|
Lễ ký kết diễn ra bằng hình thức trực tuyến (Ảnh: ĐSQ Israel tại Việt Nam) |
Tham dự Lễ ký kết có: Tiến sĩ An Pich Hatda, đại diện cho Ban Thư ký MRC và Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar, đại diện Nhà nước Israel thông qua Cơ quan Hợp tác Phát triển quốc tế Israel (MASHAV), cùng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quản lý nguồn nước.
Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển và quản lý nguồn nước cung cấp khuôn khổ cho kế hoạch hợp tác giữa hai bên trong công tác đào tạo, tham vấn và trao đổi kiến thức chuyên môn, chủ yếu trong quản lý hạn hán, vốn là nhu cầu thiết yếu đối với nhiều nơi trong khu vực Mekong.
Dựa trên nền tảng quan hệ giữa Israel và khu vực Mekong phát triển mạnh mẽ trong những năm qua cộng với những kinh nghiệm và kiến thức hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh và quản lý nước, Israel mong muốn được chia sẻ với các nước bạn bè, đồng thời tìm ra những giải pháp cần thiết cho những thách thức mà khu vực Mekong đang phải đối mặt.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar nhấn mạnh, biến đổi khí hậu toàn cầu, việc xây dựng các con đập lớn, tình trạng sử dụng quá mức đang làm cạn kiệt nguồn nước, gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến sông Mekong một cách nghiêm trọng.
“Israel là quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh và quản lý nước, và đã làm chủ nhiều giải pháp dành cho tình trạng hạn hán. Với chuyên môn nhiều thập kỷ của mình, Israel mong muốn đóng góp vào những nỗ lực của MRC và các quốc gia thành viên, nhằm giúp các quốc gia trong khu vực được hưởng tất cả các lợi ích do dòng sông mang lại, đồng thời vẫn bảo tồn cho các thế hệ mai sau", Đại sứ Nadav Eshcar bày tỏ kỳ vọng.
Cơ quan MASHAV của Israel đã và đang chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết và công nghệ với các nước đang phát triển kể từ năm 1957, dựa trên kinh nghiệm phát triển của riêng Israel, và được định hướng theo Kế hoạch Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) 2030 vì Phát triển Bền vững.
Ủy hội sông Mekong là tổ chức liên chính phủ gồm các chính phủ thành viên (Việt Nam, Lào, Thái Lan và Campuchia) với nhiệm vụ thúc đẩy và phối hợp phát triển bền vững nguồn nước chung của lưu vực sông Mekong.
MRC bảo đảm sự phát triển hiệu quả và cùng có lợi của lưu vực sông Mekong song song với việc giảm thiểu tác động có hại có thể xảy ra với người dân và môi trường trong lưu vực.
Trong thời gian gần đây, các nước khu vực sông Mekong đã hợp tác trong nhiều lĩnh vực chung về nguồn nước, môi trường sinh thái, quản lý thảm họa, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó vai trò của việc ngăn chặn và quản lý tác động của hạn hán ngày càng được chú trọng./.