Hợp tác toàn cầu để bảo vệ sự sống trên trái đất

Thứ sáu, 16/09/2022 18:31
(ĐCSVN) – Vào ngày 16/9 hằng năm, cộng đồng quốc tế cùng kỷ niệm Ngày thế giới bảo vệ tầng ozone nhằm nêu bật vai trò của tầng ozone cũng như sự cần thiết phải tăng cường hợp tác quốc tế để hạn chế các nguy cơ mà hoạt động của con người có thể gây ra cho trái đất.
leftcenterrightdel
Tầng ozone đang được phục hồi, cho phép nó một lần nữa bảo vệ nhân loại khỏi tia cực tím của mặt trời. (Ảnh: UN)

Năm 1994, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 16/9, ngày ký kết Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone (16/9/1987), để kỷ niệm Ngày thế giới bảo vệ tầng ozone. Nghị định thư Montreal, ban đầu là một hiệp định môi trường đa phương quốc tế, kể từ khi được thông qua đã bảo vệ tầng ozone, khiến nó trở thành một trong những hiệp định môi trường tích cực nhất cho đến nay.

Nghị định thư Montreal yêu cầu hạn chế và cuối cùng chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng và sản xuất các hợp chất cácbon của clo và flo (CFC – chlorofluorocacbons) cũng như các chất hóa học gây suy giảm tầng ozone khác như: tetraclorit cácbon, các hợp chất của brôm (halon) và methylchloroform. Nghị định thư mang tính lịch sử này đã được thông qua tại thành phố Montreal (Canada), áp đặt các biện pháp và nghĩa vụ loại trừ hoàn toàn sản xuất và sử dụng các chất làm suy giảm tầng ozone đối với các nước thành viên.

Vào Ngày thế giới bảo vệ tầng ozone năm nay, chúng ta cùng kỷ niệm 35 năm Nghị định thư Montreal và cùng bàn về cách mà Nghị định thư Montreal đã chấm dứt một trong những mối đe dọa lớn nhất mà nhân loại từng phải đối mặt: sự suy giảm của tầng ozone. Khi thế giới phát hiện ra rằng các khí làm suy giảm tầng ozone được sử dụng trong các bình xịt và hệ thống làm mát đang tạo ra một lỗ hổng trên bầu trời, các quốc gia đã thống nhất với nhau thấy rằng chủ nghĩa đa phương và sự hợp tác toàn cầu hiệu quả đã phát huy tác dụng và đã loại bỏ dần các loại khí này. Ngày nay, tầng ozone đang được phục hồi, cho phép nó một lần nữa bảo vệ nhân loại khỏi tia cực tím của mặt trời.

Nhân ngày kỷ niệm này, Liên hợp quốc mong muốn kêu gọi tất cả các nước thành viên tăng cường các hoạt động phù hợp với những mục tiêu của Nghị định thư Montreal và các điểm sửa đổi bổ sung. Ngoài ra, Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tầng ozone trong việc lọc ánh sáng mặt trời, ngăn ngừa tác hại của tia cực tím đến được bề mặt trái đất, và do đó bảo vệ sự sống trên hành tinh của chúng ta.

Theo Liên hợp quốc, việc dần dần loại bỏ sử dụng các chất làm suy giảm tầng ozone và hạn chế các chất này không chỉ giúp bảo vệ tầng ozone cho các thế hệ hiện tại và tương lai, mà còn góp phần không nhỏ vào những nỗ lực được cộng đồng quốc tế triển khai để ứng phó với biến đổi khí hậu. Hơn nữa, việc loại bỏ các chất này giúp bảo vệ sức khỏe con người và các hệ sinh thái bằng cách hạn chế bức xạ cực tím có hại đến trái đất.

Trong thông điệp được gửi đi nhân Ngày thế giới bảo vệ tầng ozone năm 2022, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: “Hôm nay, chúng ta kỷ niệm 35 năm Nghị định thư Montreal, giúp bảo vệ tầng ozone ở tầng bình lưu khỏi các chất hóa học do con người tạo ra cũng gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nhờ một thỏa thuận toàn cầu, nhân loại đã ngăn chặn được một thảm họa lớn về sức khỏe do tia cực tím xuyên qua một lỗ thủng lớn trong tầng ozone”.

Theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, Nghị định thư Montreal là một thành công bởi vì khi khoa học phát hiện ra mối đe dọa đối với tất cả chúng ta, các chính phủ và đối tác của họ đã hành động. Chúng ta đã thông qua một thỏa thuận toàn cầu về môi trường đã được phê chuẩn trên toàn thế giới và thực hiện một cách dứt khoát. Nghị định thư Montreal là một ví dụ mạnh mẽ về chủ nghĩa đa phương trong hành động. Trước nhiều vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt - từ xung đột và nghèo đói ngày càng gia tăng, đến sự gia tăng bất bình đẳng và tình trạng khẩn cấp về khí hậu - chúng ta biết cách thành công khi chúng ta làm việc cùng nhau vì lợi ích chung.

Bên cạnh đó, Nghị định thư Montreal cũng đã góp phần vào cuộc chiến chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu. Bằng cách che chắn thực vật khỏi tia cực tím, cho phép chúng sống và lưu trữ carbon, Nghị định thư này đã ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu thêm 1 độ C. Công việc của Nghị định thư nhằm loại bỏ dần các khí nhà kính và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng thông qua Tu chính án Kigali có thể làm chậm biến đổi khí hậu hơn nữa.

Tuy nhiên, chỉ bằng cách nhân rộng sự hợp tác và hành động nhanh chóng mà chúng ta đã thể hiện theo Nghị định thư Montreal ở những nơi khác, chúng ta mới có thể chấm dứt tình trạng ô nhiễm carbon đang làm hành tinh của chúng ta ấm lên một cách nguy hiểm. Nhân Ngày thế giới bảo vệ tầng ozone, Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi thế giới cùng cam kết nhân rộng sự hợp tác đã diễn ra theo Nghị định thư Montreal nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng khí hậu và tất cả các thách thức chung; cùng tiếp tục ủng hộ hành động thiết yếu đang được thực hiện thông qua Nghị định thư Montreal./.

Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực