FAO kêu gọi chấm dứt sử dụng lao động trẻ em trong nông nghiệp

Thứ năm, 04/11/2021 14:47
(ĐCSVN) – Tổng giám đốc Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) Qu Dongyu cho biết việc xóa bỏ lao động trẻ em trong nông nghiệp vào năm 2025 sẽ đòi hỏi phải có hành động hiệu quả và sự lãnh đạo mạnh mẽ.
FAO: Lao động trẻ em là một thực tế đối với hơn 160 triệu trẻ em trên khắp thế giới. (Ảnh: UN)

Diễn đàn về xóa bỏ lao động trẻ em trong nông nghiệp được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và có sự tham dự của đại diện Liên hợp quốc nhằm huy động hành động toàn cầu và tìm giải pháp xóa bỏ lao động trẻ em trong nông nghiệp.

FAO chỉ ra rằng lao động trẻ em là một thực tế đối với hơn 160 triệu trẻ em trên khắp thế giới. Con số này tương ứng với tỷ lệ 1 trong 10 người. Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc, khoảng 70% số trẻ em này làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, lâm nghiệp, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.

Giám đốc Điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Henrietta Fore cũng nhấn mạnh lao động trẻ em là một hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, nhưng nhiều gia đình dễ bị tổn thương không có lựa chọn nào khác. Theo bà, các giải pháp cần được thực hiện, trong đó bao gồm hỗ trợ tài chính cho các cộng đồng dễ bị tổn thương. Những nỗ lực đáng kể phải được tập trung ở các khu vực nông thôn, đến các hộ gia đình, "nơi nông nghiệp là nguồn sinh kế quan trọng".

Lao động trẻ em thường được định nghĩa là công việc làm mất đi tuổi thơ, tiềm năng và phẩm giá của trẻ em, đồng thời có hại cho sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.

Theo báo cáo, 70% lao động trẻ em diễn ra trong lĩnh vực nông nghiệp, với 112 triệu trẻ vị thành niên. Tiếp theo là khu vực dịch vụ với 20% và công nghiệp với 10%.

"Lao động trẻ em không thể được coi là một cách thoát nghèo"

Trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn, Tổng giám đốc ILO Guy Ryder cho biết lao động trẻ em có thể ngăn ngừa được. Ông nhấn mạnh hoạt động này không thể được coi là một cách thoát nghèo. Ông Ryder cho rằng vấn đề này có thể trở thành vấn đề "giữa các thế hệ" và cần giúp mọi người thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn này.

Các đại diện tham dự Diễn đàn giải thích rằng yếu tố chính dẫn tới tình trạng lao động trẻ em ở khu vực nông thôn là thu nhập gia đình thấp, ít lựa chọn thay thế sinh kế, hạn chế tiếp cận giáo dục và đổi mới.

Thêm vào đó, đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến sinh kế của các hộ nông dân sản xuất nhỏ, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, làm tăng nguy cơ nhiều trẻ em rơi vào tình trạng lao động trẻ em.

FAO cho biết tổ chức này đang khuyến khích nỗ lực nâng cao thu nhập của các gia đình nông thôn để họ có đủ khả năng cho con đi học thay vì đi làm. Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc coi việc hỗ trợ thanh niên ở các vùng nông thôn là điều cần thiết, bằng cách tạo điều kiện để họ "chuẩn bị cho tương lai thông qua giáo dục phù hợp và phát triển kỹ năng", đồng thời tạo điều kiện để họ có cơ hội việc làm tốt./.

Khánh Linh (Theo UN, FAO)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực