|
Phụ nữ di cư trong một trại tị nạn ở Burkina Faso. (Ảnh: UN) |
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Filippo Grandi cho biết: “Những tác động kinh tế-xã hội chưa từng có của đại dịch đang khiến nhiều người gặp nguy hiểm. (…) Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng vô cùng đáng lo ngại bạo lực về giới, bao gồm bạo lực gia đình, hôn nhân cưỡng bức, lao động trẻ em và mang thai ở tuổi vị thành niên”.
Những hiện tượng này được cho là do áp lực kinh tế-xã hội ngày càng tăng, căng thẳng gia tăng trong gia đình và cộng đồng, và việc đóng cửa trường học, tất cả đều do đói nghèo liên quan đến đại dịch. Một số người sống sót thậm chí phải dùng đến biện pháp quyết liệt là rút đơn xin khiếu nại vì phụ thuộc kinh tế vào các đối tượng gây ra bạo lực.
Ông Grandi nói: “Chúng ta đang chứng kiến những biểu hiện nghiêm trọng của bất bình đẳng giới đối với một số người dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất trên thế giới và sự xói mòn thảm hại đối với một số thành tựu bình đẳng giới quan trọng và khó giành được trong những thập kỷ qua”.
Trong bối cảnh đó, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Filippo Grandi nhấn mạnh cộng đồng quốc tế phải tham gia và giúp bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái buộc phải di cư và không quốc tịch. Điều này đòi hỏi phải hỗ trợ các chương trình nhân đạo giải quyết bất bình đẳng giới, bao gồm bạo lực giới, đồng thời phát triển các sáng kiến giáo dục, đào tạo nghề và nâng cao vị thế. Điều bắt buộc là những chương trình, sáng kiến này cũng phải được đưa vào các chương trình hỗ trợ kinh tế-xã hội do các chính phủ thiết kế và thực hiện.
Theo UNHCR, 85% người tị nạn trên thế giới sống ở các nước đang phát triển và phụ thuộc nhiều vào viện trợ nhân đạo hoặc lao động hàng ngày. Nhiều người trong số họ hiện mất đi sinh kế vốn đã rất mong manh và rơi vào cảnh nghèo đói khủng khiếp, với những hậu quả nghiêm trọng và sâu rộng.
Ảnh hưởng thảm khốc đối với giáo dục
Bà Gillian Triggs, trưởng bộ phận bảo vệ của UNHCR, cho biết: “Ngoài những nguy cơ ngày càng tăng về bạo lực, lạm dụng, bóc lột và buôn bán tình dục, tất cả đều là hậu quả của bất bình đẳng giới, thì những tác động của đại dịch cũng đang chứng tỏ sự thảm khốc đối với việc giáo dục trẻ em gái tị nạn”. “Nhiều cô gái buộc phải bỏ học và đi làm, bị bán hoặc lấy chồng” – bà nói thêm.
Trong khi các đối tác nhân đạo ước tính rằng có thêm 13 triệu trẻ em gái hiện có nguy cơ bị ép buộc kết hôn sớm do hậu quả của đại dịch, thì nhiều gia đình lại buộc phải cho con gái tảo hôn vì nghèo đói.
Bên cạnh đó, phụ nữ tị nạn cũng phải chăm sóc con cái ở nhà, chuyển sang làm những công việc bấp bênh trong khu vực phi chính thức hoặc trên đường phố. Nhu cầu gia tăng đối với các hộ gia đình cũng làm giảm cơ hội học tập của con cái họ, đồng thời tăng khả năng phơi nhiễm với virus Corona.
Tuy nhiên, mặc dù đại dịch COVID-19 đang thúc đẩy bất bình đẳng giới và gia tăng nguy cơ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, các chương trình phòng ngừa và ứng phó với đại dịch vẫn còn thiếu hụt nghiêm trọng.
UNHCR kêu gọi các chính phủ quan tâm ngay đến những rủi ro này và hỗ trợ sự tham gia đầy đủ của phụ nữ tị nạn, di cư và không quốc tịch trong các kế hoạch ứng phó và phục hồi. Việc tham gia tích cực và có ý nghĩa của phụ nữ và trẻ em gái vào các quyết định tác động đến cuộc sống của họ, gia đình và cộng đồng, là điều cần thiết để duy trì quyền con người, bảo đảm sự bảo vệ hiệu quả và hỗ trợ trao quyền cho họ./.