Trong 6 năm xung đột ở Syria, việc tiếp cận với các dịch vụ y tế của người dân thường
đã xấu đi nghiêm trọng (Ảnh: WHO).
Theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, trước hết, cần tuân thủ tốt nhất lệnh ngừng bắn ngày 30/12/2016 được các bên tham dự hội nghị Astana thiết lập, cải thiện hơn nữa và để cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo có thể tới được những người đang cần tại Syria mà không có rào cản và trở ngại nào.
Thêm vào đó, “tất cả những người có ảnh hưởng đối với các bên trong cuộc xung đột phải nỗ lực để vượt qua khác biệt và làm việc cùng nhau nhằm chấm dứt xung đột" – Tổng thư ký nói thêm. "Điều này đồng nghĩa với việc đóng góp vào sự thành công của các cuộc đàm phán về Syria tại Geneva trên cơ sở báo cáo kết quả Geneva và các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an, trong đó có nghị quyết 2254 (2015)".
Ông Guterres một lần nữa nhấn mạnh rằng, kể từ 6 năm qua, người dân Syria đã luôn là nạn nhân của một trong những cuộc xung đột tồi tệ nhất của thời đại chúng ta. "Hòa bình ở Syria là một đòi hỏi cấp bách về đạo đức và chính trị cho cả người dân Syria và thế giới – một đòi hỏi cấp bách không thể chờ đợi" – ông nêu rõ.
13,5 triệu người ở Syria đang rất cần trợ giúp nhân đạo
Theo Trợ lý Tổng thư ký về các vấn đề nhân đạo và điều phối viên cứu trợ khẩn cấp Stephen O'Brien, những tổn thất mà dân thường phải chịu đựng kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào tháng 3/2011 là không thể tha thứ. "Hàng trăm nghìn người đã bị giết chết. Gần 5 triệu người – chủ yếu là phụ nữ và trẻ em – đã phải chạy trốn khỏi bạo lực, thiếu thốn và hiện đang sống như người tị nạn" – ông O'Brien cho biết trong một tuyên bố, đồng thời lưu ý rằng, rất nhiều trong số những người thực hiện hành trình đầy nguy hiểm để thoát khỏi chiến tranh đã bị chết trên đường đi.
Ngoài ra, theo Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), 13,5 triệu người ở Syria đang có nhu cầu cấp bách cần được hỗ trợ nhân đạo, trong đó có hơn 6 triệu người phải di dời trong nước. Các gia đình và toàn thể cộng đồng đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu lương thực thiết yếu nhất.
Trong khi tình trạng thiếu lương thực ngày càng trở nên trầm trọng thì các vụ đánh bom và đạn pháo tiếp tục xảy ra, cướp đi nhiều sự sống. Tổng thư ký Liên hợp quốc đặc biệt lên án tình trạng này, đồng thời lưu ý rằng, một thế hệ trẻ em ở Syria đã phải sống trong sợ hãi và xung đột bạo lực.
Trong bối cảnh đó, theo ông O’Brien, “cuộc xung đột sẽ không thể chấm dứt nếu không có một cam kết chính trị thực sự ủng hộ hòa bình. Tuy nhiên, ngay cả nếu một thỏa thuận chính trị được kết luận vào ngày mai thì hàng triệu người Syria vẫn sẽ cần viện trợ nhân đạo trong nhiều tháng và năm sắp tới”.
Điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của Liên hợp quốc bày tỏ mong muốn rằng, năm 2017 sẽ là năm kết thúc cuộc tàn sát, viện trợ nhân đạo được tiếp cận một cách tự do cùng với thúc đẩy công cuộc tái thiết.
Hơn 2/3 số cuộc tấn công vào cơ sở y tế trên thế giới xảy ra tại Syria
Trong một tuyên bố được đưa ra, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, việc tiếp cận với các dịch vụ y tế của người dân thường Syria đã xấu đi nghiêm trọng trong 6 năm qua. Theo tổ chức này, hơn một nửa các bệnh viện công và các trung tâm sức khỏe ban đầu trên cả đất nước Syria đã phải đóng cửa hoặc chỉ hoạt động một phần; gần 2/3 số nhân viên y tế đã bỏ chạy và nhiều cơ sở y tế mở cửa song không có nước, điện, vật tư y tế và phẫu thuật đầy đủ.
Việc tiếp cận với các dịch vụ y tế đang hoạt động đã trở thành một thách thức đối với hầu hết mọi người ở Syria, dù đang sống ở đâu. Bất chấp lệnh ngừng bắn hiện tại, WHO và các đối tác vẫn chưa thể tiếp cận thường xuyên với cộng đồng ở những khu vực khó tiếp cận. Ngoài ra, các dữ liệu mới nhất cho thấy trong năm 2016, hơn 2/3 các cuộc tấn công vào những cơ sở chăm sóc sức khỏe trên thế giới đã xảy ra ở Syria.
Tiến sĩ Peter Salama - Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO nhấn mạnh, nhu cầu được chăm sóc sức khỏe tại Syria là rất lớn song lại không được đáp ứng. Những nguồn lực cần thiết để hỗ trợ các nhân viên y tế và hệ thống y tế bị suy giảm đến giới hạn. Nhiều rào cản tiếp cận vẫn còn tồn tại, trong đó có các mối đe dọa an ninh đối với sức khỏe của người lao động và sự thiếu hụt các loại thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.
Vào thời điểm đánh dấu cuộc chiến tranh tại Syria bước vào năm thứ 7 liên tiếp với vô số những tổn thất, Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi tiếp cận một cách có hệ thống và không bị cản trở với tất cả các khu vực để phân phát thuốc men, các loại vaccin và trang thiết bị, vật tư y tế nhằm cứu lấy các sự sống.
Trong một diễn biến có liên quan khác, sau 2 ngày đàm phán, các nước bảo trợ lệnh ngừng bắn tại Syria (Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran) đã thông qua tuyên bố chung khẳng định tiếp tục củng cố lệnh ngừng bắn, đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa của các vòng đàm phán hòa bình tại Astana. Các bên quyết định tổ chức vòng đàm phán cấp cao tiếp theo tại Astana vào ngày 3 – 4/5 và tiến hành tham vấn trước ở cấp chuyên gia tại Tehran (Iran) trong các ngày 18 –19/4./.