Đại dịch đẩy 88–115 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực

Thứ năm, 08/10/2020 16:52
(ĐCSVN) – Năm 2020 đáng lẽ sẽ được đánh dấu bằng việc giảm tỷ lệ nghèo đói cùng cực. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn mọi thứ: Có thêm từ 88 – 115 triệu người sẽ sống với 1,9 USD/ngày, tương đương với dưới giá của 1 cốc café tại các nước tiên tiến. Trong số đó, ngày càng nhiều cư dân thành thị.
 Trẻ em là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVI-19 (Ảnh: AFP)

Báo cáo vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 7/10 cho thấy: Việc giảm nghèo đã chịu thất bại tồi tệ nhất kể từ nhiều thập kỷ trở lại đây, sau gần ¼ thế kỷ liên tục giảm nghèo đói cùng cực trên thế giới. Số lượng người sống trong nghèo đói cùng cực dự báo sẽ tiếp tục tăng lên tới 150 triệu trong giai đoạn từ nay đến năm 2021. Cứ 10 người nghèo mới sẽ có 8 người ở các nước có thu nhập trung bình.

Theo các tác giả của báo cáo, những người nghèo mới sống ở đô thị, được giáo dục tốt hơn và ít chịu ảnh hưởng về công việc trong nông nghiệp hơn là những người sống trong nghèo đói cùng cực ở giai đoạn trước đại dịch COVID-19. Họ làm việc phần đông ở các lĩnh vực dịch vụ, xây dựng hay công nghiệp.

Nghèo đói cùng cực, vốn có ngưỡng ấn định ở mức dưới 1,9 USD/ngày, sẽ tác động tới từ 9,1 – 9,4% dân số thế giới vào năm 2020.

Nhấn mạnh đó là “một bước thụt lùi”, Ngân hàng Thế giới chỉ rõ vào năm 2017, tỷ lệ này lên tới 9,2%. Nếu không có cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 thì con số này sẽ giảm xuống còn 7,9% trong năm nay.

Thêm vào đó, báo cáo cũng cho thấy một phần lớn "người nghèo mới" sẽ tập trung ở các nước vốn đã có tỷ lệ nghèo cao. Châu Phi cận Sahara là "một khu vực mà hiện là nơi sinh sống của khoảng 1/3 số người mới bị nghèo đói bởi COVID-19".

Trong khi cư dân thành phố ngày càng bị ảnh hưởng thì người nghèo chủ yếu vẫn ở nông thôn, thanh thiếu niên và những người ít được học hành. Báo cáo nêu chi tiết "4/5 người sống dưới mức nghèo quốc tế sống ở khu vực nông thôn mặc dù dân số nông thôn chỉ chiếm 48%" tổng dân số.

Năm 2018, một nửa số người nghèo là trẻ em dưới 15 tuổi, mặc dù chỉ bằng 1/4 dân số thế giới.

Các tác giả của báo cáo, bao gồm nhà kinh tế học Samuel Freije-Rodriguez và nhà xã hội học Michael Woolcock, đã tổng hợp dữ liệu được ghi lại từ năm 2015 – 2017 cho thấy 52 triệu người đã có thể tự vươn lên thoát nghèo, đánh dấu nỗ lực giảm nghèo.

Tuy nhiên, trong một nghiên cứu được công bố tại Paris, tổ chức quốc tế Oxfam nhấn mạnh rằng trước đại dịch, "không quốc gia nào trên thế giới đã làm đủ để chống lại bất bình đẳng". “Mặc dù COVID-19 đã là lời cảnh tỉnh đối với một số quốc gia, nhưng nhiều quốc gia vẫn chưa hành động” – Oxfam nói thêm, đồng thời lưu ý rằng điều này đang “châm ngòi” cho cuộc khủng hoảng và làm tăng tính dễ bị tổn thương của những người sống trong nghèo đói, đặc biệt là phụ nữ.

Ngoài ra, đánh giá mới của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra rằng có tới 132 triệu người có thể rơi vào cảnh nghèo đói vào năm 2030, do tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu. Theo đó, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng hiện tại chắc chắn sẽ được cảm nhận ở hầu hết các quốc gia cho đến năm 2030.

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Thế giới dự báo mức suy thoái 5,2% vào năm 2020, mức suy thoái mạnh nhất trong 80 năm. Vì vậy, mục tiêu giảm tỷ lệ đói nghèo toàn cầu xuống dưới 3% vào năm 2030 "khó đạt được hơn bao giờ hết"./.

Khánh Linh (Theo AFP, Retuers)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực