Chủ quyền số quốc gia trên không gian mạng

Thứ tư, 15/09/2021 23:36
(ĐCSVN) - Trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta nêu rõ, Tích cực, chủ động…“giữ vững chủ quyền số quốc gia trên không gian mạng trong mọi tình huống”[1]. Đây là một nội dung lần đầu tiên được ghi trong một Văn kiện Đại hội, phản ánh sự nhận thức sâu sắc của Đảng ta về tính chất của thời đại dưới góc độ khoa học – công nghệ, bởi cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0) sẽ chuyển dịch toàn bộ thế giới từ thế giới thực sang thế giới số[2].

Trong thời đại CMCN 4.0, sở hữu không gian mạng ngày càng mang tính cộng đồng cao. 

Ảnh vietnamnet.vn

Từ quá trình nhận thức…

Chủ quyền số quốc gia là khái niệm được hình thành dần trong quá trình nhận thức phản ánh sự tiến bộ của khoa học, công nghệ. Trong những năm giữa thế kỷ trước, người ta thường nói đến tài nguyên số hay chủ quyền số theo nghĩa hẹp, chủ yếu là tần số vô tuyến điện, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.  

Tuy nhiên, khi cuộc CMCN4.0 bùng nổ thì nhận thức của nhân loại về tài nguyên số cũng được mở rộng. Theo đó, khái niệm chủ quyền số quốc gia cũng hình thành, việc bảo đảm an ninh quốc gia ngày nay không còn giới hạn trong phạm vi lãnh thổ, lãnh hải, lòng đất, vùng trời, trên vũ trụ… mà còn cả không gian mạng chứa đựng những hoạt động vì lợi ích của mỗi quốc gia, dân tộc.

Trong thời đại CMCN 4.0, sở hữu không gian mạng ngày càng mang tính cộng đồng cao. Theo đó, công dân của nước này có thể thực hiện các hoạt động trên lãnh thổ nước khác mà không cần có sự hiện diện như: Mua sắm hàng hóa, dịch vụ online; các cá nhân, tổ chức của nước này có thể can dự vào các hoạt động ở nước khác... Vì thế, mỗi quốc gia đều nỗ lực tìm giải pháp bảo vệ lợi ích của mình, và khái niệm chủ quyền số quốc gia cũng hình thành ngày càng rõ nét.

Không gian mạng là “mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, Internet, máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian, thời gian”[3].

Vấn đề đang đặt ra là nhận thức chủ quyền số trên không gian mạng có hàm chứa trong khái niệm truyền thống về chủ quyền quốc gia hay không, hiện vẫn còn các ý kiến khác nhau. Giới chuyên gia cho rằng, dù sớm hay muộn thì giới học thuật của các quốc gia và quốc tế cũng sẽ phải có sự điều chỉnh sao cho nhận thức của nhân loại phù hợp với thực tiễn thế giới đang thay đổi bởi cuộc CMCN4.0.

Đến chủ động trong đường lối chủ trương chính sách…

Nhận rõ tầm quan trọng của tài nguyên tần số, năm 1959 Việt Nam đã ban hành các Nghị định 344/TTg và 345/TTg về quản lý máy phát và tần số vô tuyến điện. Tiếp đến là Luật tần số vô tuyến điện có hiệu lực ngày 1/7/2010. Theo đó, hệ thống qui hoạch tần số cũng hình thành tạo cơ sở cho sự phát triển các lĩnh vực: phát thanh, truyền hình, thông tin di động, dẫn đường hàng không, hàng hải và an ninh, quốc phòng...

Năm 2019, nhằm tạo hành lang pháp lý để quản lý tài nguyên số, nhà nước ta đã ban hành Luật An ninh mạng. Theo Điều 30, “Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng được bố trí tại Bộ Công an, Bộ Quốc phòng”[4], nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là nguyên tắc đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Văn kiện Đại hội XIII, trong mục Kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, Đảng ta đánh giá “Bước đầu hình thành hệ thống pháp luật và cơ sở vật chất cho việc bảo đảm an ninh mạng…, không gian mạng quốc gia. Ban hành và thực hiện Chiến lược an ninh mạng quốc gia”[5].

Khi nói về những hạn chế trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, “an ninh mạng” cũng được Văn kiện Đại hội XIII nhắc đến là “lĩnh vực chưa thật vững chắc”… “Công tác quan lý còn hạn chế”[6]

Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021–2030, Đảng ta chỉ rõ: Phải “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ”. Theo tinh thần “bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới.”[7]

Định hướng phát triển khoa học công nghệ, Đảng ta còn khẳng định cần “tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ lõi, công nghệ số”[8]; và vai trò dẫn dắt của “hạ tầng công nghệ số, làm nền tảng cho nền kinh tế số, xã hội số gắn với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và chủ quyền quốc gia trên không gian mạng”[9].

Khi xác định các đột phá chiến lược, Nghị quyết Đại hội XIII còn nhấn mạnh “chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.”[10] Đó là những cơ sở lý luận và thực tiễn rất quan trọng để “giữ vững chủ quyền số quốc gia trên không gian mạng trong mọi tình huống”. 

Và những giải pháp cần quan tâm

Một là, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức toàn dân.  Chủ quyền số quốc gia trên không gian mạng tương đối trừu tượng, vừa có cấu trúc vật lý được đặt trên mặt đất gắn liền với những địa danh cụ thể, lại vừa tồn tại trên không gian ảo. Đây là vấn đề mới và khó cần được giải quyết thông qua giáo dục để toàn dân hiểu rõ nội dung mới trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Các hoạt động trên không gian mạng có đặc điểm là: Tốc độ truyền tải, tìm kiếm thông tin nhanh, với kho dữ liệu khổng lồ; tính liên kết, tương tác, đa phương tiện và cộng đồng rất cao; là một bộ phận cấu thành và bao trùm mọi mặt đời sống xã hội, mang lại những cơ hội mới cho sự hợp tác và phát triển. Vì thế, cần “nhận thức, đánh giá đúng, đầy đủ, sâu sắc về thời cơ, thách thức đối với nước ta trên không gian mạng… góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới”[11].

Hai là, đổi mới chương trình, nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, điều chỉnh, bổ sung những nội dung, chương trình mới, ưu tiên những kiến thức mới về số và chủ quyền số quốc gia cần bảo vệ.

Ngày nay các quốc gia đều có chức năng quản lý nhà nước về an ninh mạng bởi vì các hoạt động trên không gian mạng luôn gắn với chủ quyền của mỗi chủ thể được xác lập thông qua các mối quan hệ tài chính và được bảo vệ bởi hệ thống pháp luật phù hợp với quan hệ quốc tế. Theo đó, các pháp nhân và thể nhân, trong và ngoài nước đều phải tuân thủ luật pháp của nước sở tại.

Ba là, bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng đấu tranh bảo vệ chủ quyền số trên không gian mạng. Thông tin trên không gian mạng luôn có sự đan xen, lẫn lộn thật giả, độ chính xác khó kiểm chứng dễ tác động tiêu cực đến cộng đồng làm gia tăng nguy cơ lộ lọt bí mật, suy giảm quyền lực nhà nước và sức mạnh quốc gia. Đồng thời, là công cụ hàng đầu để các thế lực thù địch lợi dụng phá hoại và cũng là môi trường “màu mỡ” cho các tổ chức khủng bố, tội phạm hoạt động.

Vì thế, cần nhận biết những âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch và những hình thức, phương pháp đấu tranh phù hợp; xây dựng bản lĩnh tự vệ “miễn dịch” trước những thông tin giả mạo, xấu, độc; rèn luyện kỹ năng ứng dụng công nghệ để đấu tranh khi tương tác trên không gian mạng và chia sẻ, quảng bá thông tin chính thống đến cộng đồng.

Bốn là, thực hành đấu tranh trên mặt trận đối ngoại. Hiện nay, vẫn có các quốc gia lợi dụng kẽ hở của luật pháp nước sở tại để khai thác không gian mạng như một phương tiện nhằm đạt được lợi thế chiến lược. Do đó, các quốc gia phải kiểm soát hoạt động này như một vấn đề an ninh quốc gia và quốc tế.

Cho đến nay, thế giới đã có những đồng thuận cơ bản là cần phải bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, nhưng vẫn chưa đạt đến sự thống nhất để có thể xây dựng, thiết lập các nguyên tắc pháp lý mang tính quốc tế, bởi cách tiếp cận của các nước, nhất là các nước lớn vẫn có sự khác biệt.

Như vậy, chủ quyền số quốc gia trên không gian mạng là một nội dung mới, rất quan trọng và bức thiết trong nhiệm vụ bảo Tổ quốc. Vì thế, việc quán triệt sâu sắc Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng và các nghị quyết chuyên ngành khác về an ninh mạng là thiết thực đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng sớm đi vào đời sống thực tiễn./.

 


[1] Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, NXB Chính trị quốc gia, sự thật, 3/2021, tr227

[2] Xem https://ictvietnam.vn: Việt Nam cần làm gì để chuyển dịch lớn từ thế giới thực sang thế giới ảo. 25/3/2021

[3] Luật An ninh mạng, số 24/2018/QH14, ngày 12/6/2014, Chương I, Điều 2, điểm 3, tr.1.

[4] Luật An ninh mạng, số 24/2018/QH14, ngày 12/6/2014, Điều 30

[5] Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, NXB Chính trị quốc gia, sự thật, 3/2021, tr68

[6] Tài liệu đã dẫn, tr87-88

[7] Tài liệu đã dẫn, tr115

[8] Tài liệu đã dẫn, tr228

[9] Tài liệu đã dẫn, tr247

[10] Tài liệu đã dẫn, Tập II, tr338

[11] Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 25/7/2018 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, tr1.

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực