|
Khoảng 40% dân số Somalia đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực (Ảnh: The East African) |
Số liệu công bố mới đây của Liên hợp quốc cho thấy, người dân các nước vùng Sừng châu Phi đang trải qua mùa mưa ít ỏi thứ 4 liên tiếp kể từ cuối năm 2020. Tình hình trở nên tồi tệ hơn với nạn châu chấu hoành hành, khiến mùa màng thất bát trong các năm 2019 - 2021. Theo Chương trình Lương thực thế giới (WFP), số người đói ăn do hạn hán tại khu vực này có thể tăng từ con số ước tính 14 triệu người hiện nay lên 20 triệu người đến hết năm nay.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết, 6 triệu người Somalia, tương đương 40% dân số nước này, đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Nước này có nguy cơ xảy ra nạn đói trong những tháng tới nếu tình hình hiện nay tiếp diễn. Ngoài ra, 6,5 triệu người ở Ethiopia và 3,5 triệu người ở Kenya đang trong tình trạng đói ăn tương tự. Theo OCHA, tính trên toàn vùng Sừng châu Phi, có khoảng 1 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa do thiếu nước và đồng cỏ để chăn nuôi, ít nhất 3 triệu gia súc đã chết.
Các chuyên gia cho biết các hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra với tần suất và cường độ ngày càng lớn do biến đổi khí hậu. Trong khi đó, tình trạng tồi tệ ở vùng Sừng châu Phi đã trở nên trầm trọng hơn bởi cuộc chiến ở Ukraine, đã góp phần làm tăng chi phí lương thực và nhiên liệu, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và giảm các khoản viện trợ dành cho khu vực này.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Catherine Russell cho biết 10 triệu trẻ em ở Djibouti, Ethiopia, Kenya và Somalia đang cần được hỗ trợ các nhu yếu phẩm cần thiết. Trong chuyến thăm tới Ethiopia vào tuần trước, bà Russell cho biết, 1,7 triệu trẻ em ở vùng Sừng châu Phi bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Theo bà, thiếu nước sạch là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ở trẻ, trong khi hàng trăm nghìn em phải bỏ học, nhiều em trong số này phải đi bộ trên một chặng đường dài để tìm nước và thức ăn.
Phát biểu tại một hội nghị của Liên hợp quốc tại Geneva (Thụy Sĩ) tháng 4 vừa qua, ông Chimimba David Phiri (Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc - FAO) khẳng định: "Chúng ta phải hành động ngay, nếu muốn ngăn chặn một thảm họa nhân đạo".
Năm 2017, khu vực Đông Phi cũng đã hứng chịu một nạn hạn hán khốc liệt. Tuy nhiên, nhờ các hoạt động nhân đạo được triển khai sớm mà Somalia đã tránh được một nạn đói. Tuy nhiên, trước đó, trong năm 2011, đã có 260.000 người mà một nửa trong đó là trẻ em dưới 6 tuổi chết vì đói ở Somalia, chủ yếu là do cộng đồng quốc tế không hành động nhanh chóng./.