Hợp tác để sớm chiến thắng đại dịch

Thứ sáu, 31/12/2021 11:00
(ĐCSVN) – Bất chấp sự phát triển gần như thần kỳ của vaccine phòng COVID-19 vào năm 2020, virus vẫn tiếp tục lây lan và đột biến suốt cả năm 2021, trong bối cảnh thiếu hợp tác toàn cầu một cách hiệu quả vốn được xem là nguyên nhân chính khiến đại dịch kéo dài. Chúng ta, vì vậy, có phải đã đánh giá thấp mức độ nguy hiểm của virus này hay không?

Năm 2021 cũng chứng kiến sự ra đời của một chương trình do Liên hợp quốc hỗ trợ để giúp các nước đang phát triển bảo vệ dân số của mình khỏi COVID-19 và các bước đã được thực hiện để chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu trong tương lai. Tuy nhiên, vào tháng 11 vừa qua, thực tế rõ ràng là một biến thể của virus SARS-CoV-2 đã lan truyền nhanh chóng, được đặt tên theo chữ cái Hy Lạp Omicron, gây lo ngại vì tốc độ lan truyền dường như nhanh hơn nhiều so với biến thể Delta. Mặc dù nỗi lo sợ về Omicron là có thể hiểu được song sự xuất hiện của Omicron không nên gây bất ngờ, bởi đã có không ít cảnh báo liên tục từ Liên hợp quốc rằng những đột biến tiếp theo là không thể tránh khỏi, do cộng đồng quốc tế không có khả năng bảo đảm rằng tất cả mọi người, không chỉ công dân của các nước giàu, đều được tiêm phòng.

Trong một cuộc họp báo vào giữa tháng 12, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã từng cảnh báo rằng Omicron "đang lây lan với tốc độ chúng tôi chưa từng thấy với biến thể nào trước đó... Chúng ta chắc chắn hiện đã học được rằng chúng ta đánh giá thấp virus vốn đang gây nguy hiểm cho chính chúng ta”.

 Sự xuất hiện của biến thể Omicron chính là minh chứng làm lộ rõ nhất, phơi bày tình trạng bất bình đẳng vaccine và chậm tiêm chủng (Ảnh: Reuters).

Một sự thất bại thảm hại về đạo đức

Ngay từ đầu năm nay, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã than thở về hiện tượng tự hủy hoại của "chủ nghĩa dân tộc vaccine", với nhiều quốc gia không muốn nhìn ra ngoài biên giới của mình khi tiêm chủng. Phát biểu hôm 19/2 tại Hội nghị An ninh Munich (MSC), diễn đàn an ninh hằng năm lớn nhất thế giới đang diễn ra tại Đức theo hình thức trực tuyến, ông  António Guterres từng cho rằng, nếu chỉ có các nước phát triển được tiếp cận vaccine trong khi virus tiếp tục lây lan ở các nước đang phát triển thì các biến thể mới sẽ xuất hiện với khả năng kháng vaccine cao hơn và có thể quay lại ám ảnh các nước phát triển. Đến ngày 1/11 vừa qua, Tổng thư ký Liên hợp quốc lại kêu gọi bình đẳng vaccine và tinh thần tiếp tục cảnh giác trong cuộc chiến chống COVID-19, trong bối cảnh số người thiệt mạng vì đại dịch trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 5 triệu.

Nhấn mạnh tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine trên thế giới, ông Guterres nêu rõ khi các nước giàu đang triển khai chiến dịch tiêm mũi vaccine thứ 3 cho người dân thì chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ dân số tại châu Phi được chủng ngừa đầy đủ. “Đây là một nỗi hổ thẹn toàn cầu” – Tổng thư ký Liên hợp quốc khẳng định. Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, cột mốc 5 triệu ca tử vong vì COVID-19 đã phát đi một thông điệp cảnh báo rõ ràng, đó là chúng ta không thể hạ thấp việc đề phòng virus.

Về phần mình, người đứng đầu WHO tại châu Phi, Tiến sĩ Matshidiso Moeti, lên án việc "tích trữ vaccine" sẽ chỉ kéo dài và làm trì hoãn sự phục hồi của lục địa. Ông nêu rõ: "Thật không công bằng khi những người châu Phi dễ bị tổn thương nhất buộc phải chờ đợi vaccine khi các nhóm nguy cơ thấp hơn ở các nước giàu được đưa vào mức an toàn”.

Đồng thời, WHO đã đưa ra cảnh báo rõ ràng rằng càng mất nhiều thời gian để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, nguy cơ xuất hiện các biến thể mới, kháng vaccine càng cao. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus mô tả việc phân phối vaccine không đồng đều là một "sự thất bại thảm hại về mặt đạo đức", đồng thời nói thêm rằng "cái giá của sự thất bại này sẽ phải trả bằng cuộc sống và sinh kế ở các nước nghèo nhất trên thế giới". Trong nhiều tháng, WHO đã tiếp tục truyền đi thông điệp này. Vào tháng 7, với sự xuất hiện của biến thể Delta, biến thể đã trở thành dạng thống trị của COVID-19, và con số đáng buồn là 4 triệu ca tử vong do virus gây ra (con số này tăng lên 5 triệu vào thời điểm chỉ 4 tháng sau đó). Theo ông Tedros lỗi là do thiếu sản xuất và phân phối vaccine một cách công bằng.

Và sự xuất hiện của biến thể Omicron chính là minh chứng làm lộ rõ nhất, phơi bày tình trạng bất bình đẳng vaccine và chậm tiêm chủng - những trở ngại khiến cho cuộc chiến chống COVID-19 càng thêm khó khăn và kéo dài. Trong số 8 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi lệnh cấm du lịch liên quan đến biến thể Omicron, tỷ lệ dân số đã tiêm ít nhất một liều vaccine dao động từ 5,6% ở Malawi đến 37% ở Botswana. Các nhà khoa học và các chuyên gia y tế cộng đồng đã cảnh báo rằng khoảng cách lớn giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển xét về tỷ lệ tiêm chủng có thể là nguyên nhân dẫn tới xuất hiện biến thể mới.

Ông Michael Head, nhà nghiên cứu cao cấp về y tế toàn cầu tại Đại học Southampton (Anh), nhận định sự xuất hiện của các biến thể mới là "hậu quả tự nhiên của việc thế giới tiêm chủng quá chậm". Trong khi đó, ông Jeremy Farrar, Giám đốc quỹ từ thiện Wellcome Trust (Anh) chuyên nghiên cứu y tế, lưu ý sự xuất hiện của biến thể mới cho thấy tại sao thế giới cần bảo đảm khả năng tiếp cận công bằng hơn đối với vaccine COVID-19 và các công cụ y tế công cộng khác. WHO thì một lần nữa nhấn mạnh rằng bất bình đẳng vaccine chính là cách chúng ta tự thua trong cuộc chiến chống COVID-19.

 Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tạiJohannesburg, Nam Phi (Ảnh: UN).

COVAX: Một nỗ lực lịch sử toàn cầu

Trong nỗ lực giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất, Tổ chức Y tế Thế giới đã khởi động sáng kiến COVAX. Đây là nỗ lực toàn cầu nhanh nhất, được điều phối nhiều nhất và thành công nhất trong lịch sử để chống lại dịch bệnh. Sự ra đời của cơ chế COVAX là một nỗ lực quan trọng để thúc đẩy quyền tiếp cận vaccine COVID-19 nhanh và bình đẳng trên toàn cầu. COVAX được thành lập như một phản ứng đa phương đối với thách thức về sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng này; hướng tới mục tiêu đạt được miễn dịch toàn cầu và là trọng tâm của chiến lược tiêm chủng toàn cầu vốn nhằm đảm bảo phân phối công bằng và bình đẳng.

Việc triển khai vaccine ở các nước đang phát triển thông qua sáng kiến COVAX bắt đầu từ Ghana và Côte d'Ivoire vào tháng 3. Yemen, quốc gia bị tàn phá bởi chiến tranh và đang gặp khó khăn về tài chính, cũng đã nhận được lô vaccine đầu tiên vào tháng 3, thời điểm mà các chuyên gia y tế đã mô tả là nhân tố thay đổi cuộc chơi trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Vào tháng 4, các lô vaccine đã được gửi đến hơn 100 quốc gia thông qua COVAX.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, công cụ này vẫn chưa thể cung cấp các loại vaccine quan trọng cho các nước thu nhập thấp và trung bình, vốn đang phải đối mặt với hai vấn đề lớn: thiếu tài chính và hạn chế về vaccine trên thị trường. Hồi đầu tháng 9, các tổ chức điều hành COVAX gồm Liên minh Vaccine Gavi, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), UNICEF và Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI), từng phải thông báo cắt giảm 30% mục tiêu chia sẻ vaccine năm 2021. Nhiều đơn đặt hàng trực tiếp của COVAX với các nhà sản xuất vaccine trong nửa đầu năm nay bị trì hoãn và sáng kiến này ngày càng phải dựa vào nguồn tài trợ từ Mỹ và các nước giàu khác. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết chia sẻ 1,1 tỷ liều cho COVAX dù phần lớn trong số này phải chờ tới năm sau. Các nhà chức trách điều hành COVAX mới đây cho biết họ không thể dự đoán chắc chắn bao nhiêu liều vaccine sẽ được phân phối trước ngày 1/1/2022.

Và vấn đề bất bình đẳng giữa các loại vaccine còn lâu mới được giải quyết khi theo WHO, tính đến ngày 14/9/2021, hơn 5,7 tỷ liều vaccine đã được tiêm trên toàn thế giới, nhưng chỉ 2% trong số đó được tiêm phòng cho người dân châu Phi.

 Tiêm vaccine COVID-19 tại Việt Nam. (Ảnh: Khánh Linh).

Những tác động khôn lường, cái giá quá đắt đối với trẻ em

Ngoài việc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của hàng triệu người trên thế giới, đại dịch COVID-19 còn gây ra nhiều tác động, từ việc điều trị bệnh tật cho đến giáo dục và sức khỏe tâm thần. Ví dụ, chẩn đoán và điều trị ung thư đã bị gián đoạn nghiêm trọng ở gần một nửa số quốc gia; hơn một triệu người chưa được tiếp cận dịch vụ chăm sóc bệnh lao thiết yếu; bất bình đẳng ngày càng tăng đã ngăn cản người dân ở các nước nghèo nhất tiếp cận với các dịch vụ AIDS; và các dịch vụ sức khỏe sinh sản đã bị gián đoạn đối với hàng triệu phụ nữ. Các cơ quan của Liên hợp quốc ước tính rằng chỉ riêng ở Nam Á, sự gián đoạn nghiêm trọng đối với các dịch vụ y tế do đại dịch COVID-19 dẫn đến thêm 239.000 trẻ em và bà mẹ tử vong trong năm ngoái. Và ở Yemen, tác động tàn phá của đại dịch đã dẫn đến tình trạng thảm khốc, cứ hai giờ lại có một phụ nữ chết khi sinh con.

Về sức khỏe tâm thần, thời gian đại dịch đã có ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới, nhưng ảnh hưởng đặc biệt nặng nề đối với trẻ em và thanh niên. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) hồi tháng 3 đã tiết lộ rằng trẻ em hiện đang sống trong "một thực tế mới tàn khốc", và sự tiến bộ đó đã giảm trong hầu hết các lĩnh vực chính của thời thơ ấu. Trẻ em ở các nước đang phát triển bị ảnh hưởng đặc biệt, với tỷ lệ trẻ em nghèo đói tăng khoảng 15%. Ngoài ra, có thêm 140 triệu trẻ em ở các quốc gia này cũng sẽ thuộc các hộ gia đình sống dưới mức nghèo khổ. Và theo dữ liệu mới nhất từ UNICEF, cứ 7 em thì có ít nhất 1 em trong tổng số trẻ em trên toàn cầu bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các đợt phong tỏa. Hơn 1,6 tỷ trẻ em phải hứng chịu những thiệt hại nhất định về giáo dục. Gián đoạn trong sinh hoạt, giáo dục, giải trí cũng như trăn trở về thu nhập gia đình và sức khỏe đang khiến nhiều người trẻ rơi vào cảnh lo sợ, tức giận và băn khoăn về tương lai. Một cuộc khảo sát trực tuyến tại Trung Quốc hồi đầu năm 2020 được trích dẫn từ Báo cáo Tình hình trẻ em Thế giới đã chỉ ra rằng khoảng 1/3 số người tham gia cho biết họ cảm thấy sợ hãi và lo âu. 

Năm 2021 đã sắp khép lại, COVID-19 đã chuẩn bị bước sang năm thứ ba song đại dịch này vẫn đã và đang tiếp tục tác động nặng nề đến mọi mặt của đời sống, của mọi người dân trên phạm vi toàn cầu. Đại dịch COVID-19 đã và đang tiếp tục là một thách thức đặc biệt đối với toàn nhân loại. Quá nhiều người đã bị tổn hại sức khỏe và nhiều người trong số họ đã phải mất đi sự sống, tổn thất về sinh mạng con người do COVID-19 gây ra là quá lớn.

Có thể khẳng định rằng sự chần chừ, do dự và lợi ích quốc gia sẽ không kết thúc được cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu và sẽ không giúp thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế, môi trường và xã hội. Chủ nghĩa dân tộc về vaccine gây ra những hậu quả nghiêm trọng về địa chính trị, kinh tế và xã hội, đồng thời ngăn cản cuộc chiến chống lại virus Corona mới một cách đáng lo ngại. Sự bất bình đẳng trong phân phối vaccine và điều trị COVID-19 phản ánh sự bất bình đẳng giữa và trong các quốc gia cũng đồng thời đang cản trở phản ứng của chúng ta đối với đại dịch. Càng trì hoãn tiêm chủng cho toàn bộ dân số, chúng ta sẽ càng nhanh chóng hết bảng chữ cái Hy Lạp để đặt tên cho các biến chủng mới. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, con đường duy nhất để tiến về phía trước là một chiến lược tiêm chủng toàn cầu nhanh chóng và được phối hợp chặt chẽ, với việc tăng cường năng lực sản xuất và phân phối dựa trên nhu cầu thực tế. Dù còn nhiều khó khăn và thách thức, song năm 2022 được chờ đợi sẽ đón nhận những quyết tâm và hành động đột quá của các quốc gia trên toàn cầu trong nỗ lực cùng hợp tác và hành động, không phải với tư cách là đối thủ cạnh tranh, mà là đối tác bình đẳng./.

Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực