|
|
Khí thải gây hiệu ứng nhà kính là nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng nóng lên toàn cầu. (Ảnh: Khánh Linh) |
Nhìn chung, sự gia tăng nồng độ CO2 từ năm 2017 – 2018 rất gần với mức tăng từ năm 2016 – 2017. "Cần nhớ rằng lần cuối cùng trái đất trải qua hàm lượng CO2 tương đương là 3 – 5 triệu năm trước: nhiệt độ cao hơn 2 – 3°C so với ngày nay và mực nước biển cao hơn mực nước hiện tại từ 10 – 20m" – Tổng thư ký WMO Petteri Taalas nêu rõ.
Hồ sơ thống kê cho thấy nồng độ CO2 toàn cầu vượt qua ngưỡng tượng trưng 400ppm trong năm 2015.
Theo các nhà khoa học, carbon dioxide (CO2), liên quan đến các hoạt động của con người và là khí nhà kính tồn tại dai dẳng trong bầu khí quyển, hiện ở mức 407,8 phần triệu (ppm), tương ứng cao hơn 147% so với mức tiền công nghiệp năm 1750.
Báo cáo này không đưa ra đánh giá về số lượng khí nhà kính thải vào khí quyển, song đánh giá cho thấy đại dương hấp thụ khoảng 1/4 tổng lượng khí thải, cũng như sinh quyển, trong đó có rừng.
60% lượng khí thải có nguồn gốc con người
Ngoài ra, WMO cũng đưa ra thực tế đáng quan ngại là sự gia tăng nồng độ CO2 hàng năm đã vượt quá tốc độ tăng trung bình trong vòng 10 năm qua.
Theo chỉ số tích lũy khí nhà kính hàng năm của cơ quan Đại dương và Khí quyển Mỹ (NOAA), lực bức xạ của khí quyển gây ra bởi khí nhà kính dai dẳng đã tăng 43% trong giai đoạn từ năm 1990 – 2018, với CO2 chiếm khoảng 80% mức tăng này.
Không những thế, nồng độ metan và oxit nitơ cũng tăng nhiều hơn trong thập kỷ qua ở các khu vực miền núi và các đảo nhiệt đới.
"Không có dấu hiệu chậm lại, nói gì đến việc giảm nồng độ khí nhà kính trong khí quyển bất chấp mọi cam kết được đưa ra theo Thỏa thuận Khí hậu Paris" – ông Taalas nói thêm.
Ngoài CO2, nồng độ metan, khí nhà kính lớn thứ hai, cũng tăng lên tới 1.869 phần tỷ (ppb), hơn 250% mức của nó trong thời kỳ tiền công nghiệp. Khoảng 40% lượng khí metan thải ra khí quyển có nguồn gốc tự nhiên (đất ngập nước, mối, v.v.) và khoảng 60% nguồn gốc của con người (chăn nuôi, trồng lúa, khai thác nhiên liệu hóa thạch, chôn lấp, đốt sinh khối, v.v.)
WMO cho biết nồng độ oxit nitơ đã mở rộng lên tới 333,1ppb, hơn 120% so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng của nó từ năm 2017 – 2018 cũng cao hơn so với năm 2016 – 2017 và tốc độ tăng trưởng trung bình trong 10 năm qua. Khí này cũng góp phần đáng kể làm phá hủy tầng ozone tầng bình lưu, vốn có vai trò bảo vệ chúng ta khỏi các tia cực tím có hại phát ra từ mặt trời.
|
|
WMO cảnh báo tình trạng nước biển dâng. (Ảnh: Khánh Linh) |
Nhiệt độ tăng kèm theo cường độ của các sự kiện thời tiết khắc nghiệt
Trong mọi trường hợp, WMO cảnh báo rằng xu hướng dài hạn này có nghĩa là các thế hệ tương lai sẽ phải đối mặt với hậu quả xấu hơn của biến đổi khí hậu, bao gồm nhiệt độ tăng, tăng số lượng và cường độ của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, căng thẳng về nguồn nước, tình trạng nước biển dâng và xáo trộn hệ sinh thái biển và trên cạn.
Ở phạm vi rộng hơn, CO2 tồn tại hàng thế kỷ trong bầu khí quyển và thậm chí lâu hơn ở các đại dương. Kể từ năm 1990, tổng lực bức xạ gây ra bởi các khí nhà kính dai dẳng, gây ra sự nóng lên của hệ thống khí hậu, đã tăng 43%. CO2 đóng góp tới 80%, theo số liệu từ NOAA được WMO trích dẫn. Trong bối cảnh đó, theo Tổng thư ký WMO, "chúng ta phải chuyển những cam kết này thành hành động và điều chỉnh lại tham vọng của mình vì lợi ích của nhân loại".
Cơ quan môi trường Liên hợp quốc ngày 26/11 cũng công bố phiên bản thứ 10 của Báo cáo về khoảng cách giữa nhu cầu và triển vọng giảm phát thải. Tài liệu so sánh lượng phát thải khí nhà kính hiện tại và dự kiến với mức phát thải cho quỹ đạo chi phí thấp nhất phù hợp với Thỏa thuận Paris.
Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres, Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tới đây cần mang lại động lực mới, tăng cường hợp tác và đổi mới tham vọng, trong bối cảnh chặng đường trước mắt vẫn còn rất dài./.