Đại dịch COVID-19 làm gia tăng nạn đói ở châu Phi

Thứ tư, 15/12/2021 10:18
(ĐCSVN) – Các nhà lãnh đạo của 3 tổ chức khu vực châu Phi và Liên hợp quốc, ngày 14/12, cảnh báo sau một thời gian dài được cải thiện từ năm 2000 - 2013, nạn đói đã trở nên tồi tệ hơn đáng kể trên lục địa châu Phi và hầu hết tình trạng tồi tệ này xảy ra từ năm 2019 – 2020.

Thêm vào đó, các nhà lãnh đạo đồng thời kêu gọi tăng cường chuyển đổi hệ thống nông sản trong bối cảnh nạn đói và suy dinh dưỡng ngày càng trầm trọng ở châu Phi.

Báo cáo mới cho thấy cuộc khủng hoảng lương thực đã trở nên tồi tệ hơn ở châu Phi. Theo đó, vào năm 2020, hơn 281 triệu người châu Phi bị suy dinh dưỡng, nhiều hơn 46 triệu so với năm 2019 và thậm chí là 89 triệu so với năm 2014. Số người bị đói ở châu Phi tiếp tục tăng do xung đột, biến đổi khí hậu và suy thoái kinh tế, đặc biệt là do đại dịch COVID-19 gây ra. Ngoài 346 triệu người châu Phi bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng, 452 triệu người bị mất an ninh lương thực ở mức độ vừa phải.

 Trẻ em là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nạn đói tại châu Phi. (Ảnh: Khánh Linh)

125 triệu người thiếu dinh dưỡng sống ở Đông Phi

Báo cáo kỹ thuật do Ủy ban Liên minh châu Phi (AUC), Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Phi (ECA) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) phát hành là phiên bản cập nhật mới nhất của báo cáo hàng năm về tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng ở châu Phi.

Theo báo cáo, mức độ người dân bị đói khác nhau đáng kể giữa các tiểu vùng này so với tiểu vùng khác. Trong tổng số người suy dinh dưỡng, 125 triệu người sống ở Đông Phi (44%), Tây Phi (75 triệu; 27%), Trung Phi (57 triệu; 20%), Bắc Phi (17 triệu; 6%) và Nam Phi (trên 6 triệu; 2,4%).

Tại châu lục này, nạn đói đã trở nên tồi tệ hơn kể từ năm 2013, và hầu hết sự suy thoái này diễn ra trong khoảng thời gian từ năm 2019 - 2020. Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi (AU) cho rằng tình hình còn tồi tệ hơn nữa trong năm nay và các nguyên nhân chính gây ra nạn đói vẫn chưa thuyên giảm.

Tổng sản phẩm quốc nội thực tế của châu Phi giảm 2,1% vào năm 2020

Tổng cộng, châu Phi chiếm hơn một nửa mức gia tăng toàn cầu về số người suy dinh dưỡng trong giai đoạn 2014 - 2020. Ngoài ra, Đông và Tây Phi chiếm tới 83% sự gia tăng số người thiếu dinh dưỡng trên toàn châu lục từ năm 2014 - 2020.

Tổng sản phẩm quốc nội thực tế của châu Phi giảm 2,1% vào năm 2020, chủ yếu do đại dịch COVID-19 và nhiều chính phủ nhanh chóng mở rộng các biện pháp bảo trợ xã hội để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất.

Theo Liên hợp quốc và AU, tình hình an ninh lương thực được xác định bởi một số yếu tố chính, thường chồng chéo lên nhau. Xung đột, biến đổi khí hậu và các hiện tượng cực đoan, cũng như sự suy giảm và suy thoái kinh tế là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực ở châu Phi.

Các nước châu Phi cần chuyển đổi hệ thống nông sản

Làm gián đoạn các hoạt động kinh tế và sinh kế, đại dịch COVID-19 đã gây ra suy thoái kinh tế nghiêm trọng ở châu Phi và góp phần khiến cho tình hình an ninh lương thực ngày càng tồi tệ.

Ngoài nạn đói, hàng triệu người châu Phi còn bị thiếu hụt vi chất dinh dưỡng trên diện rộng, trong khi thừa cân và béo phì đã và đang là vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn ở nhiều quốc gia.

Trước những con số đáng lo ngại này, báo cáo của Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi nêu rõ các biện pháp ngắn hạn mà các quốc gia phải thực hiện để chống nạn đói bao gồm cung cấp hỗ trợ nhân đạo và áp dụng các biện pháp bảo trợ xã hội hiệu quả. Về lâu dài, các quốc gia sẽ cần đầu tư vào nông nghiệp và các lĩnh vực liên quan, cũng như các dịch vụ cấp nước, y tế và giáo dục.

Ủy ban Liên minh châu Phi (AUC), Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Phi (ECA) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) kêu gọi các nước châu Phi chú ý đến lời kêu gọi chuyển đổi hệ thống nông sản./.

Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực