Hội nghị COP28 ưu tiên điện khí hoá và giảm phát thải

Thứ bảy, 04/02/2023 10:06
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Các nhà lãnh đạo thế giới vừa tham dự Tuần lễ Phát triển Bền vững Abu Dhabi (ADSW), khởi động cho một năm mới với chuỗi các sự kiện hướng tới Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 28 của Liên hợp quốc (COP28) do UAE đăng cai vào cuối năm nay.

Tiếp nối thành công của COP27 tại Ai Cập, những sự kiện này sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động tích cực ở những thị trường mới nổi như khu vực ASEAN và trên toàn thế giới trong thập kỷ tới.

Thành lập năm 2008, ADSW tập hợp các nguyên thủ quốc gia, nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo ngành, nhà đầu tư, doanh nhân và thanh niên để thảo luận, tham gia và tranh luận về hành động khí hậu và đổi mới để đảm bảo một thế giới bền vững. ADSW 2023 cũng sẽ đánh dấu kỷ niệm 15 năm Giải thưởng Bền vững Zayed - giải thưởng toàn cầu tiên phong của UAE nhằm công nhận sự xuất sắc trong phát triển bền vững.

Theo ông Roger Martella, Giám đốc Phát triển Bền vững của GE kiêm Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề quản trị và phát triển bền vững của GE Vernova (bao gồm các doanh nghiệp thuộc mảng kinh doanh năng lượng của GE GE Renewable Energy, GE Power, GE Digital và GE Energy Financial Services), có thể thấy tâm điểm của các sự kiện sắp tới có mối liên hệ chặt chẽ với hai ưu tiên chính trong năm 2023, đó là điện khí hoá và giảm phát thải.

Theo đó, các lĩnh vực tư nhân và chính phủ phải hợp tác để đạt được tiến bộ song song trong cả hai mục tiêu: tăng cường khả năng tiếp cận điện và giảm phát thải trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải và công nghiệp.

Điện khí hoá

Bước sang năm mới, khả năng tiếp cận nguồn điện ổn định, vừa túi tiền và bền vững là ưu tiên hàng đầu của hàng tỷ người trên thế giới, đặc biệt là theo cách chưa từng có trong nhiều thập kỷ qua. Hiện nay, gần 775 triệu người không có điện để sử dụng. Tuy nhiên, ngay cả khi họ có thể sử dụng điện, thời tiết cực đoan, xung đột vũ trang, an ninh mạng và nhu cầu sử dụng tăng mạnh đang ngày càng đặt ra nhiều câu hỏi về mức độ an toàn của nguồn cung điện. Tại một hội nghị thượng đỉnh gần đây ở Nhà Trắng, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cho biết quốc gia này cần “tăng gấp ba lần” tốc độ điện khí hoá và cần các “kiến trúc mới”. Nhiều quốc gia khác cũng đang xem xét những mục tiêu tương tự.

Theo thống kê, gần 775 triệu người trên thế giới không có điện để sử dụng (Ảnh minh họa, nguồn: https://www.gevernova.com/)

Đơn cử như Việt Nam - một trong những quốc gia đang phát triển mạnh mẽ ở khu vực ASEAN - cũng đang phải đối mặt với những thách thức về năng lượng. Nhu cầu sử dụng điện cả nước được dự báo sẽ tăng trưởng 10-12% mỗi năm tới 2030. Đồng thời, Việt Nam cũng đặt mục tiêu giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính và 563,8 triệu tấn khí thải cacbon vào năm 2030.

Nhưng trước tiên, điều cốt lõi là khả năng tiếp cận điện của các quốc gia phải là quyền lợi phát triển bền vững. Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế có những hành động quan trọng để đối phó với biến đổi khí hậu bao gồm gia tăng nhu cầu sử dụng lưới điện thông qua việc điện khí hoá các lĩnh vực khác, chúng ta phải đầu tư đúng đắn để đảm bảo mọi người đều có thể tiếp cận với các dịch vụ huyết mạch liên quan đến điện. Do đó, việc thiết lập một lộ trình điện khí hoá phù hợp là ưu tiên trong năm 2023.

Ở nhiều quốc gia, công tác này cần phải bắt đầu ngay từ bây giờ bằng cách số hóa và hiện đại hóa lưới điện để tạo ra một hệ thống thông minh và bền bỉ hơn. Điều đó có nghĩa là cần phải bổ sung các mạng lưới phân phối tiên tiến, hệ thống điện kết hợp và bộ lưu trữ năng lượng.

“Việc này giúp quản lý những yêu cầu lưới điện phức tạp của hệ thống lưới đấu nối nhiều nguồn tái tạo trong tương lai sắp tới, cũng như những hệ thống lưới đa chiều, đa diện trong dài hạn khi lượng phát thải ròng về con số không”, ông Roger Martella chia sẻ.

Trên thực tế, những quy trình như củng cố lưới điện hoặc cân bằng lưới điện sẽ giúp bổ sung các nguồn điện khác cho một nhà máy năng lượng tái tạo để có thể cấp điện một cách an toàn và ổn định mọi lúc - kể cả khi mặt trời không chiếu sáng hoặc gió ngừng thổi. Củng cố lưới điện có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với bất kỳ hệ thống phát điện nào, đặc biệt là với một quốc gia có tỷ trọng năng lượng tái tạo cao như Việt Nam.

Nói chung, hiện đại hoá cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối điện tức là sử dụng những công nghệ và phần mềm bảo vệ, kiểm soát, giám sát và chẩn đoán mới nhất để theo dõi tình trạng các thiết bị trên toàn hệ thống và để quản lý tốt hơn những hạ tầng quan trọng như trạm biến áp.

Ở những khu vực khác trên thế giới, vấn đề không chỉ là khả năng phục hồi của lưới điện mà là phải xây dựng lưới trước. Những lưới điện mới này có thể trang bị những hệ thống số hoá và phục hồi đẳng cấp thế giới, vượt trội hơn so với hạ tầng truyền tải và phân phối cũ.

Theo ông Roger Martella, mặc dù còn nhiều rủi ro nhưng nhu cầu hành động cũng cấp bách không kém. Trong năm 2022, GE nhận thấy nhiều quốc gia ngày càng ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng lưới điện theo cách chưa từng có thông qua công tác đầu tư. Vào năm 2023, họ cần phải tập trung vào việc triển khai những cam kết này một cách nhanh chóng và có chiến lược để đảm bảo lưới điện đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu sử dụng cũng như mối đe doạ ngày càng tăng, đồng thời đạt được những mục tiêu giảm phát thải.

Giảm phát thải

Việc xây dựng một hệ thống lưới điện bền bỉ hơn sẽ tạo điều kiện để đạt được ưu tiên thứ hai: tiến bộ trong các mục tiêu giảm phát thải. Việt Nam, cũng như Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác, đang đặt mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Với tư cách một doanh nghiệp, GE suy nghĩ về giảm phát thải theo hai khía cạnh: (1) triển khai công nghệ sản xuất đa dạng để đạt được tiến bộ về giảm lượng khí thải và nồng độ cacbon và (2) đầu tư vào các công nghệ tương lai đột phá để đưa mức phát thải ròng về không.

Những tiến bộ giảm phát thải trong ngắn hạn phụ thuộc vào việc đầu tư một danh mục năng lượng tái tạo, điện khí hiệu suất cao và điện hạt nhân tiên tiến để vừa giảm khí thải vừa tăng sản lượng điện. Mục tiêu bao quát là phát triển điện gió và điện mặt trời một cách nhanh nhất và đẩy mạnh số lượng trong thập kỷ này.

Tại Việt Nam, GE đang phối hợp với các đối tác địa phương để phát triển một số dự án điện khí sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Mới đây, GE cũng đã đạt được thỏa thuận cung cấp tuabin khí 9HA đầu tiên tại Việt Nam cho nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 thuộc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam. Đây cũng là nhà máy điện khí LNG đầu tiên của Việt Nam với công suất hướng tới đạt 1,6GW khi đi vào hoạt động vào năm 2025, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam hướng tới đạt phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 bằng cách hỗ trợ sự bùng nổ của năng lượng tái tạo thông qua mô hình năng lượng sẵn sàng bổ trợ.

Ngành điện khí hiệu suất cao đóng vai trò quan trọng trong quy hoạch giảm phát thải của bất kỳ quốc gia nào. Cụ thể, điện khí thường là cách nhanh nhất để giảm khí thải trong khi vẫn tạo được nền tảng vững chắc cho việc xây dựng các cơ sở điện tái tạo và sản xuất điện khác. Đồng thời, tuabin khí còn có một lộ trình để giảm phát thải, từ khâu sử dụng khí hydro trước khi đốt cho đến khâu thu giữ và cô lập carbon sau khi đốt.

Bên cạnh đó, với Việt Nam, thách thức còn bao gồm việc phải có đủ nguồn điện dự trữ để hoà lưới năng lượng tái tạo trên diện rộng cũng như phát triển công suất truyền tải - chỉ số chưa bắt kịp được với các nguồn điện tái tạo.

“Tuy việc sử dụng kết hợp nhiều cơ sở sản xuất điện sẽ giúp ngành năng lượng giảm phát thải trong thập kỷ này nhưng những công nghệ này sẽ không đủ để đáp ứng các mục tiêu không phát thải ròng. Chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu để tạo ra những công nghệ đột phá, đồng thời thực hiện các dự án thí điểm và triển khai công nghệ quy mô đầy đủ trong các lĩnh vực”, ông Roger Martella nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực