Châu Phi – điểm nóng mới của cuộc khủng hoảng người tị nạn

Thứ sáu, 30/06/2017 22:10
(ĐCSVN) – Nếu như cách đây không lâu, châu Âu thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế với “cuộc khủng hoảng người di cư”, thì sang năm 2017, trọng tâm cuộc khủng hoảng đã dịch chuyển sang châu Phi. Tuy nhiên, câu chuyện về làn sóng người di cư tại các điểm nóng mới này lại chưa được nhiều người biết đến.

Uganda – nơi tiếp nhận khẩn cấp người tị nạn tăng nhanh nhất thế giới

Một năm trước đây, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ là nơi gánh chịu sức nặng cuộc khủng hoảng người tị nạn tồi tệ nhất thế giới. Các tờ báo và các bản tin truyền hình khi đó đã thông tin đầy rẫy những câu chuyện về làn sóng một triệu người chạy trốn các cuộc xung đột ở Syria, Iraq và một số khu vực khác ở Trung Đông và châu Phi để đến châu Âu.

Uganda đã tiếp nhận số người tị nạn tăng đột biến chỉ trong vòng một năm (Ảnh: Reuters)

Còn hiện nay, một cuộc khủng hoảng người tị nạn thậm chí còn lớn hơn thế, đang diễn ra nhưng không phải ở châu Âu mà ở châu Phi, và chưa được truyền thông nhắc nhiều đến. Và quốc gia đang gồng mình gánh gánh nặng người tị nạn đó là Uganda.

Trong vòng 12 tháng qua, quốc gia Trung Phi này đã tiếp nhận khoảng 1,3 triệu người tị nạn – con số này cao hơn Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ hay bất kỳ quốc gia nào trên thế giới ở thời điểm đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng ở châu Âu vào năm ngoái. Hiện, Uganda trở thành quốc gia tiếp nhận khẩn cấp người tị nạn tăng nhanh nhất trên thế giới.

Mỗi ngày có khoảng 2.000 người đã đi vào các khu vực biên giới của Uganda để chạy trốn khỏi nạn đói, hạn hán và bạo lực tại các quốc gia láng giềng.

Phần lớn trong số họ đến từ Nam Sudan – quốc gia từng tuyên bố nạn đói vào đầu năm nay. Mặc dù các điều kiện đã được cải thiện chút ít, nhưng số người phải vật lộn để tìm kiếm nguồn thức ăn để sống qua ngày lại tăng tới 6 triệu người – mức cao nhất về an ninh lương thực mà quốc gia này phải trải qua.

Liên hợp quốc ước tính có khoảng 276.000 người dân Nam Sudan bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng và cần được hỗ trợ lương thực khẩn cấp. Vào thời điểm cao nhất của nạn đói, có ít nhất 30% dân số Nam Sudan phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng và cứ trong 5.000 người thì có 1 người chết vì đói mỗi ngày.

Cùng với thiếu lương thực, người dân Nam Sudan còn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch. “Trong khi lương thực là một vấn đề quan trọng, thì nguồn nước bẩn là một hiểm họa chết người đối với hầu hết trẻ em. Đó là lý do mà chúng ta có nhiều người phải chạy trốn Nam Sudan mỗi tuần”, ông James Elder – Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết.

Quy mô của sự đói kém và suy dinh dưỡng ở Nam Sudan đã có tác động bất thường đến Uganda. Các trại dành cho người tị nạn xuất hiện dọc khắp khu vực biên giới phía bắc của Uganda với Nam Sudan.

Cơ hội cho người tị nạn và thách thức đối với quốc gia tiếp nhận

Chỉ trong vòng một tháng trước, Palabek chỉ là một dấu chấm nhỏ trên bản đồ - nơi khô hạn, nhiều bụi rậm và không có người ở. Hiện nay, khu vực này đã trở thành ngôi nhà chung của 150.000 người.


Khu vực dành cho người tị nạn ở Bidi Bidi, Uganda.  (Ảnh: ABC News) 

Một trại tị nạn khác ở Bidi Bidi hiện cũng là ngôi nhà chung của hơn 250.000 người tị nạn, nhiều hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Bidi Bidi đã phải đóng cửa vào tháng 12 năm ngoái vì quá tải. Nhưng từ đó, các trại tị nạn mới đã phải lần lượt mở hai tháng một lần để đón người tị nạn.

Ông Elder cho biết, Uganda đã cho thấy một chính sách tiến bộ và mở cửa dành cho người tị nạn. Không chỉ được tiếp nhận, nhiều người Nam Sudan còn kỳ vọng được ở lại Uganda vô thời hạn.

Theo ông Elder, Chính phủ Uganda cung cấp cho người tị nạn đất để trồng trọt, cung cấp các dịch vụ và quyền lợi để đảm bảo cuộc sống. Ông cho rằng, giữa những thách thức và những nỗi kinh hoàng mà họ phải trải qua, đây thực sự là một cách tiếp cận tốt của Chính phủ Uganda, mang đến cho họ trển vọng tốt hơn cho tương lai. Đây là một bài học điển hình cho các quốc gia khác trên thế giới cũng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng người tị nạn.

“Nhiều người trong số họ đã phải trải qua nhiều khó khăn và bây giờ họ mới bắt đầu cuộc sống mới. Họ có công cụ, họ có đất và họ sẽ có vụ thu hoạch”, ông Elder nói. Ông nhấn mạnh thêm rằng, người tị nạn Nam Sudan tại Uganda không ở trong các trại tị nạn. Họ có cuộc sống tự do, có cơ hội để con cái được đến trường và có cơ hội để bắt đầu một cuộc sống nông nghiệp như mọi người dân ở làng quê.

Tuy nhiên, làn sóng người tị nạn ngày một đông đã gây ra một áp lực rất lớn đối với Uganda và các tổ chức cứu trợ đang nỗ lực giúp đỡ họ.

Bởi vậy, trong khi ca ngợi những nỗ lực của Uganda, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, nước này đang ở trong tình trạng quá tải. Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ đang vật lộn để cung cấp đủ lương thực, nước uống, thuốc men và các dịch vụ khác để đáp ứng nhu cầu của số lượng lớn dân cư như vậy.

Chính phủ Uganda đang tìm kiếm số tiền khoảng 8 tỷ USD cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo của mình.

Những thách thức lớn đối với khu vực

Uganda và Nam Sudan không phải là những quốc gia duy nhất phải đương đầu với vấn đề người tị nạn ở châu Phi.


Người dân Nigeria đi lánh nạn vì bạo lực Boko Haram (Ảnh: Reuters)

Tại Nigeria, những nỗ lực chấm dứt mối đe dọa từ bạo lực gây ra bởi nhóm khủng bố Boko Haram đã khuyến khích hàng chục nghìn người tị nạn trở về từ quốc gia láng giềng Cameroon.

Khi an ninh tại Nigeria được cải thiện, đặc biệt là ở khu vực Đông Bắc, hơn 100.000 người tị nạn đã trở về từ Cameroon kể từ đầu năm nay.

Trong vài tháng gần đây, con số này đã tăng vọt với vài nghìn người trở về mỗi tuần. Thách thức đặt ra là không có đủ lương thực và các nguồn lực khác để hỗ trợ họ.

Nhiều khu vực đã không được trang bị đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của những người quay trở lại. Theo người phát ngôn của UNICEF Harriet Dwyer, việc thiếu nguồn nước sạch và thực phẩm sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ suy dinh dưỡng. Thiếu các dịch vụ cơ bản cùng với bạo lực vẫn tiếp diễn ở một số khu vực đã tạo nên tình trạng di dân “thứ phát” ở Nigeria.

“Những gì mà chúng tôi lo ngại là những người dân đang phải đối mặt với việc di dời nơi ở lần thứ hai – khi mà họ không thể trở về nhà của mình và họ đã dời khỏi những trại tị nạn ở Cameroon”, bà Dywer co biết.

Theo bà Dywer, tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều khi mùa mưa bắt đầu, người dân phải đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh tật và tình trạng suy dinh dưỡng.

Không chỉ có Uganda, Nam Sudan hay Nigeria, các quốc gia khác ở châu Phi cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Theo báo cáo nghiên cứu Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), châu Phi là khu vực chịu tác động mạnh nhất của tình trạng hạn hán kéo dài. Giai đoạn 2005 - 2016, có tới 34 quốc gia tại châu Phi gánh chịu tác động nặng nề của 84 đợt hạn hán kéo dài và nghiêm trọng. Hậu quả không chỉ là nạn đói, bất ổn về chính trị và an ninh, mà còn là thiệt hại kinh tế hơn tám tỷ USD mỗi năm.

Trong khi đó, UNICEF chỉ rõ, khủng hoảng lương thực, nước và y tế cũng đang đe dọa hàng triệu trẻ em trên toàn bộ vùng Sừng châu Phi, vùng Lòng chảo Hồ Chad và khu vực Sahel. Bởi vậy, không chỉ đứng trước bài toán người tị nạn và người di cư, châu Phi còn phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn không dễ gì giải quyết khác./.

 

 

 

 

Kiều Giang (theo ABC News, UNHCR, UN)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực