|
IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022. (Ảnh: AFP) |
Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, Phó Giám đốc điều hành thứ nhất IMF Gita Gopinath cho biết: Tăng trưởng sẽ chậm lại khi các nền kinh tế phải vật lộn với các vấn đề về nguồn cung, lạm phát cao hơn, nợ kỷ lục và sự không chắc chắn kéo dài. Bà Gita Gopinath lưu ý: “Các vấn đề về nguồn cung vẫn đang đè nặng lên hoạt động và góp phần làm lạm phát cao hơn”, đồng thời làm tăng thêm áp lực do nhu cầu mạnh và giá thực phẩm và đồ uống tăng cao.
Theo bà Gopinath, sự lan truyền nhanh chóng của biến thể Omicron đã dẫn đến những hạn chế mới về di chuyển ở nhiều quốc gia và làm gia tăng tình trạng thiếu lao động. Bà đồng thời nói thêm rằng mặc dù Omicron sẽ tác động tới hoạt động kinh doanh trong quý đầu tiên của năm 2022, nhưng ảnh hưởng của nó sẽ biến mất trong quý thứ hai.
Mất cân bằng cung cầu dự kiến sẽ thu hẹp vào năm 2022 dựa trên kỳ vọng của ngành về nguồn cung được cải thiện khi nhu cầu dần dần tái cân bằng từ hàng hóa sang dịch vụ và các chính sách hỗ trợ bất thường được rút lại.
IMF đã điều chỉnh dự báo lạm phát vào năm 2022 đối với cả các thị trường phát triển và mới nổi cũng như các nền kinh tế đang phát triển, với áp lực giá cả tăng cao sẽ tiếp tục kéo dài.
IMF đã nhiều lần nhấn mạnh sự khác biệt trong các dự báo của mình tùy thuộc vào từng quốc gia. "Trong khi các nền kinh tế tiên tiến dự kiến sẽ quay trở lại xu hướng trước đại dịch trong năm nay, thì một số thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển dự kiến sẽ bị thiệt hại sản lượng đáng kể trong trung hạn" – bà Gopinath nhấn mạnh.
Theo IMF, hiện tại, chỉ 4% người dân ở các nước thu nhập thấp được tiêm chủng đầy đủ so với 70% ở các nước thu nhập cao. Vẫn còn nhu cầu "khẩn cấp" để thu hẹp khoảng cách tài trợ 23,4 tỷ USD của Dự án Tăng tốc Tiếp cận Công cụ COVID-19 (ACT Accelerator), một nền tảng quốc tế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu và khuyến khích chuyển giao công nghệ để giúp đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa về sản xuất toàn cầu các công cụ y tế thiết yếu, đặc biệt là ở châu Phi. Ở cấp quốc gia, các chính sách cần được duy trì phù hợp với hoàn cảnh của từng quốc gia, bao gồm mức độ kích thích, áp lực lạm phát tiềm ẩn và không gian chính sách sẵn có.
IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại ở mức 3,8% vào năm 2023. Dự báo này cao hơn 0,2% so với Báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới được công bố vào tháng 10 năm ngoái và phần lớn phản ánh sự phục hồi sau khi những khó khăn hiện tại đối với tăng trưởng sẽ tan biến.
Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới vừa công bố, IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng của hầu hết các quốc gia trên thế giới, trừ Ấn Độ. Trong số đó, Mỹ và Trung Quốc ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất.
Theo IMF, ảnh hưởng lớn nhất đối với triển vọng kinh tế toàn cầu là tốc độ tăng trưởng của Mỹ và Trung Quốc chậm lại, mà nguyên nhân của sự sụt giảm này đến từ nhiều yếu tố.
IMF dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ chỉ ở mức 4% trong năm nay, thấp hơn 1,2% so với mức dự báo trước đó. Kế hoạch chi tiêu xã hội khổng lồ của Tổng thống Joe Biden bị "kẹt" tại Quốc hội, cùng với chuỗi cung ứng bị gián đoạn sẽ tác động phần nào đến tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Trong khi đó, IMF chỉ rõ các biện pháp phong tỏa mới đây tại Trung Quốc đã khiến sức tiêu dùng cá nhân giảm và những thách thức trong lĩnh vực bất động sản đã khiến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này giảm 0,8%, xuống còn 4,8% trong năm 2022. Theo IMF, tình trạng gián đoạn liên quan đến chính sách "Zero COVID" và cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản là những yếu tố khiến tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chững lại.
Ngoài Mỹ và Trung Quốc, IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn khác như Đức giảm 0,8%. Brazil và Mexico cùng mức giảm 1,2%. Tuy nhiên, IMF lại có đánh giá lạc quan đối với kinh tế Ấn Độ khi dự báo tốc độ tăng trưởng nước này tăng 0,5%, lên mức 9% trong năm 2022. Trong khi đó, Nhật Bản được IMF đánh giá sẽ ghi nhận tố độ tăng trưởng vừa phải, ở mức 3,3%./.