|
Các thành viên phái đoàn Nga (trái) và Ukraine tại vòng đàm phán ở vùng Gomel, Belarus, ngày 28/2 (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đang ở tuần thứ ba và chưa thấy dấu hiệu hạ nhiệt. Nga và Ukraine đã trải qua 4 vòng đàm phán, song chưa có bước đột phá đáng kể. Những thiệt hại về tính mạng của binh sĩ hai bên và một bộ phận dân thường, cơ sở hạ tầng quân sự là vô cùng lớn.
Ngày 13/3, Ukraine công bố khoảng 1.300 quân nhân và hàng trăm dân thường Ukraine đã thiệt mạng sau hơn hai tuần chiến sự. Trước đó, ngày 3/3, Bộ Quốc phòng Nga công bố 498 quân nhân nước này tử trận và gần 1.600 người bị thương trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Ukraine đối mặt với khủng hoảng nhân đạo khi hơn 2 triệu người rời bỏ nhà cửa, vượt qua biên giới, tỏa sang các nước láng giềng lân cận nhằm tìm chỗ trú ẩn an toàn. Các chuyên gia của Liên hợp quốc đã dự báo rằng con số này có thể lên tới 4 triệu người. Các nước tiếp nhận người tị nạn cũng đối mặt với thách thức về các vấn đề xã hội, khi phải huy động các nguồn lực để hỗ trợ người tị nạn sớm ổn định cuộc sống, an sinh xã hội và việc làm.
“Cú sốc” kinh tế
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây làm rúng động kinh tế Nga, đồng Rube mất tới 30% giá trị so với USD. Lạm phát tăng lên mức 9,15% trong tháng 2. Giá cả leo thang, thị trường tài chính hỗn loạn. Các doanh nghiệp Nga gặp khó khăn trong việc đảm bảo tài chính cho các hợp đồng bán dầu thô và các sản phẩm liên quan đến dầu; sản xuất máy bay, bảo hiểm và bảo trì các hãng hàng không…
Dựa trên mô hình tính toán, các chuyên gia Viện Kinh tế Thế giới ở Kiel (Đức) cho rằng cuộc chiến kinh tế sẽ khiến Nga phải trả giá đắt, và càng kéo dài, Nga sẽ càng chịu nhiều thiệt hại. Theo tính toán của họ, các lệnh trừng phạt có khả năng làm suy giảm nền kinh tế Nga hàng năm tới gần 10%.
Mặc dù Nga đã sử dụng các biện pháp giảm thiểu hậu quả trừng phạt. Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng thừa nhận nền kinh tế Nga đang gặp chấn động và để lại những hậu quả tiêu cực. Ông cho biết, “đây là điều chưa từng có, chưa từng có cuộc chiến kinh tế nào chống lại Nga như thế. Rất khó để dự đoán”.
Theo một tính toán, xung đột với Nga khiến kinh tế Ukraine thiệt hại gần 120 tỷ USD. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo ngay cả trong trường hợp cuộc xung đột sớm được giải quyết, Ukraine vẫn bị sụt giảm 10% sản lượng trong năm nay; nếu xung đột kéo dài, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Xung đột Nga-Ukraine, kéo theo các lệnh trừng phạt tạo ra nhiều rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu, làm rối loạn thị trường tài chính. Giá năng lượng tăng cao làm tổn hại người tiêu dùng, khủng hoảng năng lượng toàn diện có thể dẫn đến suy thoái toàn cầu. Brenda Shaffer, chuyên gia về năng lượng cho rằng việc loại bỏ Nga khỏi các thị trường sẽ gây ra “một cú sốc lớn” đối với giá dầu toàn cầu và nền kinh tế thế giới.
Trong vòng 12 tháng tới Mỹ và châu Âu không thể thay thế hoàn toàn nguồn cung cấp dầu khí của Nga. Một số ngành sản xuất ở châu Âu bắt đầu khó khăn vì thiếu nguồn nguyên liệu vốn được nhập từ Nga hay Ukraine. Trong số này, phải kể đến các nguyên liệu là kim loại như quặng sắt, alumin, và một số kim loại hiếm.
Các chuỗi cung ứng toàn cầu có thể rơi vào tình trạng hỗn loạn hơn nữa; lạm phát tăng và thị trường chứng khoán ảm đạm. Giá lương thực, thực phẩm toàn cầu có nguy cơ bị đẩy tăng cao. Lệnh cấm bay áp đặt đối với Nga và phản ứng đáp trả của Moscow đang tác động tiêu cực đến ngành hàng không và du lịch toàn cầu. Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2022 đang được điều chỉnh giảm.
Thay đổi địa chính trị
Chiến địch quân sự của Nga tại Ukraine khiến các nước Liên minh châu Âu (EU) đoàn kết với nhau hơn. Lần đầu tiên, khối này quyết định cung cấp tài chính để tài trợ vũ khí cho Ukraine. Đức sau nhiều năm theo đuổi chính sách tránh can dự, cũng đã quyết định gửi vũ khí cho Ukraine.
Thụy Điển và Phần Lan đã thay đổi lập trường xem xét việc gia nhập NATO. Một cuộc thăm dò dư luận ở Thụy Điển ngày 25/2 cho thấy, có tới 41% số người được hỏi ủng hộ nước này gia nhập NATO, chỉ có 35% phản đối. Từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, tỷ lệ ủng hộ thường ở mức 35%.
Tại Phần Lan, một cuộc thăm dò ngày 25/2, có tới 53% số người được hỏi ủng hộ gia nhập NATO. Năm 2017, các cuộc thăm dò chỉ có 19% muốn Phần Lan gia nhập NATO và tỷ lệ này tương đối ổn định. Trong khi đó, vào đầu tháng 3, Moldova và Georgia cũng nộp đơn xin gia nhập EU.
Việc một số quốc gia có nguyện vọng gia nhập EU và NATO, khiến châu Âu đứng trước bài toán hết sức phức tạp, đó là làm thế nào để cân bằng giữa việc đối phó với Nga, bảo vệ an ninh, các nguyên tắc của liên minh, nhưng giữ cho châu Âu tránh khỏi cú sốc kinh tế-xã hội. Khả năng mở rộng nhanh chóng của EU và NATO có thể đẩy châu Âu đến bờ vực của một cuộc chiến toàn diện.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng cho thấy sự tiếp tục đối đầu căng thẳng giữa Nga với Mỹ và EU. Theo Carl Schuster, cựu giám đốc điều hành tại Trung tâm Tình báo Liên quân thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, sẽ xuất hiện một cuộc Chiến tranh Lạnh mới ở châu Âu từ bầu không khí căng thẳng và bất ổn chưa từng thấy hiện nay.
Mỹ cũng đang đối mặt với áp lực phải thay đổi chính sách đối ngoại cũng như làm thay đổi tính toán chiến lược của nước này. Nếu như trước đó, Mỹ ưu tiên tập hợp các liên minh để đối phó với Trung Quốc, thì nay cùng một lúc phải đối phó với cả Nga và Trung Quốc.
Các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông, kể cả Israel, không lên tiếng ủng hộ Washington trong việc lên án Nga tấn công Ukraine và trừng phạt nước này. Ấn Độ-một đối tác của Mỹ trong nhóm “Bộ tứ” đã từ chối chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga do mối quan hệ an ninh hàng thập kỷ qua với Moscow.
Chạy đua vũ trang
Nhiều quốc gia phương Tây đã quyết định tăng ngân sách và chi tiêu quốc phòng sau khi chiến sự Nga-Ukraine xảy ra. Chính phủ Đức sẽ đầu tư ngay 115 tỷ USD vào lĩnh vực vũ khí và chi tiêu quân sự của nước này sẽ vượt qua mức mục tiêu 2% GDP do NATO đặt ra (năm 2021 là 1,53%). Ông Olaf Scholz, tuyên bố: “Chúng ta cần đầu tư nhiều hơn nữa để đảm bảo an ninh của đất nước”.
|
Tổng thống Nga Putin họp với Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu (trái) và Tổng Tham mưu trưởng Gerasimov (Ảnh: Getty Images )
|
Romania sẽ đẩy chi tiêu quốc phòng từ mức 2% GDP lên 2,5% GDP. Ba Lan thông báo tăng con số này lên 3%. Latvia có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng lên 2,5% GDP vào năm 2025. Thủ tướng Italia Mario Draghi kêu gọi tăng chi tiêu cho quân đội, vốn từ lâu chỉ nằm ở mức 1,3% GDP. Thụy Điển muốn tăng cường khả năng quân sự. Phần Lan cũng có nhiều dấu hiệu tăng ngân sách quốc phòng sau động thái quân sự của Nga.
Việc kích hoạt các lực lượng hạt nhân của Nga được cho là nỗ lực nhằm tăng áp lực cho các đối thủ, nhưng lại gây lo ngại trên khắp thế giới và ảnh hưởng tới nỗ lực chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Các cuộc thảo luận Nga và Mỹ khó có thể nối lại trong thời gian tới. Đồng thời, một số quốc gia có thể tính toán giữ lại kho vũ khí hạt nhân./.