Đặc biệt, WHO cảnh báo về tác động dai dẳng của hội chứng COVID kéo dài đối với người dân ở khu vực châu Âu đang ở mức “đáng báo động”.
WHO cảnh báo hội chứng COVID kéo dài ở châu Âu
|
Giám đốc khu vực châu Âu của WHO – ông Hans Henri P. Kluge . (Ảnh: Alexander Astafyev/EFE via EPA) |
Giám đốc khu vực châu Âu của WHO – ông Hans Henri P. Kluge cho biết dù thế giới đã chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do COVID-19 nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ từ căn bệnh này. Theo số liệu do quan chức này đưa ra, gần 36 triệu người trên khắp khu vực châu Âu của WHO có thể đã trải qua hội chứng COVID kéo dài trong 3 năm đầu tiên của đại dịch. “Con số này tương đương với khoảng 1/30 dân số châu Âu” – ông Kluge nói.
Bên cạnh đó, ông Kluge cũng cảnh báo hằng tuần, WHO vẫn ghi nhận gần 1.000 ca tử vong mới liên quan COVID-19 trên khắp khu vực, thậm chí con số này cũng không phản ánh đúng thực tế do việc thống kê và báo cáo của các nước không còn được thường xuyên như trước.
“Trừ khi chúng ta phát triển các phương pháp chẩn đoán và điều trị toàn diện cho hội chứng COVID kéo dài, chúng ta sẽ không bao giờ thực sự phục hồi sau đại dịch” – quan chức của WHO cảnh báo.
Từ các lập luận trên, ông Kluge nhấn mạnh vai trò trụ cột của tiêm chủng trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh. Ông cũng hối thúc chính quyền các nước cần đảm bảo ưu tiên bao phủ vaccine đối với những nhóm người cao tuổi, những người có bệnh nền và bị suy giảm miễn dịch.
“Cách tốt nhất để không phải đối mặt với hội chứng COVID kéo dài là tránh COVID-19 ngay từ đầu” – ông Kluge nói.
…nắng nóng hoành hành
Bên cạnh những vấn đề liên quan tới hội chứng COVID kéo dài, châu Âu cũng đang vật lộn với tình trạng nắng nóng cực độ. Một báo cáo mới đây từ Liên minh châu Âu và Tổ chức Khí tượng Thế giới cảnh báo nền nhiệt châu Âu đang nóng lên với tốc độ nhanh gấp đôi mức trung bình toàn cầu.
Theo ông Kluge, nắng nóng cực đoan đã cướp đi sinh mạng của 20.000 người chỉ riêng trong giai đoạn tháng 6-8/2022. Trong khi đó, nhiệt độ ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã vượt quá ngưỡng 40 độ C trong năm nay.
Cùng sự gia tăng của các ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ
|
Ảnh minh họa: healthpolicy-watch |
Ngoài những vấn đề nêu trên, quan chức của WHO còn lưu tâm về sự bùng phát trở lại của các ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ ở nhiều quốc gia khác nhau trong khu vực, bao gồm Vương quốc Anh, Tây Ban Nha, Bỉ và Hà Lan. Ông Kluge cho biết để cải thiện tình trạng này, việc tiêm phòng và áp dụng các biện pháp phòng ngừa là rất quan trọng.
Trong tháng 5/2023, châu Âu đã báo cáo 22 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Diễn biến này đã khiến giới chức WHO kêu gọi mọi người trong các cộng đồng có nguy cơ cao tiêm phòng nếu có thể. Được biết, giới chức tại thủ đô London (Anh) đã mở rộng chương trình tiêm phòng bệnh đậu mùa khỉ do số ca mắc bệnh tăng đột biến.
Còn theo lập luận của ông Kluge thì loại virus gây bệnh đậu mùa khỉ vẫn đang lưu hành, đặc biệt ảnh hưởng đến những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới. Tuy nhiên, những người thuộc nhóm nguy cơ cao cũng có thể tự bảo vệ mình khỏi bị nhiễm bệnh bằng cách tuân theo các biện pháp phòng ngừa.
"Hãy tiêm phòng bệnh đậu mùa khỉ nếu có vaccine và bạn đủ điều kiện về sức khỏe. Nếu bạn có các triệu chứng nhiễm bệnh, hãy hạn chế tiếp xúc với người khác" - ông Kluge nhấn mạnh.
Quan chức này của WHO cho biết cần có một cách tiếp cận toàn diện và phối hợp để giải quyết các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe đang có nguy cơ xảy ra ở châu Âu.
“Cả ba trường hợp khẩn cấp về sức khỏe liên quan tới COVID-19, bệnh đậu mùa khỉ và nắng nóng gia tăng đều cần đến sự thay đổi trong cách tiếp cận tập thể của chúng ta, trong việc phân bổ nguồn lực và cả trong hành vi cá nhân của mỗi chúng ta” – ông Kluge nói./.