Thông điệp kêu gọi hành động
|
Một cậu bé đứng cạnh cha mẹ sau khi được điều trị suy dinh dưỡng, tại khu vực Bahr El Ghazal, miền Tây Nam Sudan. (Ảnh: IRC)
|
Trong thông điệp phát đi ngày 1/8, các nhà lãnh đạo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã cảnh báo rằng nếu chúng ta không hành động để giải quyết các cuộc khủng hoảng lương thực, khí hậu và tình trạng bất ổn nghiêm trọng ở Nam Sudan thì cái giá phải trả sẽ là tổn thất về sinh mạng, sinh kế và tương lai của hàng triệu người trên khắp đất nước còn non trẻ này.
Tổng Giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc đánh giá, Nam Sudan có tiềm năng trở thành vựa lúa mì của khu vực Đông Phi. Tuy nhiên, khủng hoảng khí hậu, cơ sở hạ tầng nông nghiệp nghèo nàn, bất ổn và những cú sốc kinh tế liên tục làm gián đoạn năng suất nông nghiệp, chăn nuôi và nguồn cung lương thực. "Đầu tư và thúc đẩy chính sách nhằm giúp cải thiện an ninh lương thực trong dài hạn, khả năng phục hồi và thích ứng khí hậu là rất cần thiết" – ông Khuất Đông Ngọc nhấn mạnh trong một tuyên bố chung được đưa ra tại Juba, thủ đô của Nam Sudan.
Với tư cách là người vừa trực tiếp tham gia khảo sát tình hình thực tế ở Nam Sudan, Chủ tịch IFAD Alvaro Lario nhấn mạnh: “Nam Sudan là một quốc gia còn non trẻ với nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các gia đình Nam Sudan đang dựa vào hoạt động nông nghiệp tự cung tự cấp”.
Theo ông Lario, với chỉ 4% đất nông nghiệp được canh tác và 80% thanh niên sống ở nông thôn, Nam Sudan có một cơ hội to lớn để phát triển nông nghiệp và lĩnh vực thực phẩm. “Để làm được điều này, chúng ta cần huy động các khoản đầu tư lớn và thực hiện các biện pháp tốt nhất để chống lại tình trạng mất an ninh lương thực cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu. Điều này cũng sẽ cải thiện đáng kể việc làm ở nông thôn. Nhưng chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ” – người đứng đầu IFAD nói thêm.
Cùng chung tay giải quyết nạn nói ở Nam Sudan
|
Chị Abuk (30 tuổi) bế con bên ngoài ngôi nhà của gia đình bị ngập ở Bahr El Ghazal. (Ảnh: IRC)
|
Đồng quan điểm, Giám đốc điều hành WFP Cindy McCain cho biết xung đột, biến đổi khí hậu và chi phí tăng cao đang gây ra một nạn đói nhức nhối ở Nam Sudan. Tuy nhiên, bà Cindy McCain cũng lưu ý thêm rằng: “Việc chỉ tập trung vào phân phát thực phẩm không phải là giải pháp. Chúng ta phải phá vỡ chu kỳ và trao quyền cho các cộng đồng để gieo mầm hy vọng, cơ hội và phát triển kinh tế. Trong điều kiện hòa bình và ổn định, tiềm năng của Nam Sudan là vô cùng to lớn". Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, lãnh đạo WFP thừa nhận, tổ chức này thậm chí không có nguồn lực cần thiết để đáp ứng nhu cầu của những người đang lâm vào tình cảnh đói kém mà để giải quyết vấn đề này cần đến sự chung tay của cả thế giới.
Mặc dù cuộc nội chiến ở Nam Sudan đã chính thức kết thúc bằng một thỏa thuận hòa bình vào năm 2018, nhưng cuộc sống của người dân nơi đây cũng không vì thế mà trở nên sáng sủa hơn. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, tình trạng khẩn cấp nhân đạo ở Nam Sudan là do sự kết hợp của xung đột, khí hậu, giá lương thực và nhiên liệu tăng cao. Tình hình đang trở nên nghiêm trọng hơn khi giao tranh ở nước láng giềng Sudan đã tạo ra một làn sóng hơn 190.000 người chạy tị nạn qua biên giới và gây thêm áp lực cho Nam Sudan.
Dù giá dầu tăng cao đã thúc đẩy đáng kể GDP của Nam Sudan, song quốc gia này vẫn phải đối mặt với những thách thức kinh tế lớn do nội chiến. Xuất khẩu dầu chiếm 95% kim ngạch xuất khẩu của Nam Sudan, tuy nhiên hoạt động này đã giảm từ 350.000 thùng mỗi ngày vào năm 2013 xuống còn 150.000 vào năm 2022. Đồng nội tệ đã mất giá 60% trong giai đoạn từ mùa hè năm 2021 đến mùa thu năm 2022, làm giảm đáng kể sức mua của người dân Nam Sudan.
Các trận lũ xảy ra vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023 cũng đã ảnh hưởng đến hơn 900.000 người dân Nam Sudan và dẫn đến bùng phát dịch tả và sốt rét. So với năm 2021, những trận lũ này đã để lại những hậu quả nghiêm trọng hơn, cho thấy mối đe dọa thường trực đối với một quốc gia non trẻ và còn thiếu cơ sở hạ tầng đủ vững chắc để ứng phó với thiên tai.
Dự kiến trong năm 2023 sẽ có hơn 7,8 triệu người ở Nam Sudan không đáp ứng được nhu cầu lương thực tối thiểu. Đây là mức tăng đáng kể so với con số 6,3 triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực vào năm 2022. Nam Sudan đang đứng trước nguy cơ phải trải qua nạn đói trên diện rộng hơn so với thời kỳ trước khi xảy ra nội chiến. Mất an ninh lương thực sẽ khiến cứ 5 người dân Nam Sudan thì có tới 3 người phải bỏ bữa hoặc bán tài sản để mua thức ăn. Con số này tương đương với khoảng 43.000 người phải nước này đang phải sống trong tình cảnh đói kém./.