Cùng hành động vì một bầu không khí sạch cho tất cả mọi người

Thứ sáu, 08/09/2023 14:38
(ĐCSVN) - Ô nhiễm không khí đang là vấn đề khẩn cấp toàn cầu và cộng đồng quốc tế cần cùng nhau hành động vì một bầu không khí sạch. Đây là thông điệp do Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra nhân Ngày Quốc tế không khí sạch cho bầu trời xanh năm nay (7/9/2023).
Người đi bộ che mặt đi bộ trên đường phố ở New York, Mỹ vào ngày 7/6/2023. (Ảnh: Michael Nagle/Tân Hoa Xã) 

Người đứng đầu Liên hợp quốc chỉ ra rằng, hiện có tới 99% số người trên trái đất đang phải hít thở không khí chứa bồ hóng, lưu huỳnh và các hóa chất độc hại khác. Trong đó, các nước có thu nhập thấp và trung bình phải chịu mức phơi nhiễm cao nhất. Mỗi năm có 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí, trong khi vấn đề này cũng liên quan mật thiết đến tình trạng nóng lên toàn cầu.

Theo lập luận của ông Guterres, không khí ô nhiễm không có biên giới và có thể di chuyển hàng nghìn km, phát tán chất ô nhiễm theo gió.

“Các vấn đề toàn cầu đòi hỏi các giải pháp toàn cầu. Chúng ta phải cùng nhau hành động vì không khí sạch” – Tổng thư ký Liên hợp quốc.

Từ những lập luận trên, người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh “một quá trình chuyển đổi công bằng và bình đẳng” từ nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than đá, sang năng lượng tái tạo sạch.

Tác hại “kép” của ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí tác động đến sức khỏe: các hạt ô nhiễm cực nhỏ, vô hình xâm nhập sâu vào phổi, máu và cơ thể chúng ta. Những chất ô nhiễm này là nguyên nhân gây ra khoảng 1/3 số ca tử vong do đột quỵ, bệnh hô hấp mãn tính và ung thư phổi, cũng như 1/4 số ca tử vong do đau tim. Ozone trên mặt đất, được tạo ra từ sự tương tác của nhiều chất ô nhiễm khác nhau trong ánh sáng mặt trời, cũng là nguyên nhân gây ra bệnh hen suyễn và các bệnh hô hấp mãn tính.

Ô nhiễm không khí tác động đến khí hậu: các chất gây ô nhiễm không khí tồn tại trong thời gian ngắn (SLCP) là một trong những chất gây ô nhiễm có liên quan nhiều nhất đến sức khỏe và sự nóng lên trong thời gian ngắn của hành tinh. Chúng tồn tại trong bầu khí quyển ít nhất là vài ngày hoặc thậm chí vài thập kỷ, do đó, việc cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí có thể mang lại lợi ích gần như ngay lập tức về sức khỏe và khí hậu.

Cụ thể, chúng ta cũng phải hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nấu ăn sạch và sử dụng xe điện. "Chúng ta phải khuyến khích việc đi bộ và đi xe đạp trong thành phố, đồng thời áp dụng các hệ thống để biến việc quản lý chất thải có trách nhiệm… Bên cạnh đó, chúng ta phải hành động theo cam kết giảm lượng khí thải mêtan” – ông Guterres khuyến cáo.

Ủy ban thứ hai của khóa họp thứ 74 của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 26/11/2019 đã thông qua nghị quyết công nhận ngày 7/9 hằng năm là “Ngày Quốc tế không khí sạch cho bầu trời xanh” nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng và nhu cầu cấp thiết của việc nâng cao nhận thức cộng đồng ở tất cả các cấp, đồng thời thúc đẩy các hành động cải thiện chất lượng không khí cho sức khỏe và cuộc sống hàng ngày của tất cả mọi người.

Chủ đề của Ngày Quốc tế không khí sạch cho bầu trời xanh năm nay có chủ đề “Cùng nhau vì không khí sạch” - nêu bật nhu cầu cấp thiết về quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn, tăng cường đầu tư và chia sẻ trách nhiệm khắc phục ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí, trong nhà và ngoài trời, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và hệ sinh thái. Tất cả chúng ta đều chia sẻ và hít thở cùng một bầu không khí; do đó, mỗi cá nhân đều có trách nhiệm bảo vệ bầu không khí trong lành cho mình và tất cả mọi người.

Ngăn ngừa và giảm ô nhiễm không khí để cải thiện chất lượng không khí trên toàn cầu

Ô nhiễm không khí là nguy cơ môi trường lớn nhất tác động tới sức khỏe con người, đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong và bệnh tật trên toàn cầu. Số liệu thống kê năm 2016 cho thấy, có đến 6,5 triệu ca tử vong sớm trên toàn thế giới có nguyên nhân do ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời. Tại các nước đang phát triển, ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng nhiều đến phụ nữ, trẻ em và người già, mà còn tác động mạnh mẽ đến những người có thu nhập thấp vì họ thường phải tiếp xúc với ô nhiễm không khí ở môi trường xung quanh và ô nhiễm không khí trong nhà cao do nấu nướng và sưởi ấm bằng các nhiên liệu như gỗ và dầu hỏa.

Ảnh minh họa: UN 

Ô nhiễm không khí là một vấn đề toàn cầu với những tác động không thể đo đếm. Nếu không có sự can thiệp tích cực, số ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí được dự báo sẽ tăng hơn 50% vào năm 2050.

Một số chất gây ô nhiễm không khí, chẳng hạn như carbon đen, metan và ozone tầng mặt, cũng là những chất gây ô nhiễm khí hậu tồn tại trong thời gian ngắn và là nguyên nhân gây ra một phần đáng kể các ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí, cũng như tác động đến cây trồng và do đó gây bất ổn an ninh lương thực.

Không những thế, ô nhiễm không khí còn gây áp lực lên xã hội do những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, năng suất làm việc, chi phí chăm sóc sức khỏe và du lịch, cùng nhiều vấn đề khác. Chất lượng không khí kém cũng là một thách thức trong bối cảnh tất cả các quốc gia đang theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững. Điều này đang trở nên đặc biệt cấp bách ở các thành phố và khu đô thị ở các nước đang phát triển, với mức độ ô nhiễm không khí cao hơn giới hạn quy định trong hướng dẫn về chất lượng không khí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tỷ lệ 99% dân số phải hít thở bầu không khí ô nhiễm đã cho thấy tính cấp bách của vấn đề và thực tế đó đòi hỏi sự hợp tác của địa phương, quốc gia, khu vực hay ở cả cấp độ toàn cầu. Chủ đề của Ngày Quốc tế không khí sạch cho bầu trời xanh năm nay cũng đã gióng lên một hồi chuông kêu gọi về sự phối hợp của các hoạt động đầu tư, cùng nhau hợp tác và đóng góp để làm sạch không khí. Trong đó, việc hợp tác với các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, các tổ chức phát triển, tổ chức quốc tế và khu vực, khu vực tư nhân... đóng vai trò rất quan trọng để giảm ô nhiễm và cải thiện chất lượng không khí.

Trong tài liệu kết quả của Hội nghị Liên hợp quốc về Phát triển bền vững, có tựa đề "Tương lai mà chúng ta mong muốn", các quốc gia cam kết thúc đẩy các chính sách phát triển bền vững nhằm hỗ trợ chất lượng không khí trong lành. Ngoài ra, Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững cũng vạch ra lộ trình đạt được sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và mang lại tương lai thịnh vượng cho tất cả mọi người, với nhiệm vụ quan trọng là giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Ngày nay, cộng đồng quốc tế thừa nhận rằng việc cải thiện chất lượng không khí có thể tăng cường giảm thiểu biến đổi khí hậu và những nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu có thể cải thiện chất lượng không khí. Mọi người đều có vai trò trong việc làm sạch không khí và bảo vệ sức khỏe của mình và mang lại lợi ích cho người khác. Một môi trường an toàn, sạch sẽ, lành mạnh và bền vững, bao gồm cả không khí sạch, là điều không thể thiếu để chúng ta được thụ hưởng các quyền cơ bản của con người./.

T.Lan (Theo UN, Xinhua, UNEP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực