính vì khí hậu. Giống như bất kỳ cuộc đàm phán nào, ta cần có niềm tin rằng chúng ta sẽ đạt được những cam kết đặt ra. Trong năm 2009 và 2015, họ hứa sẽ tài trợ các dự án vì khí hậu vào năm 2020. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được đáp ứng và chúng ta chưa có một kế hoạch rõ ràng để đạt được điều đó”.

 Chủ tịch Nhóm các nước kém phát triển nhất tại COP26 Sonam P Wangdi (Ảnh:casaclimate.org) 

Sonam P Wangdi của Bhutan, Chủ tịch Nhóm các nước kém phát triển nhất tại COP26 cho biết: “Mặc dù COVID đang là tâm điểm chính, nhưng vấn đề biến đổi khí hậu đã trở nên tồi tệ hơn trong những năm qua khi lượng khí thải tiếp tục tăng lên và cuộc sống và sinh kế của nhiều người bị ảnh hưởng. “Các nước dễ bị tổn thương chúng tôi không đòi hỏi nhiều. Chỉ cần những quốc gia giàu có hơn, những người đã gây ra vấn đề này, phải chịu trách nhiệm bằng cách cắt giảm lượng khí thải của họ và giữ lời hứa giúp đỡ những quốc gia chịu thiệt hại do phát thải. Thế giới đang thức tỉnh với thực tế là biến đổi khí hậu vẫn còn đó và chúng ta cần thấy các quốc gia phản ứng, hành động vì vấn đề này”.

“COP26 cần phải là một hội nghị thượng đỉnh mà ở đó chúng ta thấy các quốc gia hành động chứ không chỉ nói suông. Chúng ta có đủ kế hoạch: những gì chúng ta cần là các nền kinh tế lớn bắt đầu thực hiện những lời hứa của họ. Các nền kinh tế của chúng ta đang phải đối mặt với các tác động khí hậu gia tăng và các khó khăn về ngân sách: hoặc chúng ta hành động đúng cách để thoát khỏi tình trạng này hoặc chúng ta phải đối mặt với một thập kỷ nhiều mất mát với nhiều thiệt hại thảm khốc”.

Phó Thủ tướng Somalia H.E Mahdi M. Gulaid, khẳng định: “Biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn tại của chúng ta. Các quốc gia dễ bị tổn thương như Somalia đã và đang chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu. COP26 chính là thời điểm quan trọng cho quá trình chuyển giao và không thể có thêm lý do bào chữa cho những lời hứa chưa được thực hiện, đặc biệt là những lời hứa tài trợ vì khí hậu. Tài liệu này đưa ra các ưu tiên trọng điểm, dẫn tới thành công của hội nghị tại Glasgow, một cơ hội để mang lại sự đoàn kết, công bằng và thịnh vượng cho tất cả mọi người”.

Trưởng phái đoàn tại Công ước Khung Liên hiệp quốc Về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) của Bolivia Diego Pacheco, cho biết: “Kế hoạch năm điểm này là cơ sở cho một lộ trình dẫn đến một Hội nghị thượng đỉnh COP26 thành công, phù hợp và cần được bổ sung“lời kêu gọi hành động khẩn cấp và công bằng để ngăn chặn khí hậu xấu đi và khôi phục sự cân bằng cho Trái đất” được đề xuất bởi Chính phủ Bolivia với UNFCCC. Điều này cho thấy hành động vì khí hậu là thế nào. Trong nhiều thập kỷ, các nước giàu đã tuyên bố rằng họ nhận ra sự bất công rõ ràng của cuộc khủng hoảng khí hậu và sẽ hành động để khắc phục điều này. Nhưng cho đến nay, họ đều thất bại. Tài liệu này kết hợp với lời kêu gọi của Bolivia là thử thách xem họ có thực sự nghiêm túc hay không”.

Phó Chủ tịch Hạ viện Philippines, Loren Legarda .(Ảnh:pna.gov.ph) 

Đại sứ Diễn đàn các quốc gia dễ bị tổn thương do Khí hậu cho các Nghị viện, cựu Thượng nghị sĩ và hiện là Phó Chủ tịch Hạ viện Philippines, Loren Legarda: Báo cáo này phản ánh những nhu cầu mà các quốc gia dễ bị tổn thương đã mong đợi từ lâu. Tình huống khẩn cấp mà chúng tôi đang gặp phải đòi hỏi các biện pháp táo bạo, sự lãnh đạo thực sự, mà thông báo này thể hiện rất rõ ràng. Đừng chỉ đọc nó, hãy hành động, lặp lại các lời kêu gọi và khiến bạn được mọi người lắng nghe.

Trong cuộc khủng hoảng khí hậu, bạn thắng chậm tức là bạn đã thua, đứng im tức là bạn đã đi lùi. Tôi kêu gọi tất cả các nghị viện lưu ý đến kế hoạch năm điểm trong báo cáo này. Hãy cùng nhau hành động theo các điểm như giảm thiểu, thích ứng, tài trợ, mất mát và thiệt hại, và các phương pháp thực hiện. Thất bại là điều không thể chấp nhận được.

Các quốc gia dễ bị tổn thương không chỉ yêu cầu sự đoàn kết. Bất chấp cuộc khủng hoảng khí hậu, chúng tôi vẫn mong sẽ trở nên thịnh vượng. Báo cáo này cho thấy chúng ta có thể làm nhiều điều thế nào hơn là chỉ tồn tại. Báo cáo cung cấp những phương pháp giúp chúng ta có thể phát triển, nếu chúng ta đặt vấn đề khí hậu làm trọng tâm của chương trình nghị sự của mình.

Đại sứ Diann Black-Layne, Đại sứ về Biến đổi khí hậu, Antigua và Barbuda, Chủ tịch Liên minh các quốc đảo nhỏ (AOSIS) về vấn đề biến đổi khí hậu: “Chúng ta cần các nước phát triển đáp ứng cam kết tài trợ 100 tỷ USD mỗi năm, trong đó 50%  dành cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Nguồn tài trợ được huy động này phải đến được các quốc gia và cộng đồng dễ bị tổn thương nhất. Mỗi tổ chức trong số 28 đơn vị được công nhận của AOSIS cho Quỹ Khí hậu Xanh và Quỹ Thích ứng, không có nhiều hơn 2 dự án được phê duyệt và còn nhiều dự án chưa được phê duyệt". "AOSIS mong đợi sẽ thấy được các hành động và tiến bộ. Các hòn đảo nhỏ đang phải gánh chịu chi phí bình quân đầu người cao hơn do không có hành động vì khí hậu từ các quốc gia có mức phát thải lớn trên thế giới".

Issa Musa Nyashilu, người đứng đầu cơ quan Biến đổi khí hậu và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), Tanzania: “Đối với nhiều người trên khắp thế giới, bao gồm cả Tanzania, biến đổi khí hậu đã và đang có tác động đến cuộc sống của mọi người. Đó là lý do tại sao chúng ta cần tập trung nhiều hơn vào việc giúp các cộng đồng bị ảnh hưởng thích ứng được với những tác động này. Đồng thời, nếu các nước nghèo hơn muốn loại bỏ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, chúng tôi cần sự trợ giúp về công nghệ năng lượng tái tạo và nâng cao năng lực để giúp chúng tôi giữ mức phát thải thấp đồng thời cho phép chúng tôi thực hiện các kế hoạch khí hậu quốc gia theo Thỏa thuận Paris”.

Đại sứ Seyni Nafo, người phát ngôn của Nhóm các quốc gia châu Phi tại COP26: “Tất cả những gì mà chúng tôi, các quốc gia châu Phi, đang làm là yêu cầu các quốc gia giàu hơn thực hiện lời hứa của họ. Những lời hứa của các nước phát triển tại Copenhagen năm 2009 và lời hứa trong Thỏa thuận Paris đã quá rõ ràng và cần phải được thực hiện. Khoản tài trợ cho kế hoạch thích ứng, tương tự như nguồn tài trợ cho việc giảm thiểu khí thải, là những điều không thể thiếu nhằm cho phép các quốc gia dễ bị tổn thương do khí hậu thích ứng với các tác động không thể tránh khỏi do biến đổi khí hậu”.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực