FAO cảnh báo giá tăng gây hậu quả nghiêm trọng với an ninh lương thực

Thứ năm, 29/09/2022 15:06
(ĐCSVN) – Tổng giám đốc FAO bày tỏ với các thành viên G20 mối quan ngại về hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine, đặc biệt là giá lương thực thế giới và khả năng tiếp cận phân bón có thể ảnh hưởng đến nguồn cung cấp lương thực; đồng thời ủng hộ sử dụng công nghệ kỹ thuật số để cải thiện nông nghiệp và sinh kế ở các vùng nông thôn.
 Một phụ nữ di cư đang chuẩn bị đồ ăn cho gia đình ở Burkina Faso. (Ảnh: UN)

Ông Qu Dongyu, Tổng giám đốc Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết xung đột sẽ vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc khủng hoảng lương thực, do đó vấn đề quan trọng là phải đạt được hòa bình, giải quyết khủng hoảng khí hậu và xây dựng khả năng phục hồi ở mọi nơi. “Các tổn thất về con người, xã hội và kinh tế của xung đột luôn rất lớn. Hòa bình là điều kiện tiên quyết cho khả năng phục hồi của các hệ thống nông sản quốc gia và quốc tế” – ông Qu Dongyu nhắc lại, đồng thời lưu ý rằng giá lương thực tiêu dùng tăng cao sẽ có “tác động nghiêm trọng” đối với an ninh lương thực và dinh dưỡng toàn cầu. Ông nói thêm: “Giá thực phẩm rất cao đối với người tiêu dùng cũng như là giá cả các sản phẩm cơ bản cao đối với nông dân”.

Người đứng đầu FAO ghi nhận những cải thiện đối với thị trường lúa mì và đậu tương, nhưng cho biết triển vọng đối với ngô, gạo và phân bón vẫn còn hạn chế và không ổn định.

Ông cũng ca ngợi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu từ Ukraine và Nga bất chấp chiến tranh, là "một bước tiến quan trọng", đồng thời nói thêm rằng nó "phải được tăng cường để cải thiện khả năng tiếp cận lương thực cho các nước dễ bị tổn thương nhất".

Cơ chế tài trợ

FAO đã đề xuất Quỹ tài trợ nhập khẩu lương thực (FIFF) cho phép 62 quốc gia nhập khẩu lương thực ròng có thu nhập thấp, đại diện cho dân số 1,8 tỷ người, tài trợ cho các nhu cầu cấp thiết của họ và đầu tư nhiều hơn vào các hệ thống nông sản bền vững.

Việc thông qua đề xuất sẽ đưa ra cách thức để nhanh chóng xây dựng khả năng phục hồi của các hệ thống nông sản. Các hành động ngắn hạn khác bao gồm tăng cường cung cấp phân bón, miễn trừ các lệnh trừng phạt liên quan đến chiến tranh... Tổng giám đốc FAO kêu gọi: “Chúng ta phải ngăn chặn cuộc khủng hoảng tiếp cận thực phẩm không trở thành cuộc khủng hoảng nguồn cung cấp lương thực”.

Ngoài ra, ông cũng nói về các giải pháp trung hạn như khoa học và đổi mới, đầu tư vào cơ sở hạ tầng để giảm bất bình đẳng, thất thoát và lãng phí lương thực.

Các chiến lược dài hạn liên quan đến việc cải thiện các hệ thống hành động và cảnh báo sớm để tăng năng suất, đẩy nhanh thương mại và ứng phó với các giải pháp sáng tạo đối với những hạn chế về nguồn cung phân bón vô cơ.

Đổi mới kỹ thuật số

Trong một phiên họp đặc biệt của G20, Tổng giám đốc FAO cũng nêu bật vai trò của nông nghiệp kỹ thuật số trong “tinh thần kinh doanh nông nghiệp” sáng tạo nhằm cải thiện sinh kế của nông dân và mọi cư dân ở các vùng nông thôn.

Theo quan điểm của ông, công nghệ kỹ thuật số có thể tăng hiệu quả cây trồng, thúc đẩy đổi mới và làm cho thị trường nông sản và thực phẩm trở nên toàn diện hơn.

Ông Qu Dongyu nhấn mạnh sức mạnh của nền tảng không gian địa lý “Tay trong tay” của FAO để cải thiện mục tiêu đầu tư và hướng các nguồn lực đến nơi cần thiết nhất và hiệu quả nhất.

Ông cũng đề cập đến “Sáng kiến 1.000 làng kỹ thuật số” của FAO như một minh họa về những tác động tích cực của thương mại điện tử và công nghệ kỹ thuật số mới ở các vùng nông thôn./.

Khánh Linh (Theo UN, FAO)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực