|
Các bà mẹ di cư trong nước và con cái của họ tại Bang Borno, Nigeria. (Ảnh: UN) |
Báo cáo “Các điểm nóng về nạn đói” do Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) công bố kêu gọi hành động nhân đạo khẩn cấp tại 20 “điểm nóng”, nơi nạn đói nghiêm trọng dự kiến sẽ trầm trọng hơn trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2022, để cứu lấy các sự sống và sinh kế, đồng thời ngăn chặn nạn đói.
Báo cáo cảnh báo rằng cuộc xung đột tại Ukraine đã làm trầm trọng thêm tình trạng giá thực phẩm và năng lượng vốn đã tăng trên khắp thế giới, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế ở tất cả các khu vực. Các tác động dự báo sẽ đặc biệt khắc nghiệt khi bất ổn kinh tế và giá cả tăng cao kết hợp với sự sụt giảm sản lượng lương thực do các cú sốc khí hậu như hạn hán hoặc lũ lụt tái diễn.
Tổng Giám đốc FAO QU Dongyu cho biết: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về tác động tổng hợp của các cuộc khủng hoảng chồng chéo làm suy giảm khả năng sản xuất và tiếp cận lương thực của người dân, đẩy hàng triệu người tới mức độ mất an ninh lương thực nghiêm trọng. (…) Chúng tôi đang chạy đua với thời gian để giúp nông dân ở các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là tăng nhanh sản lượng lương thực tiềm năng và tăng cường khả năng phục hồi của họ trước những thách thức”.
Giám đốc điều hành WFP David Beasley cảnh báo: “Chúng ta đang phải đối mặt với một cơn bão dữ dội sẽ không chỉ ảnh hưởng đến những người nghèo nhất trong số những người nghèo - nó sẽ khiến hàng triệu gia đình bị choáng ngợp, những người mà cho đến nay hầu như không thể ngẩng cao đầu”.
Theo ông David Beasley, điều kiện hiện nay tồi tệ hơn nhiều so với Mùa xuân Ả Rập năm 2011 và cuộc khủng hoảng giá lương thực 2007-2008, khi 48 quốc gia bị rung chuyển bởi bất ổn chính trị, bạo loạn và biểu tình. “Chúng tôi đã thấy những gì đang xảy ra ở Indonesia, Pakistan, Peru và Sri Lanka - đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Chúng tôi có các giải pháp. Nhưng chúng ta phải hành động, và hành động nhanh chóng” – ông nói thêm.
Những kết luận chính
Báo cáo cho thấy rằng, cùng với xung đột, các cú sốc khí hậu thường xuyên và tái diễn tiếp tục gây ra nạn đói nghiêm trọng; đồng thời nhấn mạnh rằng chúng ta đã bước vào một "trạng thái bình thường mới" nơi hạn hán, lũ lụt, bão và lốc xoáy liên tục tàn phá nông nghiệp và chăn nuôi, khiến người dân phải di dời và đẩy hàng triệu người đến bờ vực ở các quốc gia trên thế giới.
Báo cáo cảnh báo rằng các xu hướng khí hậu đáng lo ngại liên quan đến La Niña kể từ cuối năm 2020 dự báo sẽ tiếp tục đến năm 2022, làm tăng nhu cầu nhân đạo và nạn đói trầm trọng. Một đợt hạn hán chưa từng có ở Đông Phi ảnh hưởng đến Somalia, Ethiopia và Kenya dẫn đến mùa thứ tư liên tiếp có lượng mưa dưới mức trung bình. Nam Sudan sẽ phải đối mặt với năm thứ 4 liên tiếp xảy ra lũ lụt quy mô lớn, có khả năng sẽ tiếp tục đẩy người dân ra khỏi nhà và tàn phá sản xuất cây trồng và vật nuôi.
Báo cáo cũng dự báo những trận mưa trên mức trung bình và nguy cơ lũ lụt cục bộ ở Sahel, một mùa bão dữ dội hơn ở Caribe và những trận mưa dưới mức trung bình ở Afghanistan - nơi vốn đã quay cuồng với nhiều mùa hạn hán, bạo lực và biến động chính trị.
Báo cáo cũng nhấn mạnh tính cấp bách của các điều kiện kinh tế vĩ mô không mấy khả quan ở một số quốc gia - do ảnh hưởng của thảm họa do đại dịch COVID-19 gây ra và trở nên trầm trọng hơn bởi sự biến động gần đây trên thị trường thực phẩm và năng lượng toàn cầu. Những điều kiện này dẫn đến thiệt hại đáng kể về thu nhập trong các cộng đồng nghèo nhất và làm căng thẳng khả năng của các chính phủ quốc gia trong việc tài trợ cho mạng lưới an sinh xã hội, các biện pháp hỗ trợ thu nhập và nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu.
Theo báo cáo, Ethiopia, Nigeria, Nam Sudan và Yemen vẫn trong tình trạng "báo động cao" là các điểm nóng với tình trạng thảm khốc, trong đó Afghanistan và Somalia nằm trong danh mục đáng lo ngại này kể từ khi báo cáo về các điểm nóng được công bố vào tháng 1/2022. 6 quốc gia này đều có bộ phận dân cư đối mặt với giai đoạn 'thảm khốc' của Phân loại Giai đoạn An ninh Lương thực Tích hợp (IPC 5) hoặc có nguy cơ suy thoái theo các điều kiện thảm khốc, với 750.000 người đang phải đối mặt với các điều kiện giống như nạn đói. 400.000 trong số đó ở vùng Tigray của Ethiopia - con số cao nhất được ghi nhận ở bất kỳ quốc gia nào kể từ nạn đói Somalia năm 2011.
Cộng hòa Dân chủ Congo, Haiti, Sahel, Sudan và Syria vẫn "rất lo ngại" về tình trạng tồi tệ ngày càng nghiêm trọng, như trong ấn bản trước của báo cáo này - trong đó Kenya lọt vào danh sách. Sri Lanka, các quốc gia ven biển Tây Phi (Benin, Cabo Verde và Guinea), Ukraine và Zimbabwe đã được thêm vào danh sách các quốc gia nóng, cùng với Angola, Lebanon, Madagascar và Mozambique tiếp tục là những điểm nóng về nạn đói.
Tăng cường hành động dự kiến để ngăn ngừa thảm họa
Báo cáo đưa ra các khuyến nghị cụ thể cho từng quốc gia về các ưu tiên đối với ứng phó nhân đạo tức thời để cứu lấy các sự sống, ngăn chặn nạn đói và bảo vệ sinh kế, cũng như các biện pháp chủ động.
Sự tham gia gần đây của G7 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hành động chủ động trong hỗ trợ nhân đạo và phát triển, đảm bảo rằng các mối nguy có thể dự đoán trước không biến thành thảm họa nhân đạo toàn diện.
FAO và WFP đã hợp tác để tăng quy mô và phạm vi của các hành động chủ động, nhằm bảo vệ các sự sống, an ninh lương thực và sinh kế của cộng đồng. Nguồn vốn nhân đạo linh hoạt cho phép FAO và WFP dự đoán các nhu cầu nhân đạo và cứu lấy các sự sống. Bằng chứng cho thấy cứ 1 USD được đầu tư cho các hành động dự kiến để bảo vệ cuộc sống và sinh kế, có thể tiết kiệm tới 7 USD để tránh thiệt hại cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thiên tai./.