Cam kết đầu tư nhiều hơn vào giáo dục sau cuộc khủng hoảng COVID-19

Thứ năm, 11/11/2021 16:07
(ĐCSVN) – Hơn 40 quốc gia đã thông qua Tuyên bố Paris về Giáo dục, một văn bản cam kết các quốc gia tham gia cải thiện đầu tư vào giáo dục và tăng cường viện trợ quốc tế cho giáo dục.

Phát biểu tại hội nghị ngày 10/11 nhằm tăng cường cam kết chính trị quốc tế và quốc gia về giáo dục, Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Audrey Azoulay cho biết: “Hôm nay, trong bối cảnh tình trạng khẩn cấp tức thời của cuộc khủng hoảng có vẻ đã kết thúc, hành động của chúng ta vẫn phải tiếp tục”. “Nếu chúng ta không đầu tư vào giáo dục ngay bây giờ, tổn thất sẽ còn cao hơn nhiều cho các thế hệ sau” – bà Audrey Azoulay cảnh báo.

Lồng ghép giáo dục môi trường vào các chương trình giảng dạy của trường học. (Ảnh minh họa: Khánh Linh)

 Đầu tư công và hợp tác công-tư

Tuyên bố Paris về Giáo dục đặc biệt kêu gọi dựa vào nguồn đầu tư công và hợp tác công-tư, cũng như tăng cường viện trợ quốc tế bằng cách ưu tiên cho mục tiêu 0,7% GNP của các nhà tài trợ viện trợ công dành cho phát triển.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đồng chủ trì hội nghị, cho biết: “Với đại dịch, chúng ta cũng đã phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng giáo dục ở mức độ chưa từng có, điều này đã làm tăng thêm những thách thức trong việc tiếp cận phổ cập với nền giáo dục chất lượng”. Ông cũng đồng thời nhấn mạnh rằng ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng, 90% học sinh trên thế giới đã thấy trường học của họ bị đóng cửa.

Tổng thống Emmanuel Macron nêu rõ: “Tại Pháp và trên toàn thế giới, chúng tôi cam kết ưu tiên tiếp cận giáo dục. Bởi vì trường học là nơi đặc quyền để xây dựng một dự án chung và một số phận chung cho xã hội của chúng ta”.

Tác động tàn phá của COVID-19

Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc, ở thời điểm trung tâm của đại dịch, 1,6 tỷ trẻ em và thanh thiếu niên đã bị tước quyền đi học. Trong số đó, 500 triệu sinh viên, chủ yếu ở các nước phía Nam, không được tiếp cận với giáo dục từ xa.

Tổng giám đốc UNESCO cho biết: “Đại dịch Covid-19 đã xảy đến để nhấn mạnh cho tất cả mọi người trên thế giới tầm quan trọng cốt yếu của giáo dục như một lợi ích cộng đồng toàn cầu. Ở trung tâm của cuộc khủng hoảng, liên minh quốc tế do UNESCO khởi xướng đã có thể đáp ứng những nhu cầu cấp thiết nhất, giúp đỡ hơn 400 triệu học sinh và 12 triệu giáo viên tại 112 quốc gia.

Tuy nhiên, mặc dù triển khai đợt huy động chưa từng có này, tình hình vẫn đáng lo ngại cho đến hiện nay. Theo thống kê mới nhất của UNESCO, các trường học vẫn bị đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần ở 65 quốc gia, ảnh hưởng đến 750 triệu học sinh.

11 triệu trẻ em gái trên toàn thế giới có nguy cơ không được đi học lại

Ở những quốc gia mà trường học đang mở cửa trở lại, cũng có một nguyên nhân đáng lo ngại: một số trẻ em không trở lại lớp học. Điều này đặc biệt xảy ra đối với trẻ em gái. UNESCO ước tính rằng 11 triệu trẻ em gái trên khắp thế giới có nguy cơ không thể trở lại trường học sau đại dịch.

Những rủi ro này đối với việc đi học của trẻ em là một phần của bối cảnh toàn cầu về tình trạng thiếu đầu tư vào giáo dục.

Các quốc gia thành viên của UNESCO đã đồng ý từ năm 2015 về việc tài trợ cho giáo dục từ 4 6% GDP hoặc 15 20% chi tiêu công, nhưng phần lớn các quốc gia vẫn chưa đạt được ngưỡng này.

UNESCO đánh giá chỉ 1% trong số các kế hoạch phục hồi sau COVID-19 được phân bổ cho giáo dục ở các nước thu nhập thấp và chỉ 2,9% ở các nước phát triển.

Suy nghĩ lại về tương lai của giáo dục

Cùng ngày 10/11, Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cũng đã trình bày một báo cáo mới về giáo dục, kêu gọi cải cách chương trình học và phương pháp giảng dạy có tính đến 3 sự phát triển lớn gần đây trong xã hội của chúng ta: những phát triển liên quan đến toàn cầu hóa, thách thức khí hậu và cuộc cách mạng kỹ thuật số.

Đặc biệt, báo cáo đề xuất: Giáo dục dựa trên quyền con người và tôn trọng sự đa dạng văn hóa; Việc lồng ghép giáo dục môi trường vào tất cả các chương trình giảng dạy của trường học; Giảng dạy bằng các công cụ kỹ thuật số cho phép họ làm chủ cả thủ công và truyền cho sinh viên tinh thần phản biện và quan điểm cần thiết để họ sử dụng đúng cách.

Phát biểu nhân dịp công bố báo cáo, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đánh giá: “Sự lựa chọn đang chờ đợi chúng ta thật khó khăn. Hoặc chúng ta tiếp tục con đường không bền vững hoặc chúng ta thay đổi hoàn toàn lộ trình. Tôi tin chắc rằng giáo dục là một trong những công cụ quý giá nhất của chúng ta để xây dựng một tương lai bền vững”./.

Khánh Linh (Theo UN, UNESCO)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực