Hội đồng Bảo an LHQ quan ngại về tình hình an ninh của Tây Phi

Thứ tư, 18/08/2021 14:53
(ĐCSVN) – Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ngày 17/8, đã bày tỏ quan ngại trước tình trạng an ninh xấu đi tại một số quốc gia ở Tây Phi và khu vực Sahel, do gia tăng chủ nghĩa khủng bố ở Sahel và lưu vực Hồ Chad, cũng như khắp khu vực Tây Phi.

 

 Các gia đình phải rời bỏ nhà cửa ở Burkina Faso do xung đột đã tìm thấy nơi ẩn náu trong một trại ở Ouahigouya. (Ảnh: UN)

Trong một tuyên bố được đưa ra, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng bày tỏ quan ngại về sự gia tăng nạn cướp biển ở Vịnh Guinea và khuyến khích tiếp tục các nỗ lực ở cấp quốc gia và khu vực để chống lại những mối đe dọa này.

Ngoài ra, các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng lo lắng về những hành động bạo lực do các chủ thể phi nhà nước thực hiện, cản trở sự trở lại của cơ quan quyền lực nhà nước, khôi phục các dịch vụ xã hội cơ bản và khôi phục chế độ pháp quyền ở một số khu vực tại Tây Phi.

Hội đồng Bảo an "lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công liên tiếp trong khu vực nhằm vào dân thường, đại diện của các tổ chức địa phương, khu vực và nhà nước, cũng như các lực lượng an ninh quốc gia, quốc tế và Liên hợp quốc"; đồng thời khẳng định sự cần thiết phải bảo đảm rằng những đối tượng vi phạm nhân quyền và luật pháp quốc tế phải trả giá cho các hành động của mình. Các thành viên Hội đồng cũng nhắc lại "sự lên án mạnh mẽ đối với các cuộc tấn công và đe dọa tấn công nhắm vào trường học, trẻ em và nhân viên giáo dục,  trong đó có cả các vụ bắt cóc gần đây ở Nigeria".

Theo các thành viên Hội đồng Bảo an, điều quan trọng là phải loại bỏ các điều kiện cơ bản có lợi cho sự lây lan của chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực có thể dẫn đến khủng bố ở châu Phi, trong đó có thể tiến hành bằng cách đảm bảo tái thiết và phục hồi quốc gia, tăng cường quản trị tốt và tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội ở châu Phi. Các thành viên Hội đồng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và có ý nghĩa của phụ nữ vào việc duy trì hòa bình và an ninh.

Tác hại của biến đổi khí hậu

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bày tỏ lo ngại về tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, biến đổi sinh thái và thiên tai, bao gồm hạn hán, sa mạc hóa, suy thoái đất và hậu quả của chúng dẫn tới mất an ninh lương thực, cùng các yếu tố khác, đối với an ninh và ổn định ở Tây Phi và Vùng Sahel.

Hội đồng Bảo an cũng bày tỏ quan ngại nghiêm trọng trước tác động của cuộc xung đột Libya đối với các nước láng giềng, đặc biệt là ở Sahel, và đặc biệt là các mối đe dọa do việc chuyển giao bất hợp pháp, sự tích tụ và chuyển hướng vũ khí gây mất ổn định, cũng như làn sóng các nhóm vũ trang và lính đánh thuê.

Hội đồng Bảo an hoan nghênh những nỗ lực của các quốc gia Tây Phi và Sahel cũng như của Liên minh châu Phi và Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) nhằm ngăn chặn và giải quyết các vấn đề an ninh, vốn đang ngày càng trầm trọng hơn do khủng bố và tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, trong đó có cả các luồng vũ khí bất hợp pháp, trong khu vực.

Các thành viên Hội đồng nhấn mạnh rằng quản trị dân chủ tốt là điều cần thiết cho hòa bình và ổn định lâu dài trong khu vực, đồng thời hoan nghênh quá trình chuyển đổi dân chủ diễn ra gần đây ở Niger và các nỗ lực hòa giải được thực hiện ở Burkina Faso, Côte d'Ivoire và Togo, đồng thời khuyến khích tiếp tục những cuộc đối thoại này.

Hội đồng Bảo an hoan nghênh những nỗ lực của các quốc gia trong khu vực nhằm thúc đẩy "sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và chân chính của phụ nữ vào các quá trình chính trị, đặc biệt nhằm tăng số lượng phụ nữ thực hiện trách nhiệm công vụ cao, cũng như trên phạm vi rộng hơn, số lượng phụ nữ nắm giữ các vị trí bầu cử”.

Tình hình nhân đạo nghiêm trọng hơn do đại dịch COVID-19

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại trước tình hình nhân đạo chung trong khu vực ngày càng xấu đi, vốn đang trở nên tồi tệ hơn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Hội đồng kêu gọi cung cấp viện trợ nhân đạo và y tế bền vững, an toàn và không bị cản trở cho tất cả những người đang cần hỗ trợ.

Theo Hội đồng Bảo an, đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm các yếu tố xung đột hiện có và gây ra những tác động nghiêm trọng về kinh tế xã hội, chính trị và an ninh, làm xấu đi tình hình nhân đạo trong khu vực và có tác động không cân xứng đối với phụ nữ, trẻ em gái, trẻ em, người tị nạn, người di cư, người già và người khuyết tật./.

Khánh Linh (Theo UN, AFP, Xinhua)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực