COVID-19: Số ca nhiễm, tử vong giảm ở tất cả các khu vực trên thế giới

Thứ sáu, 22/04/2022 09:26
(ĐCSVN) – Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 21/4 thông báo cho biết số ca nhiễm virus Corona mới được báo cáo trên toàn thế giới đã giảm gần 1/4 vào tuần trước, tiếp tục sự sụt giảm được thấy kể từ cuối tháng 3.
 Biển chỉ dẫn vào khu xét nghiệm COVID-19 tại Anh. (Ảnh: UN)

Theo WHO, gần 5,59 triệu trường hợp đã được báo cáo trong khoảng thời gian từ ngày 11 – 17/4, giảm 24% so với tuần trước. Trong báo cáo hàng tuần mới nhất, WHO lưu ý rằng số ca tử vong mới được báo cáo cũng giảm 21% xuống còn 18.215 người. WHO nhấn mạnh các trường hợp mắc mới đã giảm ở tất cả các khu vực, nhưng chỉ giảm 2% ở châu Mỹ và 7% ở lục địa châu Phi.

Tuy nhiên, những xu hướng này nên được giải thích một cách “thận trọng vì một số quốc gia đang dần sửa đổi các chiến lược xét nghiệm COVID-19 của mình”. Theo cơ quan y tế của Liên hợp quốc, điều này đương nhiên đồng nghĩa với việc giảm tổng số các ca xét nghiệm được thực hiện và do đó, giảm số trường hợp được phát hiện.

Trong khi không có quốc gia nào ở Đông Địa Trung Hải và Đông Nam Á báo cáo tăng số ca mắc mới từ 20% trở lên, thì ở các châu lục khác, các quốc gia lại đã quan sát thấy tình trạng gia tăng lây nhiễm. Ví dụ, ở Tây Thái Bình Dương, Guam và Trung Quốc đã báo cáo mức tăng lần lượt là 121% (128 so với 58 trường hợp mới) và 28% (28.823 so với 22.519 trường hợp mới).

Gần 1/4 số quốc gia châu Mỹ báo cáo số ca mắc bệnh tăng 20%

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết tại châu Âu, có 2 quốc gia có số ca mắc bệnh tăng hơn 20%. Đây là trường hợp của Kyrgyzstan (10 so với 2 trường hợp mới; + 400%) và Andorra (381 so với 304 trường hợp mới; + 25%).

Ở châu Phi, 7 (14%) quốc gia báo cáo số trường hợp mắc bệnh tăng hơn 20%. Tỷ lệ gia tăng lớn nhất được thấy ở Niger (48 so với 13 trường hợp mới; + 269%), Mozambique (43 so với 16 trường hợp mới; + 169%) và Zambia (984 so với 452; + 118%).

Ở châu Mỹ, gần 1/4 (13 quốc gia) của khu vực này đã báo cáo số ca mắc mới tăng từ 20% trở lên. Trong số xu hướng tăng này, một số mức tăng tỷ lệ lớn nhất được thấy ở Suriname (35 so với 12 trường hợp mới; + 192%), Haiti (29 so với 11 trường hợp mới; + 164%) và Saint Lucia (84 so với 51 trường hợp mới; + 65%).

Nhìn rộng hơn, Hàn Quốc đã ghi nhận số ca mắc mới hàng tuần cao nhất. Seoul đếm được 972.082 ca nhiễm mới, tương đương -33%. Tiếp theo là Pháp (827.350 ca mắc mới; -11%), Đức (769.466 ca mắc mới; -25%), Italy (421.707 ca mắc mới; -6%) và Nhật Bản (342.665 ca mắc mới; + 1%).

Hơn 504 triệu ca nhiễm, trong đó có hơn 6,2 triệu ca tử vong

Theo WHO, Mỹ đã báo cáo số ca tử vong hàng tuần cao nhất. Washington báo cáo 3.076 trường hợp tử vong mới, tương đương -9%. Tiếp theo là Nga (1.784 trường hợp tử vong mới; -11%), Hàn Quốc (1.671 trường hợp tử vong mới; -24%), Đức (1.227 trường hợp tử vong mới; -27%) và Italy (944 trường hợp tử vong mới; -5 %).

Tổng cộng, hơn 504 triệu trường hợp nhiễm COVID-19 và hơn 6,2 triệu trường hợp tử vong liên quan đến virus Corona mới đã được báo cáo cho đến nay.

Tính đến ngày 18/4/2022, tổng cộng 11,3 tỷ liều vaccine COVID-19 đã được sử dụng trên toàn thế giới.

Hơn nữa, biến thể Omicron vẫn là biến thể thống trị lưu hành trên toàn thế giới, chiếm hầu hết các trình tự được báo cáo cho WHO gần đây. Trong số 313.715 trình tự được tải lên với các mẫu được thu thập trong 30 ngày qua, gần 99,5% nằm trong Omicron (312.033).

Delta theo sau với 136 trình tự (<0,1%) và 1.393 (0,4%) trình tự không được gán cho dòng dõi Pango.

Tuy nhiên, theo WHO, những xu hướng này cần được giải thích với sự cân nhắc thích đáng về những hạn chế của hệ thống giám sát, bao gồm sự khác biệt về năng lực giải trình tự và chiến lược lấy mẫu giữa các quốc gia, cũng như tính kịp thời của việc xoay vòng trình tự của các phòng thí nghiệm và sự chậm trễ báo cáo./.

Khánh Linh (Theo UN, WHO)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực