(ĐCSVN) - Ngày 25/3 năm nay là ngày kỷ niệm 60 năm Hiệp ước thành lập Liên minh châu Âu (EU), đồng thời cũng là ngày đánh dấu một chương phát triển mới cho châu lục này với tinh thần tự quyết định vận mệnh của mình (EU-27). Đây cũng là thông điệp của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker khi ông công bố “Sách trắng” về tương lai châu Âu tại phiên họp Nghị viện châu Âu ngày 1/3 vừa qua.
Thách thức và thời cơ
Bước vào năm 2017, châu Âu đang đứng trước những thách thức và thời cơ lớn. Việc đàm phán để nước Anh rời khỏi EU đã được ấn định vào cuối tháng 3, khi nước Anh chính thức kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon trước nguy cơ hiệu ứng “domino” đối với khu vực.
Các cuộc bầu cử quan trọng nhất tại Hà Lan, Đức, Pháp, mà kết quả của nó có thể tạo ra những chuyển biến lớn trong cục diện chính trường châu lục, nhất là sự chi phối bởi trào lưu ly khai, dân tộc chủ nghĩa, cánh hữu cực đoan muốn EU bị tan rã.
Về kinh tế, EU vẫn chưa có dấu hiệu thoát khỏi sự trì trệ, tỷ lệ thất nghiệp cao, Eurozone đang đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn, đồng Euro yếu và phải chịu tác động chính trị khá mạnh. Mặt khác, EU còn đứng trước nguy cơ khủng bố ngày càng gia tăng và nạn nhập cư trái phép vẫn chưa có hồi kết.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker.
Về an ninh, EU cũng chịu áp lực không nhỏ trước nguy cơ khủng hoảng của NATO. Gia tăng ngân sách đóng góp cho liên minh hay thành lập quân đội châu Âu độc lập; xác định lại mục tiêu, không gian ảnh hưởng hay kiên trì chiến lược “Đông tiến”… đều là những thách thức không nhỏ trong bối cảnh khủng hoảng đường lối phát triển chung hiện nay.
Tuy nhiên, châu Âu cũng đứng trước thời cơ mới để lựa chọn mô hình phát triển phù hợp hơn nhằm tiếp tục giữ vững và phát huy những thành quả và giá trị mà EU đã đạt được trong 60 năm qua (hòa bình, thịnh vượng, tự do dân chủ, khoa học công nghệ phát triển và vị thế quốc tế được nâng cao…)
Về kinh tế, tuy chưa thoát khỏi khủng hoảng nợ công, nhưng cơ sở của nền kinh tế EU vẫn rất khả quan, xu hướng lợi nhuận ổn định; đồng Euro yếu so với đồng USD là một trong những yếu tố giúp thúc đẩy nền kinh tế của EU trong năm 2017 và những năm sắp tới. Đặc biệt là những giá trị, bản sắc châu Âu mà Liên minh này đã dày công xây đắp trong 60 năm qua, khiến sự kiện Brexit có thể trở thành động lực phát triển mới của một EU cải cách trong tương lai.
Đâu là sự lựa chọn?
Trong “Sách trắng” về tương lai châu Âu, do Chủ tịch Juncker trình bày hôm 1/3 vừa qua, có 5 kịch bản tương đương với các mức độ hội nhập khác nhau để các nhà lãnh đạo châu Âu thảo luận và đưa ra quyết định lựa chọn vào ngày 25/3 tới.
(1) Tiếp tục duy trì hoạt động bình thường của EU như Tuyên bố Bratislava năm 2016. Theo đó, vẫn duy trì cơ chế “đồng thuận” của các thành viên thị trường chung, trong khi trách nhiệm kiểm soát biên giới lại thuộc về chính phủ của mỗi quốc gia.
(2) Trở về thị trường chung, nhằm nỗ lực chấm dứt khủng hoảng kinh tế. Theo đó, các hoạt động thương mại được đơn giản hóa. Rút lại các cam kết đã có như: mở cửa biên giới, bảo vệ môi trường, chính sách ngoại giao… giống như các khối thương mại khác trên thế giới hiện nay.
(3) EU với nhiều tốc độ. Theo đó, những thành viên muốn hợp tác cùng nhau nhiều hơn nữa trong các lĩnh vực cụ thể (quốc phòng, an ninh, quản trị, tiền tệ…) được tôn trọng, không bị cản trở bởi các thành viên khác đang còn “lưỡng lự’.
(4) Chọn lựa mức độ liên kết. Mô hình này tôn trọng tiếng nói riêng của các thành viên, đồng thời gia tăng tính thống nhất của chính sách đối ngoại; ưu tiên hợp tác sâu hơn giữa các nước trong trong liên minh vì mục tiêu thương mại và an ninh.
(5) Thiết lập kiểu Liên bang châu Âu. Theo đó, các nước thành viên sẽ giống như một bang, với sự điều hành của Chính phủ châu Âu thống nhất, một nền kinh tế thống nhất, một quốc hội và quân đội chung, biến EU từ mô hình liên minh “lỏng lẻo” trở thành một Liên bang thực sự.
Theo giới quan sát, Chủ tịch EC rất tự tin vào 5 kịch bản mà ông đưa ra. Các mô hình nêu trên hiện đang được 27 nước châu Âu cùng thảo luận và cân nhắc xem mô hình nào có lợi nhất. Với quyết tâm chỉ ra những khiếm khuyết và sẵn sàng phá bỏ những gì không còn phù hợp, đó là hướng đi tích cực nhằm tránh cho EU một thảm họa đổ vỡ.
Tương lai còn đang ở phía trước
Theo giới phân tích, “Sách trắng” về tương lai châu Âu đã đưa ra những khuyến nghị mới về định hướng phát triển để các thành viên có thời gian thảo luận và quyết định. Thời điểm công bố “Sách trắng” cũng có chủ đích lựa chọn rõ ràng trước các cuộc bầu cử ở một số nước thành viên mà kết quả có thể làm thay đổi cơ bản định hướng của khối này.
Các kịch bản đều có ưu, nhược điểm khác nhau. Tuy nhiên, theo giới quan sát kịch bản 1 là khó khả thi, kịch bản 2 là quá tụt hậu, kịch bản 5 là quá tham vọng, còn các kịch bản trung gian đều gây ra sự phân hóa nội bộ EU ở mức độ nhất định.
Cũng theo giới phân tích, nội dung quan trọng nhất của “Sách trắng” đang hướng tới khuyến nghị về một “EU với nhiều tốc độ”, mặc dù kịch bản này vẫn có nhược điểm so với tôn chỉ và mục đích mà khối này đề cao trước đây, nó vẫn là một bước lùi, nhưng là bước lùi cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
“EU với nhiều tốc độ” cũng đồng nghĩa với các mối liên kết và ràng buộc lẫn nhau trở nên lỏng lẻo hơn, hình thức và thực chất liên minh, liên kết cũng khác biệt so với cơ chế trước đây. EU từ chỗ “nhất thể hóa”, nay lùi về liên kết “lỏng lẻo”. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay EU không còn sự lựa chọn nào khác để có thể vượt qua những thách thức và tránh khỏi sự tự tan rã.
Như vậy, trước sự kiện Brexit và các cuộc bầu cử mang tính “nhạy cảm” ở một số nước chủ chốt ở châu Âu, các nhà lãnh đạo EU đã chọn con đường cải tổ, với 5 mô hình khác nhau, để các nhà lãnh đạo châu Âu ra quyết định cuối cùng tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 25/3 tới.
Vì thế, ngày kỷ niệm sự ra đời của EU theo Hiệp ước Rome cách đây 60 năm, có thể đánh dấu khúc quanh quan trọng có tính quyết định của quá trình phát triển trong lịch sử châu Âu. Tuy nhiên, một EU cải cách và phát triển hiện vẫn còn đang ở phía trước./.