COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ tới quyền trẻ em

Thứ ba, 02/03/2021 16:28
(ĐCSVN) – Việc thực hiện các quyền trẻ em là điều kiện cần thiết để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Nhưng đại dịch COVID-19 đã làm tình hình trở nên tồi tệ hơn và các cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra có nguy cơ đảo ngược tiến bộ đạt được cho đến nay.

 Trẻ em gái thường là nạn nhân dễ bị tổn thương nhất của các cuộc khủng hoảng.
(Ảnh minh họa: UN)

Đánh giá trên được Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đưa ra tại cuộc họp tập trung bàn về "quyền trẻ em và các Mục tiêu Phát triển Bền vững".

Theo Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet, “trẻ em ngày càng bị bạo hành về thể chất và tâm lý, bị đẩy vào công việc, hôn nhân, bóc lột và buôn bán. Và đối với nhiều trẻ em gái và thiếu nữ trẻ, mối đe dọa lớn nhất lại chính là nơi các em cần được an toàn nhất: trong nhà riêng của chính các em”. “Năm 2020, số trẻ em sống trong cảnh nghèo đói tăng thêm 142 triệu. Hơn 1/3 học sinh không được tiếp cận với giáo dục từ xa: một số có thể không bao giờ quay lại trường học, những em khác dành nhiều thời gian hơn bao giờ hết trước màn hình và tiếp xúc nhiều hơn với nội dung không phù hợp và những kẻ săn mồi trực tuyến” – ông Bachelet lưu ý. “Ngoài ra, sự gián đoạn trong bao phủ y tế dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ em”.

Bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), cũng báo động về tình trạng này: “Đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng. Những tác động kinh tế của một cuộc suy thoái kéo dài và sắp xảy ra sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn đến trẻ em”.

Trao quyền cho trẻ em như những tác nhân của sự thay đổi

Bà Henrietta Fore nói: “Thách thức ở đây là một cơ hội lịch sử để xây dựng các hệ thống mạnh mẽ hơn hỗ trợ tất cả trẻ em và thanh thiếu niên, dù họ sống ở đâu”. “Quyền trẻ em cũng phải là trung tâm của các chiến lược và kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu của mỗi quốc gia” – bà tiếp tục nhấn mạnh.

Theo người đứng đầu UNICEF, trên toàn thế giới, chúng ta cần trao quyền cho trẻ em như những tác nhân thay đổi, tạo ra không gian và cơ chế cho trẻ em và thanh thiếu niên để giúp chúng ta hình thành các chính sách và chương trình.

Ngoài ra, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet cũng kêu gọi rút ngắn khoảng cách giữa các nghĩa vụ bắt buộc về quyền trẻ em và việc áp dụng tại địa bàn. “Chúng ta cũng cần bảo đảm rằng mọi trẻ em đều có một khởi đầu tốt nhất có thể trong cuộc sống và các phương tiện để phát triển tiềm năng. Bằng cách bảo đảm rằng những trẻ em dễ bị tổn thương nhất được bảo vệ, chúng ta có thể phá vỡ chu kỳ đau khổ giữa các thế hệ” – Cao ủy Michelle Bachelet nêu rõ.

Quyền trẻ em là đáng quý

Bà Mary Robinson, Chủ tịch The Elders và cựu Cao ủy Nhân quyền của Liên hợp quốc, cho biết “với chưa đầy một thập kỷ kể từ ngày được thiết lập để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững, trách nhiệm của các nhà lãnh đạo rất rõ ràng: ưu tiên nguồn lực và xác định các quy trình, tại cấp chính phủ, để thực hiện các mục tiêu này”. 

Theo cựu Cao ủy Nhân quyền của Liên hợp quốc, quyền trẻ em có giá trị “vì trẻ em không có đòn bẩy chính trị để tự vệ - nhưng điều đó không có nghĩa là chúng là nạn nhân thụ động”.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu tham gia cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế và đoàn kết để tránh tình trạng đẩy lùi các bước tiến trong việc thực hiện quyền trẻ em. Các đại biểu cũng khuyến nghị rằng các kế hoạch phục hồi sau COVID-19 cần đặt trẻ em vào trung tâm của mọi hệ thống./.

Khánh linh (Theo UN, AFP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực