|
Các công nhân trên dây chuyền lắp ráp tại một nhà máy ở Campuchia. (Ảnh: UN) |
Theo cơ quan của Liên hợp quốc, tất cả các hình thức đầu tư nước ngoài chính, từ tài trợ cơ sở hạ tầng đến sáp nhập và mua lại, đều bị ảnh hưởng trên toàn cầu. UNCTAD chỉ ra rằng việc đóng cửa và viễn cảnh suy thoái toàn cầu sâu sắc đã làm giảm đáng kể vốn FDI. Báo cáo lưu ý: “Dòng vốn FDI toàn cầu (không bao gồm các trung tâm tài chính ngoài khơi Caribe) trong nửa đầu năm 2020 đều phải chịu áp lực lớn do đại dịch COVID-19”.
Theo UNCTAD, các khoản đầu tư xuyên biên giới này ước tính đạt con số 399 tỷ USD, giảm 49% so với năm 2019. Cơ quan Liên hợp quốc biện minh cho sự sụt giảm như vậy là do "việc đóng cửa các nhà máy trên toàn thế giới, điều này đã buộc các công ty phải trì hoãn các dự án đầu tư hiện tại và hoãn các khoản đầu tư không thiết yếu để bảo toàn dự trữ tiền mặt”.
Sự sụt giảm lớn nhất ở các nền kinh tế phát triển
Phát biểu tại cuộc họp báo ở ở Geneva (Thụy Sỹ), Giám đốc Bộ phận Đầu tư và Doanh nghiệp tại UNCTAD James Zhan nêu rõ: "Dòng vốn FDI toàn cầu trong nửa đầu năm nay đã giảm gần một nửa... Nó quyết liệt hơn những gì chúng tôi dự báo trong cả năm".
Đối với UNCTAD, tình hình ở các nước phát triển cho thấy rõ mối quan ngại này khi trong nửa đầu năm, các nền kinh tế phát triển đã ghi nhận mức giảm FDI lớn nhất, giảm 75% ở các nước giàu xuống 98 tỷ USD, mức chưa từng thấy kể từ năm 1994. FDI vào Bắc Mỹ giảm 56% so với cùng kỳ, ở mức 68 tỷ USD.
FDI vào Mỹ đã giảm hơn một nửa (-61%), xuống 51 tỷ USD. Đầu tư của các công ty đa quốc gia EU vào Mỹ giảm 53% và các công ty đa quốc gia ở các nước đang phát triển giảm đầu tư từ 31 tỷ USD xuống còn 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, bất chấp cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra, một số quốc gia đã chứng kiến sự gia tăng dòng vốn FDI. Dòng vốn FDI vào Ireland đạt 75 tỷ USD với vốn chủ sở hữu tăng 65 tỷ USD trong quý 2 năm 2020. Đầu tư xuyên biên giới sang Đức cũng tăng 15%, đạt 21 tỷ USD.
Dấu hiệu phục hồi ở Đông Á
Ngoài ra, UNCTAD cho biết dòng vốn FDI vào các nền kinh tế đang phát triển giảm ít hơn dự báo (-16%). Theo khu vực, tỷ lệ này giảm 28% đối với châu Phi, 25% đối với châu Mỹ Latinh và Caribe, và 12% đối với châu Á, chủ yếu do sự cản trở của các khoản đầu tư vào Trung Quốc. Theo ông Zhan, "dòng chảy đến các nền kinh tế đang phát triển dự kiến sẽ ổn định, trong đó khu vực Đông Á có dấu hiệu phục hồi".
Theo cơ quan của Liên hợp quốc, FDI vào Đông Á vẫn ổn định ở mức 125 tỷ USD. Điều này phần lớn được giải thích là do dòng chảy đầu tư (bao gồm cả dòng các sản phẩm) đến Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 22%. Dòng vốn FDI vào Trung Quốc cũng được chứng minh là tương đối linh hoạt. Trong nửa đầu năm 2020, dòng vốn vào Trung Quốc đạt 76 tỷ USD, giảm 4%.
Tại lục địa châu Phi, đầu tư xuyên biên giới chỉ đạt 16 tỷ USD trong nửa đầu năm nay. Ở Bắc Phi, dòng vốn đầu tư vào Ai Cập giảm 57%, ở mức 1,9 tỷ USD trong nửa đầu năm 2020. Tổng dòng vốn FDI vào Bắc Phi giảm 44%, ở mức 3,8 tỷ USD trong nửa đầu năm nay. Ngược lại, dòng vốn FDI vào Maroc tăng 6% lên 0,8 tỷ USD, do danh mục đầu tư tương đối đa dạng.
|
Đại dịch COVID-19 có ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế toàn cầu. (Ảnh minh họa: UN) |
Giảm "vừa phải" vào năm 2021
Theo UNCTAD, dòng vốn FDI vào châu Phi cận Sahara giảm 21%, xuống còn ước tính 12 tỷ USD.
Dòng vốn vào Nigeria giảm 29%, xuống 1,2 tỷ USD do việc triển khai các dự án đang triển khai bị chậm lại vì đóng cửa các cơ sở trong ngành dầu khí. Các khoản đầu tư vào Ethiopia tương đối ổn định, chỉ giảm 12% xuống còn 1,1 tỷ USD.
Trung Quốc vẫn là nguồn cung cấp FDI chính cho Addis Ababa, với 1/4 số dự án mới được phê duyệt trong năm nay.
Ngược lại với xu hướng, dòng vốn FDI vào Nam Phi tăng 24% lên 2,9 tỷ USD. Tuy nhiên, phần lớn sự gia tăng này là do sự chuyển giao trong nội bộ công ty từ các công ty nước ngoài sang các chi nhánh của họ ở trong nước thay vì các dự án đầu tư mới.
Nhìn rộng hơn, nguồn vốn FDI giảm dự kiến sẽ chậm lại trong nửa cuối năm, dẫn đến mức giảm hàng năm từ 30 – 40% trong cả năm. Tốc độ suy giảm ở các nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ giảm dần do một số hoạt động đầu tư có vẻ sẽ tăng lên trong quý III. Dòng vốn đến các nền kinh tế đang phát triển dự kiến sẽ ổn định, trong đó khu vực Đông Á có dấu hiệu phục hồi.
Theo UNCTAD, triển vọng vẫn rất không chắc chắn, tùy thuộc vào diễn tiến của cuộc khủng hoảng COVID-19 và hiệu quả của các biện pháp can thiệp chính sách nhằm giảm nhẹ tác động kinh tế của đại dịch. Rủi ro địa chính trị cũng tiếp tục làm tăng thêm sự không chắc chắn. Nhìn chung, cơ quan Liên hợp quốc dự kiến mức giảm FDI vào năm 2021sẽ "vừa phải", ở mức từ 5 đến 10%./.