Hạn chế sự nóng lên toàn cầu – "bây giờ hoặc không bao giờ"

Thứ ba, 05/04/2022 16:57
(ĐCSVN) – Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cảnh báo cần hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C “bây giờ hoặc không bao giờ” khi một báo cáo về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc mới công bố ngày 4/4 cho thấy lượng khí thải carbon độc hại từ năm 2010 đến năm 2019 cao chưa từng có trong lịch sử loài người, là bằng chứng cho thấy thế giới đang tiến nhanh đến thảm họa.
 Một cậu bé cố lấy được ít nước từ một con sông khô do hạn hán ở Somalia. (Ảnh: UN)

Phiên họp thứ 56 của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã thông qua Bản tóm tắt cho các nhà hoạch định chính sách (SPM) về đóng góp của Nhóm công tác III cho Chu kỳ đánh giá thứ sáu (AR6), có tiêu đề Giảm thiểu biến đổi khí hậu. Tài liệu này nêu bật những phát hiện chính của Bản tóm tắt dành cho các nhà hoạch định chính sách, phác thảo những điểm mới trong AR6 so với các báo cáo trước đó và cung cấp một số câu trả lời của chuyên gia.

Báo cáo của Nhóm công tác III (WGIII) xem xét các xu hướng phát thải hiện tại, mức độ nóng lên dự kiến trong tương lai và cách chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp để hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống 1,5°C vào năm 2100, phù hợp với các mục tiêu của Hiệp định Paris. Báo cáo xem xét các xu hướng trong phát thải ở các lĩnh vực như năng lượng, giao thông, nông nghiệp, tòa nhà và công nghiệp, và mức độ ấm lên dự kiến dựa trên mức độ cam kết chính sách hiện tại. Báo cáo cho thấy các hệ thống mang tính chuyển đổi có thể đảm bảo khí hậu an toàn hơn và nền kinh tế bền vững như thế nào.

Không hư cấu cũng không cường điệu

Trước những phát hiện mới nhất của IPCC, Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh các chính phủ trên thế giới cần đánh giá lại chính sách năng lượng của mình. Ông kêu gọi tất cả các quốc gia phải giảm mạnh việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, mở rộng khả năng tiếp cận điện năng, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tăng cường sử dụng các nhiên liệu thay thế, chẳng hạn như than 'hydro’.

Trong thông điệp trực tuyến được đưa ra, ông Guterres cho biết nếu không có hành động nhanh chóng nào được thực hiện thì một số thành phố lớn sẽ chìm trong nước. Ông cũng cảnh báo về "những đợt nắng nóng chưa từng có, những cơn bão kinh hoàng, tình trạng thiếu nước trên diện rộng và sự tuyệt chủng của một triệu loài động thực vật".

Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, đây “không phải là hư cấu cũng không phải cường điệu. Khoa học cho chúng ta biết đây là kết quả của các chính sách năng lượng hiện tại của chúng ta”. Các chuyên gia và nhà khoa học đang theo dõi “tình trạng ấm lên toàn cầu cao hơn gấp đôi giới hạn 1,5°C đã được thống nhất tại Paris vào năm 2015”.

Cung cấp bằng chứng khoa học để chứng minh cho đánh giá đáng lo ngại này, báo cáo của IPCC lưu ý rằng lượng phát thải khí nhà kính do hoạt động của con người đã tăng lên kể từ năm 2010 “trong tất cả các lĩnh vực chủ yếu trên thế giới”.

Vai trò của các thành phố

Theo các tác giả của báo cáo, tỷ lệ phát thải ngày càng tăng có thể là do các thành phố. Bên cạnh đó, thông tin cũng đáng lo ngại không kém, đó là mức giảm phát thải trong thập kỷ qua "thấp hơn mức tăng phát thải, do mức độ gia tăng của hoạt động toàn cầu trong ngành công nghiệp, cung cấp năng lượng, giao thông, nông nghiệp và các tòa nhà”.

Nhấn mạnh rằng vẫn có thể giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2030, IPCC kêu gọi các chính phủ đẩy mạnh hành động để giảm lượng khí thải.

Nhóm chuyên gia cũng hoan nghênh việc giảm đáng kể chi phí của các nguồn năng lượng tái tạo kể từ năm 2010, lên tới 85% đối với năng lượng mặt trời và năng lượng gió và pin.

Trong số các giải pháp bền vững và chống phát thải mà các chính phủ cung cấp, báo cáo của IPCC nhấn mạnh rằng việc xem xét lại hoạt động trong tương lai của các thành phố và các khu vực đô thị khác có thể góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

Mục tiêu giảm thiểu tác động này có thể đạt được thông qua việc giảm tiêu thụ năng lượng (ví dụ bằng cách tạo ra các thành phố nhỏ gọn và có thể đi bộ được), điện khí hóa phương tiện giao thông kết hợp với các nguồn năng lượng phát thải thấp, hấp thụ và lưu trữ carbon tốt hơn bằng cách sử dụng tự nhiên.

Đưa ra thông điệp này, Đồng Chủ tịch Nhóm Công tác III của IPCC Priyadarshi Shukla nhấn mạnh rằng “các chính sách, cơ sở hạ tầng và công nghệ phù hợp… để cho phép thay đổi lối sống và hành vi của chúng ta, có thể dẫn đến giảm 40 – 70% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2050”. “Bằng chứng cũng cho thấy những thay đổi lối sống này có thể cải thiện sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta” – ông nói thêm.

Khuyến khích hành động vì khí hậu

Chủ tịch IPCC Hoesung Lee cho biết “chúng ta đang ở ngã tư đường”, đồng thời lưu ý các biện pháp khí hậu được thực hiện ở nhiều quốc gia, trong đó có nhiều chính sách, quy định và công cụ thị trường đang tỏ ra hiệu quả. “Nếu những điều này được nhân rộng và áp dụng rộng rãi và công bằng hơn, chúng có thể hỗ trợ giảm phát thải sâu và thúc đẩy đổi mới” – ông nhấn mạnh.

Để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức khoảng 1,5°C, báo cáo của IPCC khẳng định rằng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu cần đạt đỉnh "chậm nhất là vào năm 2025 và giảm 43% vào năm 2030". Các tác giả của báo cáo tiếp tục cho biết thêm rằng ngay cả khi đạt được mục tiêu này, thì "gần như không thể tránh khỏi rằng chúng ta sẽ tạm thời vượt quá ngưỡng nhiệt độ này", ngay cả khi thế giới "có thể trở lại dưới mức vào cuối thế kỷ".

“Bây giờ hoặc không bao giờ nếu chúng ta muốn hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C” – ông Jim Skea, đồng chủ tịch Nhóm công tác III của IPCC, nêu rõ, đồng thời nhấn mạnh nếu không giảm phát thải ngay lập tức trên tất cả các lĩnh vực thì điều này sẽ không thể thực hiện được.

Báo cáo của IPCC cho biết nhiệt độ toàn cầu sẽ ổn định khi lượng khí thải carbon dioxide đạt tới mức 0. Đối với mục tiêu 1,5°C, điều này có nghĩa là đạt được mức phát thải carbon dioxide ròng bằng 0 trên toàn cầu vào đầu những năm 2050; ở mức 2°C, đó là vào đầu những năm 2070. "Đánh giá này cho thấy rằng việc hạn chế sự nóng lên ở mức khoảng 2°C vẫn đòi hỏi lượng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu phải đạt mức đỉnh điểm muộn nhất là vào năm 2025 và phải cắt giảm 1/4 vào năm 2030"./.

Khánh Linh (Theo UN, AFP, Maxisciences)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực