|
"Lớp học Đại dịch": 168 bàn trống, mỗi bàn đại diện cho 1 triệu trẻ em sống ở các quốc gia có trường học đã đóng cửa gần một năm. (Ảnh: UN) |
Ngoài ra, khoảng 214 triệu trẻ em trên khắp thế giới, tương ứng với tỷ lệ 1 trên 7 trẻ em, đã bỏ lỡ hơn 3/4 thời gian học trực tiếp.
Phân tích về việc đóng cửa trường học cho thấy 14 quốc gia đã đóng cửa phần lớn các trường học của họ trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021. 2/3 trong số các quốc gia này nằm ở Mỹ Latinh và Caribe, nơi có gần 98 triệu học sinh đang lo lắng vì không được đến trường. Trong số 14 quốc gia này, Panama đã đóng cửa trường học lâu nhất. Tiếp theo là El Salvador, Bangladesh và Bolivia.
Bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành UNICEF, cho biết: “Khi đại dịch COVID-19 bắt đầu cách đây gần một năm, những con số này một lần nữa nhắc nhở chúng ta tình trạng khẩn cấp thảm khốc về giáo dục mà việc phong tỏa đã gây ra trên khắp thế giới. Mỗi ngày, tình trạng trẻ em bị chậm đi học trực tiếp ngày càng trầm trọng hơn”. “Đối với những đứa trẻ này, chúng ta không đủ khả năng để bước vào năm thứ hai của nền giáo dục trực tuyến hạn chế hoặc thậm chí không tồn tại. Chúng ta phải làm mọi thứ có thể để giữ cho các trường mở cửa hoặc ưu tiên cho họ trong kế hoạch mở cửa trở lại” – bà nhấn mạnh.
Ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học tập
Việc đóng cửa trường học có những tác động nghiêm trọng đến việc học tập và hạnh phúc của trẻ em. Những trẻ em dễ bị tổn thương nhất và những em không thể tiếp cận giáo dục từ xa có nguy cơ không bao giờ được trở lại trường học, thậm chí bị ép buộc kết hôn hoặc phải đi làm.
Theo dữ liệu mới nhất của UNESCO, hơn 888 triệu trẻ em trên khắp thế giới tiếp tục phải chứng kiến việc học bị gián đoạn do trường học bị đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần.
Đối với đa số học sinh, trường học là nơi thiết yếu để các em có thể giao lưu với các bạn cùng lứa tuổi, được hỗ trợ, tiếp cận các dịch vụ y tế và tiêm chủng cũng như một bữa ăn bổ dưỡng. Trường học đóng cửa càng lâu, trẻ em càng bị tước đoạt những khía cạnh thiết yếu của tuổi thơ.
Chính vì vậy, để thu hút sự chú ý đến tình trạng khẩn cấp về giáo dục và nâng cao nhận thức về sự cần thiết của các chính phủ đối với việc giữ cho trường học mở cửa hoặc ưu tiên các trường học trong kế hoạch mở cửa trở lại, ngày 3/3, UNICEF đã công bố “Phòng học Đại dịch”, một lớp học mô phỏng bao gồm 168 bàn trống, mỗi bàn đại diện cho 1 triệu trẻ em sống ở các quốc gia có trường học đã đóng cửa gần một năm. Đây là một lời nhắc nhở sâu sắc về các lớp học vẫn đóng cửa trên toàn thế giới.
Theo Giám đốc Điều hành UNICEF, phòng học này đại diện cho hàng triệu chỗ học vẫn còn trống, thậm chí nhiều chỗ còn trống trong gần một năm. Ở mặt sau của mỗi chiếc ghế trống là một chiếc ba lô rỗng. Điều này thể hiện sự ngưng trệ tiềm năng của một đứa trẻ. “Chúng tôi không muốn những cánh cửa đóng kín và những tòa nhà đóng cửa che khuất thực tế rằng tương lai của con cái chúng tôi bị 'tạm dừng' vô thời hạn. Việc sắp đặt này là một thông điệp tới các chính phủ: chúng ta phải ưu tiên mở lại các trường học và chúng ta phải làm mọi thứ để bảo đảm rằng các trường học sẽ mở lại trong tình trạng tốt hơn trước" – bà Henrietta Fore nhấn mạnh.
Khi học sinh trở lại trường học, các em sẽ cần được hỗ trợ để phục hồi và bắt kịp việc học. Kế hoạch mở lại trường học phải bao gồm các biện pháp để bù đắp cho quá trình học tập đã bị mất.
UNICEF kêu gọi các chính phủ ưu tiên những nhu cầu riêng biệt của mỗi học sinh, thông qua các dịch vụ khắc phục hậu quả, sức khỏe và dinh dưỡng toàn diện, các biện pháp bảo vệ và sức khỏe tâm thần dựa vào trường học nhằm thúc đẩy sự phát triển và hạnh phúc cho trẻ em và thanh thiếu niên./.