|
Các nhân viên cứu trợ nhân đạo nỗ lực cung cấp viện trợ khẩn cấp và trong dài hạn dành cho các cộng đồng bị ảnh hưởng. (Ảnh: UN) |
Ngày Nhân đạo Thế giới đã được chọn bởi sự kiện xảy ra cách đây 18 năm (19/8/2003): Văn phòng của Liên hợp quốc tại Iraq đã bị ném bom khiến 22 người thiệt mạng, trong số đó có ông Sergio Viera de Mello, Cao ủy về quyền con người của Liên hợp quốc và đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc tại Iraq vào thời kỳ đó.
Ngày Nhân đạo Thế giới là dịp để tôn vinh những người đã mất hoặc bị thương trong khi hỗ trợ những người có nhu cầu, cũng như những người đang tiếp tục xoa dịu đau khổ và sẻ chia khó khăn với hàng triệu người trên thế giới. Ngày kỷ niệm này cũng đồng thời thu hút tất cả mọi người quan tâm hơn nữa đến các nhu cầu nhân đạo trên toàn thế giới và tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong việc đáp ứng các nhu cầu nhân đạo.
Mỗi năm, các thảm họa tự nhiên là nguyên nhân gây ra nhiều tổn thất to lớn cho hàng triệu người – những người nghèo nhất trên thế giới nói chung, đặc biệt là các cá nhân bị thiệt thòi nhất và dễ bị tổn thương.
Không những thế, trong hai năm trở lại đây, đại dịch COVID-19 đã và đang bùng phát, ảnh hưởng nặng nề tới mọi người dân trên thế giới. Do hậu quả của đại dịch, các nhân viên cứu trợ đã phải vượt qua các rào cản tiếp cận chưa từng có để mang lại sự hỗ trợ cứu sống cho những người bị khủng hoảng nhân đạo ở 54 quốc gia.
Các nhân viên cứu trợ nhân đạo đã, đang và sẽ nỗ lực hàng ngày hàng giờ để cung cấp viện trợ khẩn cấp và trong dài hạn dành cho các cộng đồng bị ảnh hưởng, dù họ ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, không phân biệt quốc tịch, nhóm xã hội, tôn giáo, giới tính, sắc tộc hay bất kỳ một yếu tố khác. Những nhân viên cứu trợ nhân đạo phải được tôn trọng, và có thể tiếp cận với những người cần cứu trợ để tiến hành trợ giúp.
Theo Liên hợp quốc, viện trợ nhân đạo được xác lập theo các nguyên tắc: Nhân đạo, công bằng, trung lập và độc lập. Tất cả mọi người đều có thể là một nhân viên cứu trợ nhân đạo. Những người bị ảnh hưởng bởi các thảm họa thường là những người đầu tiên trợ giúp cộng đồng của họ sau một thảm họa.
Đối phó với tình trạng khẩn cấp chỉ là một khía cạnh của công việc nhân đạo. Các nhân viên cứu trợ nhân đạo cũng tiến hành hỗ trợ các cộng đồng để tái thiết cuộc sống sau thảm họa, từ đó có thể tăng cường khả năng ứng phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai, để bảo đảm rằng tiếng nói của họ được lắng nghe, và để xây dựng một nền hòa bình lâu dài và bền vững tại các khu vực xung đột.
|
Hàng nghìn người bị mất nhà cửa do trận động đất xảy ra ngày 14/8/2021 tại Haiti. (Ảnh: LePoint) |
Hành động vì khí hậu trong tình đoàn kết với những người nghèo nhất
Tình trạng khẩn cấp về khí hậu đang tàn phá khắp thế giới một cách không cân xứng trên quy mô mà các nhân viên cứu trợ nhân đạo tuyến đầu và cộng đồng nhân đạo nói chung không thể xử lý. Thời gian không còn nhiều đối với những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới - những người đã đóng góp ít nhất vào tình trạng khẩn cấp khí hậu toàn cầu nhưng vẫn bị ảnh hưởng nặng nề nhất - cũng như đối với hàng triệu người khác đã mất nhà cửa, phương tiện sinh hoạt và cuộc sống của họ.
Hầu hết các chiến dịch hành động vì khí hậu hiện tập trung vào việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và bảo đảm tương lai của hành tinh. Trong bối cảnh đó, Ngày Nhân đạo Thế giới năm 2021 nêu bật những hậu quả trước mắt của tình trạng khẩn cấp về khí hậu đối với những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới; đồng thời bảo đảm rằng tiếng nói của họ được lắng nghe và nhu cầu của họ được xem xét trong chương trình nghị sự của Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (PC26), sẽ được tổ chức tại Glasgow, Scotland vào tháng 11 tới đây.
Trong thông điệp đưa ra nhân ngày kỷ niệm này, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết: Các nhân viên nhân đạo ở đó để giúp đỡ những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất khi thiên tai xảy ra. Nhưng trên khắp thế giới, những người hoạt động nhân đạo đang phải đối mặt với các mối đe dọa ngày càng tăng. Trong 20 năm qua, các vụ xả súng, bắt cóc và các vụ tấn công khác nhằm vào các tổ chức cứu trợ đã tăng gấp 10 lần và chỉ tính riêng trong năm nay, ít nhất 72 nhân viên cứu trợ đã thiệt mạng tại các khu vực xung đột.
Theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, Ngày Nhân đạo Thế giới là thời điểm để tôn vinh những người làm công tác nhân đạo trên toàn thế giới và cam kết làm tất cả những gì chúng ta có thể để bảo vệ họ và công việc quan trọng mà họ làm. Chiến dịch năm nay tập trung vào cuộc khủng hoảng khí hậu đe dọa nhà cửa, sinh kế và cuộc sống của những người thuộc nhóm nghèo nhất thế giới.
Nhân ngày kỷ niệm này, Tổng thư ký Antonio Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng hành động vì khí hậu của chúng ta, không để ai bị bỏ lại phía sau. “Tình trạng khẩn cấp về khí hậu là một cuộc chạy đua mà chúng ta đang thua. Nhưng cuộc đua này, chúng ta có thể và chúng ta phải chiến thắng nó. Sẵn sàng? Hãy tham gia Cuộc đua vì nhân loại và cùng nhau bảo đảm mọi người đều vượt qua vạch đích” – ông nêu rõ.
Theo đánh giá của Liên hợp quốc, năm 2021, 235 triệu người sẽ cần hỗ trợ nhân đạo và bảo vệ. Con số này hiện tương đương với tỷ lệ 1 trong 33 người trên toàn thế giới - một sự gia tăng đáng kể so với tỷ lệ 1 trong 45 được đánh giá vào năm 2020, vốn đã là tỷ lệ cao nhất trong nhiều thập kỷ. Liên hợp quốc và các tổ chức đối tác đặt mục tiêu hỗ trợ 160 triệu người trong số những người có nhu cầu cao nhất ở 56 quốc gia, và đòi hỏi cần có nguồn tài trợ 35 tỷ USD. |