|
Biểu trưng G20 Ả-rập Xê-út 2020 (Ảnh: bloombergquint) |
Hội nghị thượng đỉnh (HNTĐ) G20 sẽ diễn ra tại Ả-rập Xê-út trong các ngày 21-22/11/2020. Tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này, Lãnh đạo các nước sẽ tập trung thảo luận về hợp tác ứng phó dịch COVID-19, thương mại-đầu tư, kinh tế số và phát triển bền vững.
Tại HNTĐ G20 một số nội dung Ả-rập Xê-út ưu tiên thúc đẩy: Về tài chính - kinh tế toàn cầu: phối hợp xử lý các rủi ro do đại dịch COVID-19 gây ra và thúc đẩy các biện pháp phục hồi; nhấn mạnh sử dụng tất cả các công cụ chính sách hiện có để thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững, cân bằng và bao trùm; khẳng định tầm quan trọng của thị trường vốn, tăng cường năng lực kháng chịu của hệ thống tài chính; thúc đẩy tài chính số bao trùm, các thách thức về thuế trong kỷ nguyên số; quản lý nợ công minh bạch và bền vững.
Về đầu tư-thương mại: triển khai Kế hoạch hành động của G20 về hỗ trợ thương mại và đầu tư toàn cầu phục hồi trong và sau dịch COVID-19; thúc đẩy cải cách cần thiết của WTO thông qua “Sáng kiến Riyadh về các nguyên tắc chung cho tương lai của WTO”; thảo luận các chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME).
Về phát triển bền vững: thúc đẩy triển khai Khung tài chính cho phát triển bền vững và Kế hoạch hành động G20 về ứng phó khẩn cấp dịch COVID-19 tại châu Phi; tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng để hỗ trợ các nước kém phát triển; xây dựng kế hoạch tăng cường áp dụng công nghệ vào phát triển cơ sở hạ tầng (InfraTech).
Về kinh tế số: thúc đẩy thảo luận các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và đẩy nhanh các mô hình kinh doanh số để ứng phó dịch COVID-19; thúc đẩy cách tiếp cận “Trí tuệ nhân tạo tin cậy” lấy con người làm trung tâm; xây dựng các đô thị thông minh; tăng cường kết nối, đẩy nhanh phổ cập internet trên toàn cầu.
Về năng lượng, biến đổi khí hậu: xây dựng “nền kinh tế Các-bon tuần hoàn” (Circular Carbon Economy) nhằm xử lý vấn đề khí thải; thúc đẩy chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch, ổn định, an toàn, bền vững với chi phí hợp lý; duy trì đầu tư năng lượng bền vững và hợp tác chống nguy cơ tấn công mạng đối với hệ thống dữ liệu năng lượng.
Về nông nghiệp, nguồn nước và môi trường: bảo đảm an ninh lương thực và duy trì chuỗi cung ứng lương thực trong bối cảnh dịch COVID-19; tăng cường đầu tư có trách nhiệm vào cải thiện hệ thống lương thực và nông nghiệp; thúc đẩy đối thoại G20 về nguồn nước; nhấn mạnh xử lý vấn đề thoái hóa đất, bảo vệ hệ sinh thái san hô và giảm thiểu rác thải đại dương.
Về y tế: xây dựng gói ứng phó COVID-19 của G20 (21 tỷ USD) hỗ trợ các hoạt động xét nghiệm, nghiên cứu và phát triển thuốc điều trị, vắc-xin ngừa COVID-19 trên toàn cầu; thúc đẩy hệ thống y tế bền vững, có sức kháng chịu và lấy con người làm trung tâm; nâng cao năng lực chuẩn bị và ứng phó với dịch bệnh trong tương lai; đẩy nhanh nghiên cứu và phát triển các loại thuốc kháng sinh mới; bảo đảm chính sách an sinh xã hội cho mọi người dân trong bối cảnh COVID-19.
Về đào tạo, việc làm: tăng cường chia sẻ thực tiễn tốt và bài học kinh nghiệm trong duy trì hệ thống giáo dục dưới tác động của dịch COVID-19; tăng cường áp dụng công nghệ số ngay từ giai đoạn giáo dục mầm non (early childhood education) nhằm nâng cao chất lượng giáo dục; hỗ trợ người lao động chuyển đổi việc làm; kịp thời điều chỉnh hệ thống an sinh xã hội nhằm hỗ trợ người lao động chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.
Việt Nam được mời tham dự các Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Canada và Hàn Quốc vào năm 2010 với tư cách Chủ tịch ASEAN. Trên cương vị chủ nhà Năm APEC 2017, Việt Nam được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và các hoạt động liên quan trong năm Đức làm Chủ tịch.
Năm 2019, Nhật Bản mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 với tư cách khách mời. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại các phiên họp về đổi mới sáng tạo, khí hậu - môi trường và tích cực tham gia các hoạt động của Hội nghị. Thủ tướng đề nghị G20 thúc đẩy hình thành mạng lưới toàn cầu về chia sẻ dữ liệu biển- đại dương và tiến tới khuôn khổ toàn cầu về ngăn ngừa rác thải nhựa biển.
Năm 2020, Việt Nam được mời tham dự các hội nghị G20 tại Ả-rập Xê-út với tư cách Chủ tịch ASEAN. Chủ đề của G20 năm 2020 là “Hiện thực hóa các cơ hội trong thế kỷ 21 vì mọi người dân”, với 03 trọng tâm chính gồm: Trao quyền cho người dân; Bảo vệ hành tinh; Định hình các lĩnh vực mới. Dịch COVID-19 đã tác động nhiều đến chương trình nghị sự của G20 trong năm 2020.
Nước Chủ tịch Ả-rập Xê-út đã có điều chỉnh về chương trình nghị sự để thích ứng với tình hình mới, các hội nghị của G20 thời gian qua được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ngày 26/3, G20 tổ chức Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về ứng phó COVID-19. Việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự HNTĐ G20 trực tuyến đã khẳng định sự ủng hộ, tích cực hợp tác của Việt Nam và ASEAN đối với G20 và cộng đồng quốc tế trong chống dịch COVID-19, góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam là thành viên chủ động và đóng góp có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề chung toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự hai phiên thảo luận với các chủ đề: Vượt qua đại dịch, phục hồi tăng trưởng và việc làm; Xây dựng tương lai bền vững, bao trùm và có khả năng chống chịu.
Việc Việt Nam tham dự Hội nghị lần này với mục tiêu: Chuyển thông điệp về kết quả của Việt Nam trong ứng phó dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế, khẳng định hình ảnh phát triển năng động, khả năng thích ứng, cởi mở, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Thúc đẩy các nội dung phù hợp với lợi ích của Việt Nam, thể hiện tinh thần xây dựng và đóng góp tích cực, trách nhiệm vào các vấn đề quản trị kinh tế toàn cầu; Góp phần nâng cao hơn nữa vị thế và vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 và Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) - The Group of Twenty (G20)
G20 (Chữ G trong G20 là viết tắt của từ Group có nghĩa là “nhóm”) được thành lập theo sáng kiến của các bộ trưởng tài chính nhóm 7 nước có nền công nghiệp phát triển (G7) là Anh, Italia, Canada, Mỹ, Đức, Pháp và Nhật tại Hội nghị mở đầu diễn ra từ 15,16-12-1999 bàn cách đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và các vấn đề liên quan đến nền kinh tế toàn cầu. Đây là diễn đàn của 20 nền kinh tế lớn nhất trên thế giới.
G20 đại diện cho 85% nền kinh tế toàn cầu và hai phần ba dân số thế giới, với các thành viên chính gồm: G7, Liên minh châu Âu (EU) các nước Argentina, Úc, Brasil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Nga, Ảrập Saudi, Nam Phi, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiệm vụ chính của nhóm là thúc đẩy các cuộc thảo luận mang tính chất xây dựng cởi mở giữa các quốc gia công nghiệp và các quốc gia có nền kinh tế mới nổi về các vấn đề liên quan đến sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu. Bằng cách góp phần vào việc tăng cường cơ cấu tài chính quốc tế, tạo điều kiện đối thoại về các chính sách quốc gia, hợp tác quốc tế và các cơ quan tài chính quốc tế, nhóm này đã góp phần quan trọng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu.
|