Thứ hai, 18/01/2021 16:01 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết Jordan đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới bắt đầu tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19 cho người tị nạn.
|
Vaccine ngừa virus Corona do Đại học Oxford phát triển đã cho thấy hiệu quả. (Ảnh: UN) |
Theo đó, trong số 90 quốc gia có chiến lược tiêm chủng chống lại loại virus Corona mới, 51 quốc gia đã cam kết tiêm phòng vaccine cho người tị nạn. Ví dụ, Raia Alkabasi, một người tị nạn Iraq sống ở Irbid, miền Bắc Jordan, là người đầu tiên nhận vaccine tại phòng khám của thành phố vào tuần trước.
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Filippo Grandi cho biết: “Một lần nữa, Jordan đã thể hiện vai trò lãnh đạo mẫu mực và sự đoàn kết”. Ông lập luận: “Nước này đã đưa những người tị nạn vào tất cả các khía cạnh của hoạt động y tế cộng đồng đối với đại dịch, bao gồm cả chiến dịch tiêm chủng quốc gia” để bảo đảm an toàn cho tất cả mọi người”. Người đứng đầu UNHCR kêu gọi các quốc gia làm theo bằng cách đưa những người tị nạn vào các chiến dịch tiêm chủng của họ trên cơ sở bình đẳng.
Theo ông Grandi, "phần lớn người tị nạn trên thế giới sống ở các nước có thu nhập trung bình và thấp". Ông nói rằng “cộng đồng quốc tế phải làm nhiều hơn nữa để giúp các chính phủ sở tại tiếp cận vaccine” bởi vì “tiếp cận toàn cầu và công bằng là điều cuối cùng sẽ bảo vệ cuộc sống và ngăn chặn đại dịch”.
Theo kế hoạch quốc gia của Jordan, được đưa ra vào tuần trước, tất cả mọi người sống ở đất nước này đều có quyền nhận vaccine miễn phí.
Sự hợp tác giữa UNHCR và Bộ Y tế Jordan, cũng như cam kết mạnh mẽ của người tị nạn đối với các biện pháp phòng ngừa, là nền tảng cơ bản trong việc hạn chế sự lây lan của virus trong những nhóm dân cư dễ bị tổn thương này.
Kể từ trường hợp đầu tiên được xác nhận trong số những người tị nạn ở Jordan vào tháng 9 năm ngoái, đã phát hiện thêm 1.928 trường hợp mắc COVID-19.
Tỷ lệ người tị nạn mắc COVID-19 cũng duy trì ở mức thấp, khoảng 1,6%, so với 3% trong dân số Jordan nói chung.
UNHCR không mua vaccine, nhưng hỗ trợ các nước sở tại với các biện pháp can thiệp khác như vệ sinh và hỗ trợ hậu cần./.
Khánh Linh (Theo UN, AFP)