Tại cuộc họp cấp Bộ trưởng do Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar chủ trì - nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an vào tháng 8, các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nghe báo cáo của Phó Tổng Thư ký phụ trách Văn phòng Chống khủng bố của Liên hợp quốc (UNOCT) Vladimir Voronkov và Trợ lý Tổng thư ký kiêm Giám đốc Cơ quan điều hành chống khủng bố (CTED) Michèle Coninsx. Các báo cáo viên chỉ ra thách thức thường trực đối với hòa bình, an ninh quốc tế từ hoạt động của IS trong thời gian vừa qua.
Trong tuyên bố báo chí đưa ra sau cuộc họp, Hội đồng Bảo an lưu ý với mối quan ngại sâu sắc rằng, tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant (ISIL/Daesh) và các nhóm khủng bố khác tiếp tục hoành hành, cả trực tuyến và ngoại tuyến, gây ra sự gián đoạn, bất bình và làm giảm những tiến triển liên quan đến đại dịch COVID-19 và ISIL "có thể lấy lại khả năng phát động hoặc dàn dựng các cuộc tấn công khủng bố quốc tế".
|
Cuộc họp về chống khủng bố của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Ảnh: UN) |
Ảnh hưởng ngày càng tăng ở châu Phi
Các thành viên của Hội đồng Bảo an bày tỏ lo ngại về "sự mở rộng đáng báo động của ISIL ở nhiều khu vực, trong đó có châu Phi, và nhận thấy rằng ảnh hưởng ngày càng tăng của ISIL ở châu Phi có thể có những tác động sâu rộng đối với hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực".
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bày tỏ sự lo lắng khi chứng kiến các cuộc tấn công liên tục vào dân thường, thị trấn và trại quân sự của các chi nhánh ISIL trong khu vực như IS ở tỉnh Tây Phi (ISWAP), IS ở Greater Sahara (ISGS) và IS ở Trung Phi, đồng thời lo ngại về sự hiện diện và mối đe dọa của ISIL-Khorasan.
Hội đồng Bảo an nhấn mạnh “tầm quan trọng của một cách tiếp cận toàn diện để chống lại chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực có lợi cho chủ nghĩa khủng bố, được thực hiện phù hợp với luật pháp quốc tế hiện hành, cùng những nỗ lực giải quyết các khía cạnh quản trị, an ninh, nhân quyền, viện trợ nhân đạo, phát triển, cũng như các khía cạnh kinh tế - xã hội của thách thức này, đặc biệt là việc làm cho thanh niên và xóa nghèo”.
Các thành viên Hội đồng bày tỏ lo ngại về việc ISIL và các nhà tài trợ của tổ chức khủng bố này ngày càng sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), bao gồm các công nghệ mới nổi, chẳng hạn như tài sản ảo và các phương tiện giao dịch tiền tệ hoặc tài chính ẩn danh khác. Hội đồng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế để ngăn chặn và chống lại việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông cho các mục đích khủng bố.
Các thành viên Hội đồng Bảo an kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên đáp ứng các nghĩa vụ của mình hình sự hóa việc tài trợ cho khủng bố, cũng như tăng cường năng lực của hệ thống quản lý và giám sát tài chính nhằm tước đi không gian cần thiết để hoạt động và gây quỹ của ISIL cũng như các nhà tài chính của chúng.
Cần một phản hồi toàn cầu
Liên quan đến sự mở rộng của ISIL ở châu Phi, ông Vladimir Voronkov giải thích với Hội đồng Bảo an trong cuộc họp rằng nhóm khủng bố này đã lan rộng từ Mali đến Burkina Faso và Niger, với các cuộc tấn công từ Nigeria đến Niger, Chad, Cameroon, và Mozambican xâm nhập vào Tanzania. Ông nói: “Cần phải có một phản ứng toàn cầu khẩn cấp để hỗ trợ nỗ lực của các nước châu Phi và các tổ chức khu vực nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố”.
Về vấn đề Afghanistan, ông Vladimir Voronkov lưu ý rằng tình hình đang phát triển nhanh chóng có thể có những tác động sâu rộng đến hòa bình và an ninh thế giới. Ông đã lặp lại lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên hợp quốc vốn từng được đưa ra hôm 16/8 tới Hội đồng Bảo an sử dụng tất cả các công cụ nhằm ngăn chặn Afghanistan bị sử dụng như một nền tảng hoặc nơi ẩn náu của chủ nghĩa khủng bố.
Trên toàn cầu, theo Phó Tổng Thư ký phụ trách Văn phòng Chống khủng bố của Liên hợp quốc Vladimir Voronkov, mối đe dọa do ISIL gây ra đối với hòa bình và an ninh quốc tế vẫn đáng kể và liên tục trong 6 tháng qua, làm dấy lên những lo ngại quốc tế nghiêm trọng.
Ông nhấn mạnh: ISIL đã tiếp tục khai thác sự gián đoạn, bất bình và thất bại trong phát triển do đại dịch gây ra để tập hợp, tuyển mộ những phần tử mới và mở rộng quy mô hoạt động cả trực tuyến và trong địa bàn. Lực lượng nòng cốt của nó ở Iraq và Syria vẫn có quyền truy cập vào nguồn dự trữ tài chính tiềm ẩn lớn, ước tính từ 25 - 50 triệu USD. ISIL đã phân cấp hơn nữa việc quản trị của chúng. Ngoài ra, quyền tự chủ, năng lực và sự tự tin bổ sung mà các chi nhánh trong khu vực có được có thể mang đến cho cả tổ chức khủng bố này những lựa chọn mới, đặc biệt là để dàn dựng các cuộc tấn công quốc tế.
Số phận của những công dân nước ngoài mắc kẹt trong các trại ở Iraq và Syria
Về phần mình, Trợ lý Tổng thư ký kiêm Giám đốc Cơ quan điều hành chống khủng bố (CTED) Michèle Coninsx bày tỏ quan ngại trước tình hình thảm khốc mà những người - chủ yếu là phụ nữ và trẻ em - phải đối mặt với cáo buộc có liên hệ với ISIL và bị giam giữ trong các trại ở Iraq và Syria.
Theo bà, mặc dù các tổ chức của Liên hợp quốc tiếp tục thúc đẩy sự trở về an toàn, tự nguyện và tôn trọng quyền con người của công dân nước ngoài từ Iraq và Syria, song nhiều người vẫn bị mắc kẹt trong các trại quá đông và hạn chế tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu, đúng thủ tục và xét xử công bằng.
Về vấn đề này, ông Vladimir Voronkov nhắc lại lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên hợp quốc đối với các nước thành viên "về sự tự nguyện hồi hương của tất cả những người liên quan, đặc biệt chú ý đến trẻ em, phù hợp với luật pháp quốc tế và với sự đồng ý của các chính phủ liên quan".
Việt Nam kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế đối phó với nguy cơ khủng bố
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Phạm Hải Anh, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, đề cao hợp tác quốc tế và đoàn kết nhằm có các giải pháp hiệu quả trong chống khủng bố trước mối đe dọa nghiêm trọng từ hoạt động của ISIL thời gian vừa qua.
Đại sứ Phạm Hải Anh nhấn mạnh cần thúc đẩy các biện pháp chống khủng bố một cách toàn diện và bảo đảm các nỗ lực chung phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Đại sứ nhấn mạnh việc Hội đồng Bảo an cần sử dụng hiệu quả các công cụ sẵn có nhằm đẩy lùi các mối đe dọa từ khủng bố, trong đó cần quan tâm tới việc khủng bố sử dụng các công nghệ mới để tạo nguồn tài chính, tuyển mộ và gia tăng hoạt động./.