Khu vực Nam Phi: Số ca nhiễm COVID-19 tăng trở lại

Thứ sáu, 13/05/2022 17:46
(ĐCSVN) – Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Phi ngày 12/5 cho biết, khu vực Nam Phi đang phải đối mặt với tình trạng gia tăng số ca nhiễm COVID-19 trong tuần thứ ba liên tiếp khi mùa đông đến gần, chấm dứt sự sụt giảm trong hai tháng các ca nhiễm được ghi nhận trên toàn châu lục.
leftcenterrightdel
 Xét nghiệm COVID-19 tại Nam Phi. (Ảnh: UN)

Theo WHO, khu vực Nam Phi ghi nhận 46.271 trường hợp mắc trong tuần kết thúc vào ngày 8/5/2022, tăng 32% so với tuần trước. Điều này phần lớn là do sự gia tăng đột biến ở Nam Phi, nơi số ca mắc hàng tuần được ghi nhận đã tăng gấp 4 lần trong 3 tuần qua. Tuy nhiên, số người chết không tăng nhanh như vậy. Nam Phi đã ghi nhận 376 trường hợp tử vong trong 3 tuần qua, nhiều gấp đôi so với 3 tuần trước đó.

Mặc dù các ca bệnh đã tăng lên nhưng số ca nhập viện ở Nam Phi vẫn ở mức thấp, số bệnh nhân hiện nhập viện và có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 vào khoảng 20% so với mức cao nhất vào cuối tháng 12/2021. Tại các tỉnh Gauteng và KwaZulu-Natal, nơi làn sóng mới nhất được phát hiện lần đầu tiên, số người nhập viện và tử vong đã tăng 90 –100% trong hai tuần qua so với hai tuần trước đó.

Số ca nhiễm tăng do biến thể Omicron

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Phi đánh giá làn sóng lây nhiễm hiện tại được thúc đẩy bởi biến thể Omicron trong bối cảnh nới lỏng các biện pháp xã hội và sức khỏe. Kể từ đầu tháng 4, chỉ riêng Nam Phi đã ghi nhận 1.369 trường hợp biến thể phụ Omicron BA.2, 703 trường hợp BA.4 và 222 trường hợp biến thể phụ BA.5. Tuy nhiên, các trường hợp của các biến phụ BA.4 và BA.5 vẫn là mối quan tâm lớn nhất vì chúng chứa số lượng đột biến cao nhất và vẫn chưa rõ các biến phụ này ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch như thế nào.

Ngoài Nam Phi, Eswatini và Namibia cũng có số ca mắc gia tăng. Hai quốc gia này đã báo cáo thêm 50% số ca mắc mới trong hai tuần qua so với hai tuần trước đó.

4 đợt đại dịch cuối cùng ở châu Phi xảy ra vào giữa và cuối năm ngoái, chủ yếu do các biến thể mới, mùa đông và người dân di chuyển nhiều trong những kỳ nghỉ lễ này. Vào năm 2021, làn sóng giữa năm được thúc đẩy bởi biến thể Delta bắt đầu vào khoảng tháng 5 và làn sóng cuối năm vào tháng 11 với sự xuất hiện của biến thể Omicron.

Tiến sĩ Abdou Salam Gueye, Giám đốc phụ trách các trường hợp khẩn cấp về y tế tại Văn phòng khu vực của WHO ở châu Phi nêu rõ tình trạng gia tăng số ca mắc mới “là một dấu hiệu cảnh báo sớm mà chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ. Bây giờ là lúc các quốc gia đẩy mạnh công tác chuẩn bị và đảm bảo rằng họ có thể đưa ra biện pháp ứng phó hiệu quả trong trường hợp có một làn sóng đại dịch mới”.

Cải thiện khả năng ứng phó

Trong hai năm qua, các nước châu Phi đã cải thiện đáng kể khả năng ứng phó với COVID-19, tăng cường các khía cạnh chính như giám sát, xét nghiệm và điều trị. Điều cần thiết là các biện pháp này phải được duy trì và nhanh chóng củng cố nếu các trường hợp nhiễm COVID-19 gia tăng hơn nữa và ở nhiều quốc gia.

Châu lục này cũng đã tăng cường giải trình tự bộ gen. Từ tháng 1 đến tháng 4/2021, các phòng thí nghiệm tại châu Phi đã báo cáo khoảng 9.000 trình tự. Con số này đã tăng gấp 4 lần lên gần 40.000 người so với cùng kỳ năm nay.

Tuy nhiên, với số ca giảm vào đầu năm nay, các quốc gia đã giảm thiểu các biện pháp y tế công cộng, bao gồm cả giám sát. Các cuộc kiểm tra sàng lọc cũng đã giảm xuống. Từ tháng 3 đến tháng 5/2022, chỉ 30% quốc gia báo cáo dữ liệu xét nghiệm đáp ứng tiêu chuẩn của WHO về việc thực hiện 10 xét nghiệm trên 10.000 người mỗi tuần. Con số này giảm so với mức 40% được ghi nhận trong những tháng giữa các đợt sóng do các biến thể Delta và Omicron thúc đẩy vào năm 2021.

“Dựa trên kinh nghiệm thu được trong hai năm qua, chúng ta phải làm mọi cách để hạn chế tác hại của một đợt đại dịch mới bằng cách tăng cường tiêm chủng và các biện pháp tầm soát, ngăn chặn sự lây lan của virus cũng như điều trị bệnh nhân” – Tiến sĩ Gueye nhấn mạnh. “Để vượt qua đại dịch này, chúng ta phải luôn cảnh giác. Thực tế phũ phàng là sự tự mãn phải trả giá đắt”.

Cho đến nay, châu Phi đã báo cáo 11,7 triệu trường hợp mắc bệnh và khoảng 253.000 trường hợp tử vong. Châu lục này ghi nhận 52.878 trường hợp mắc trong tuần kết thúc vào ngày 8/5, tăng 38% so với tuần trước đó./.

Khánh Linh (Theo UN, AFP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực