COVID-19 làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói ở trẻ em

Thứ tư, 21/10/2020 18:03
(ĐCSVN) – Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 20/10 công bố một phân tích cho thấy trước đại dịch COVID-19, khoảng 1/6 trẻ em trên thế giới - tương đương 356 triệu em - sống trong cảnh nghèo đói cùng cực và tình trạng này dự kiến ​​sẽ còn tồi tệ hơn.
Trẻ em chơi đùa trong một khu ổ chuột ở Uttar Pradesh, Ấn Độ. (Ảnh: UN)

Ông Sanjay Wijesekera, Giám đốc chương trình của UNICEF, cho biết: “Cứ 6 trẻ em thì có 1 trẻ sống trong cảnh nghèo đói cùng cực, cứ 6 trẻ thì có 1 trẻ đang phải vật lộn để tồn tại”.

Châu Phi cận Sahara - nơi có mạng lưới an toàn xã hội hạn chế - có 2/3 trẻ em sống trong cảnh nghèo cùng cực, trong khi Nam Á có gần 1/5 số trẻ em phải chịu cảnh khó khăn này.

Tiến độ chậm và không đồng đều

Phân tích "Ước tính toàn cầu về số trẻ em sống trong tình trạng nghèo về thu nhập: cập nhật" cho thấy số trẻ em sống trong tình trạng nghèo cùng cực - trong các hộ gia đình đang phải vật lộn để tồn tại với mức trung bình là 1,90 USD mỗi ngày hoặc ít hơn mỗi người - giảm 29 triệu trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2017.

Tuy nhiên, UNICEF và Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng tiến bộ đạt được trong những năm gần đây là đáng lo ngại vì những tiến bộ này rất chậm, phân bổ không đồng đều và bị đe dọa bởi tác động kinh tế của đại dịch COVID-19.

Theo ông Wijesekera, “chỉ riêng những con số này thôi cũng đủ gây sốc cho mọi người và quy mô, mức độ của những gì chúng ta biết về những khó khăn tài chính do đại dịch gây ra sẽ chỉ làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn”. Giám đốc UNICEF cho biết các Chính phủ cần có một gói kích thích cho trẻ em để ngăn chặn vô số trẻ em và gia đình rơi vào tình trạng nghèo đói chưa từng thấy trong nhiều năm.

Trẻ em bị tác động không tương xứng

Mặc dù trẻ em chiếm khoảng 1/3 dân số thế giới, nhưng khoảng một nửa số người sống trong cảnh nghèo cùng cực lại là trẻ em. Trẻ em có nguy cơ cực nghèo cao gấp đôi so với người lớn (17,5% trẻ em so với 7,9% người lớn).

Ngoài ra, trẻ nhỏ nhất là đối tượng có hoàn cảnh khó khăn nhất: gần 20% trẻ em dưới 5 tuổi ở các nước đang phát triển sống trong các hộ gia đình cực kỳ nghèo.

Giám đốc về Nghèo đói và Công bằng của Ngân hàng Thế giới Carolina Sánchez-Páramo cho biết: Thực tế là cứ 6 trẻ em thì có 1 trẻ em sống trong cảnh nghèo cùng cực và 50% người cực kỳ nghèo trên thế giới là trẻ em ngay cả trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Đây là một mối quan ngại nghiêm trọng đối với tất cả chúng ta.

Bà Sánchez-Páramo giải thích rằng tình trạng nghèo cùng cực đã tước đi cơ hội nhận ra tiềm năng của hàng trăm triệu trẻ em, về mặt phát triển thể chất và nhận thức, đồng thời đe dọa khả năng kiếm được việc làm tốt khi trưởng thành. “Trước tình trạng gián đoạn kinh tế lớn do đại dịch gây ra, điều quan trọng hơn bao giờ hết là các Chính phủ hỗ trợ các hộ gia đình nghèo có con và xây dựng lại nguồn nhân lực của họ trong quá trình khôi phục” – bà nhấn mạnh.

Xung đột và nông nghiệp, các yếu tố của nghèo đói

Tình trạng nghèo cùng cực ở trẻ em không giảm nhiều như ở người lớn: tỷ lệ người nghèo trên thế giới là trẻ em nhiều hơn vào năm 2017, so với năm 2013.

Tất cả các khu vực trên thế giới đều chứng kiến mức độ giảm khác nhau của tình trạng trẻ em nghèo cùng cực, ngoại trừ khu vực châu Phi cận Sahara, nơi đã chứng kiến sự gia tăng 64 triệu trẻ em phải vật lộn để tồn tại với 1,90 USD mỗi ngày, từ 170 triệu vào năm 2013 lên 234 triệu vào năm 2017.

Theo phân tích, tình trạng nghèo ở trẻ em phổ biến nhất ở các nước dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng bởi xung đột, nơi hơn 40% trẻ em sống trong các hộ gia đình cực nghèo, so với gần 15% trẻ em ở các nước khác.

Phân tích cũng lưu ý rằng hơn 70% trẻ em nghèo cùng cực sống trong một hộ gia đình mà chủ gia đình làm nông nghiệp.

Bảo trợ xã hội rất quan trọng trong suốt thời kỳ COVID và phục hồi

Cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện nay sẽ tiếp tục có tác động không cân xứng đến trẻ em, phụ nữ và trẻ em gái, đe dọa đảo ngược tiến bộ vốn rất khó giành được về bình đẳng giới.

Các biện pháp bảo trợ xã hội có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu các cơ chế đối phó của người nghèo và người dễ bị tổn thương, cả trong phản ứng tức thời với COVID-19 và trong quá trình phục hồi lâu dài.

Lợi ích của việc chuyển tiền mặt

Dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới và UNICEF cho thấy hầu hết các quốc gia đã ứng phó với khủng hoảng bằng cách mở rộng các chương trình bảo trợ xã hội, bao gồm cả chuyển tiền mặt.

Chuyển tiền mặt cung cấp một nền tảng cho các khoản đầu tư dài hạn vào vốn con người. Theo nghiên cứu, khi kết hợp với các biện pháp phát triển trẻ em khác và cùng với việc cung cấp các dịch vụ xã hội chất lượng, chuyển tiền mặt đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc giải quyết nghèo đói đa chiều và cải thiện sức khỏe, dinh dưỡng và kết quả nhận thức và không nhận thức của trẻ.

Tuy nhiên, nhiều biện pháp trong số này là ngắn hạn và không phù hợp với quy mô và tính chất lâu dài của sự phục hồi dự kiến.

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Thế giới và UNICEF nhấn mạnh điều quan trọng hơn bao giờ hết đối với các Chính phủ là tăng cường và điều chỉnh các hệ thống và chương trình bảo trợ xã hội của họ để chuẩn bị cho những cú sốc trong tương lai. WB và UNICEF cũng đặc biệt kêu gọi đổi mới để  bảo đảm tính bền vững tài chính, củng cố khuôn khổ pháp lý và thể chế, bảo vệ vốn con người, mở rộng lợi ích lâu dài cho gia đình và trẻ em, đồng thời đầu tư vào các chính sách thân thiện với gia đình, chẳng hạn như nghỉ phép có lương và chăm sóc trẻ em có chất lượng cho tất cả mọi người./.

Khánh Linh (Theo AFP, UN, UNICEF)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực