COVID-19 có thể khiến một năm học lại bị gián đoạn

Thứ tư, 13/01/2021 18:18
(ĐCSVN) – Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 12/1 cảnh báo trẻ em không thể chịu được thêm một năm học gián đoạn, đồng thời bày tỏ lo ngại về hậu quả của việc đóng cửa trường học trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục bước vào năm thứ hai.
 Một học sinh 11 tuổi ở Nairobi, Kenya, không thể tham gia học trực tuyến vì gia đình không có điện thoại di động (Ảnh: UN)

Trong tuyên bố được đưa ra, Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore cho biết: “Khi chúng ta bước vào năm thứ hai của đại dịch COVID-19, và các ca bệnh tiếp tục tăng vọt trên khắp thế giới, không nên bỏ qua nỗ lực nào để giữ cho các trường học mở cửa hoặc ưu tiên cho việc đi học”.

Theo cơ quan Liên hợp quốc, số trẻ em không được đến trường dự kiến sẽ tăng thêm 24 triệu, "mức chưa từng thấy trong nhiều năm và chúng tôi đã phải chiến đấu rất vất vả". UNICEF lưu ý trường học không phải là nguyên nhân chính gây nhiễm virus Corona ở trẻ em.

Tuy nhiên, bà Fore nhấn mạnh: “Mặc dù có nhiều bằng chứng về tác động của việc đóng cửa trường học đối với trẻ em và mặc dù có nhiều bằng chứng cho thấy trường học không phải là tác nhân gây ra đại dịch, nhưng quá nhiều quốc gia đã chọn cách đóng cửa trường học”.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc nhắc lại rằng việc đánh giá nguy cơ lây truyền ở cấp địa phương nên là "một yếu tố quyết định trong các quyết định liên quan đến hoạt động của các trường học". UNICEF cũng tin rằng việc đóng cửa trường học trên toàn quốc nên được "tránh nếu có thể". Bà Fore nói: “Khi mức độ lây truyền trong cộng đồng cao, khi hệ thống y tế đang chịu áp lực lớn và khi việc đóng cửa trường học được coi là không thể tránh khỏi, thì các biện pháp bảo vệ cần phải được thực hiện”.

Đóng cửa trường học phải là biện pháp cuối cùng

Trong trường hợp đóng cửa, các trường học phải nằm trong số “những cơ sở đầu tiên mở cửa trở lại ngay khi chính quyền bắt đầu dỡ bỏ các hạn chế”.

Giám đốc Điều hành UNICEF cảnh báo nếu trẻ em phải đối mặt với việc đóng cửa một năm học nữa, các tác động sẽ được cảm nhận cho các thế hệ sau. Đặc biệt là tổn thất do việc đóng cửa trường học vào đỉnh điểm của đại dịch, đã ảnh hưởng đến 90% học sinh trên toàn thế giới và khiến hơn 1/3 học sinh không được tiếp cận với giáo dục từ xa. “Khả năng đọc, viết và làm toán cơ bản của trẻ em đã bị ảnh hưởng và các kỹ năng cần thiết để phát triển mạnh trong nền kinh tế thế kỷ XXI đã giảm sút. Những em dễ bị tổn thương nhất trong số đó sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất” – bà Fore nêu rõ.

Nói rộng hơn, UNICEF kêu gọi các quốc gia bảo đảm rằng trẻ em có nguy cơ bị bạo lực trong nhà của chúng, những em phải sống dựa vào bữa ăn ở trường hoặc có cha mẹ là những người lao động, cần được tiếp tục học tập. "Đây là lý do tại sao việc đóng cửa trường học nên là biện pháp cuối cùng, sau khi tất cả các phương án khác đã được xem xét" – Giám đốc UNICEF lưu ý. “Không có bữa ăn ở trường, trẻ em vẫn đói và chế độ ăn của chúng xấu đi. Nếu không có mạng lưới an toàn mà trường học cung cấp, các em dễ bị lạm dụng, tảo hôn và lao động trẻ em hơn”.

Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), đại dịch COVID-19 đã gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng nhất trong lịch sử hệ thống giáo dục toàn cầu, khiến hơn 1,6 tỷ người học ở hơn 190 quốc gia không được đến trường vào thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng y tế./.

Khánh Linh (Theo UN, UNICEF, AFP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực