|
Một bác sĩ ở Ấn Độ kiểm tra phim chụp X-quang phổi của bệnh nhân để tìm các dấu hiệu của bệnh lao hoặc các bệnh nhiễm trùng phổi khác. (Ảnh minh họa: UN) |
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, cho biết: “Sự gián đoạn của các dịch vụ thiết yếu cho người bị lao chỉ là một ví dụ bi thảm về việc đại dịch đang ảnh hưởng đến một số người nghèo nhất thế giới, những người vốn đã có nguy cơ mắc bệnh lao cao hơn”. "Những dữ liệu này cho thấy rằng các quốc gia phải ưu tiên hàng đầu đến sức khỏe toàn dân khi ứng phó và phục hồi sau đại dịch, để bảo đảm tiếp cận các dịch vụ thiết yếu đối với bệnh lao và tất cả các bệnh dịch" – ông nói thêm.
Dữ liệu mới nhất của WHO thu thập từ hơn 80 quốc gia cho thấy điều trị cho người bị lao đã giảm 21% trong năm đầu tiên của đại dịch, so với năm 2019. Khoảng cách lớn nhất được ghi nhận ở Indonesia (giảm 42%), Nam Phi (41%), Philippines (37%) và Ấn Độ (25%).
Bệnh lao vẫn là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất trên thế giới. Mỗi ngày, gần 4.000 người tử vong vì bệnh lao và gần 28.000 người mắc căn bệnh có thể phòng ngừa và chữa khỏi này. Những nỗ lực toàn cầu chống lại bệnh lao đã cứu sống gần 63 triệu người kể từ đầu thế kỷ.
WHO nhấn mạnh rằng một số quốc gia đã thực hiện các bước để ngăn chặn tác động của loại virus Corona mới đến việc cung cấp các dịch vụ lao. Các chính sách thành công bao gồm phát triển việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số như chẩn đoán bằng máy tính hỗ trợ chụp X-quang, vốn đặc biệt hữu ích ở các quốc gia không có đủ số lượng bác sĩ X-quang có trình độ, cũng như tư vấn và hỗ trợ từ xa, và thành lập các dịch vụ dự phòng và điều trị lao ở nhà.
10 triệu người bị nhiễm lao mỗi năm
Mặc dù nhiều nỗ lực đã được ghi nhận song nhiều người mắc căn bệnh có thể phòng ngừa vẫn không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc mà họ cần.
Theo WHO, trên toàn cầu vẫn có khoảng 10 triệu người mắc bệnh lao mỗi năm. Và WHO lo ngại rằng hơn nửa triệu người sẽ chết vì bệnh lao vào năm 2020, đơn giản vì họ không thể được chẩn đoán. Vấn đề này không phải là mới; trước khi đại dịch COVID-19 tấn công, khoảng cách giữa số người ước tính phát triển bệnh lao hàng năm và số người được chẩn đoán chính thức nhiễm virus hằng năm là khoảng 3 triệu người.
Theo cơ quan y tế Liên hợp quốc, "đại dịch đã làm trầm trọng thêm tình hình”.
Trong các khuyến nghị mới phòng chống lao, WHO kêu gọi sàng lọc lao định kỳ cho các nhóm sau: những người sống trong các hộ gia đình và những người tiếp xúc gần với những người bị lao, những người sống với HIV, những người trong nhà tù và trung tâm giam giữ, những người tiếp xúc với silica (chủ yếu là trẻ vị thành niên)./.