LHQ cảnh báo mối đe dọa do IS gây ra trên thế giới vẫn chưa giảm bớt

Thứ sáu, 10/02/2023 16:44
(ĐCSVN) – Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 9/2, Phó Tổng thư ký phụ trách chống khủng bố Vladimir Voronkov và Quyền Giám đốc Cơ quan điều hành Ủy ban chống khủng bố (CTED) Weixiong Chen cảnh báo, tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS) tiếp tục khai thác những điểm yếu của địa phương và căng thẳng giữa các cộng đồng ở Trung Đông và châu Phi, đồng thời vẫn đặt ra mối đe dọa toàn cầu chưa hề suy giảm.

Phó Tổng thư ký phụ trách chống khủng bố Vladimir Voronkov và Quyền Giám đốc Cơ quan điều hành Ủy ban chống khủng bố (CTED) Weixiong Chen đã thông báo cho các thành viên Hội đồng Bảo an về báo cáo của Tổng thư ký liên quan tới mối đe dọa do IS gây ra đối với hòa bình và an ninh quốc tế. “Báo cáo khẳng định rằng, bất chấp những tổn thất về lãnh đạo và chi phí đang làm cạn kiệt nguồn dự trữ tiền mặt, mối đe dọa do IS gây ra đối với hòa bình và an ninh quốc tế vẫn ở mức cao và đã gia tăng trong và xung quanh các khu vực xung đột, nơi nhóm này và các chi nhánh của nó đang hoạt động” – ông Voronkov lưu ý. "Sự mở rộng của IS và các chi nhánh của nó là mối quan tâm đặc biệt ở miền Trung và miền Nam châu Phi, cũng như ở Sahel". “Mối đe dọa mà IS và các chi nhánh của nó gây ra trên toàn cầu vẫn chưa giảm bớt. Đây là một mối đe dọa phức tạp, đang phát triển và dai dẳng” – ông Weixiong Chen nói thêm. 

Tuyển mộ khủng bố

Trước tiên, theo các nhà chức trách của Liên hợp quốc, IS tiếp tục khai thác những điểm yếu của địa phương và căng thẳng giữa các cộng đồng, trong đó có ở Iraq, Syria và một phần của lục địa châu Phi, bao gồm cả việc tuyển mộ những kẻ khủng bố.

Thứ hai, IS sau nhiều năm gánh chịu tổn thất, vẫn duy trì khả năng hoạt động ở nhiều khu vực khác nhau và mở rộng cơ sở của các thực thể liên kết, bao gồm các khu vực ở Tây, Trung và Nam Phi.

Thứ ba, IS chú trọng tạo doanh thu và gây quỹ để hoạt động dưới nhiều hình thức như: tống tiền, cướp bóc, buôn lậu, đánh thuế, kêu gọi quyên góp và bắt cóc đòi tiền chuộc.

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách chống khủng bố Vladimir Voronkov. (Ảnh: UN) 

Tiếp cận công nghệ thông tin

Ông Weixiong Chen cho biết: “Chúng tôi cũng nhận thấy việc sử dụng ngày càng nhiều các phương tiện được triển khai để gây quỹ thông qua mạng xã hội và nền tảng trò chơi, trong khi các mạng chuyển tiền không đăng ký chính thức và dịch vụ điện thoại di động tiếp tục là phương tiện chuyển tiền chính”.

Cuối cùng, theo Quyền Giám đốc Cơ quan điều hành Ủy ban chống khủng bố, việc IS tiếp cận với vũ khí thông thường và vũ khí tự chế, bao gồm các thành phần của hệ thống máy bay không người lái, công nghệ thông tin và liên lạc tiếp tục góp phần tạo ra mối đe dọa khủng bố. “Sử dụng vũ khí tự chế, đánh cắp hoặc buôn bán bất hợp pháp, IS đã tiến hành các cuộc tấn công chết người nhằm vào một loạt mục tiêu” – ông cho biết.

Theo ông Weixiong Chen, việc tiếp cận các công nghệ thông tin và liên lạc cho phép IS đa dạng hóa các chiến thuật của mình. Việc IS lạm dụng internet và các nền tảng truyền thông xã hội cho mục đích tuyên truyền làm tăng khả năng tiếp cận công chúng và kích động bạo lực giữa những người ủng hộ.

Ông Weixiong Chen cũng đồng thời lưu ý các vấn đề cần quan tâm khác, bao gồm thực tế là việc hồi hương các công dân nước ngoài - phụ nữ và nam giới, trẻ em và người già - bị cáo buộc có liên hệ với IS và những người đang ở trong các trại và nhà tù ở Đông Bắc Syria, về nước họ tiếp tục được triển khai chậm. Ông nói: “Những điều kiện này tạo cơ hội cho IS tuyển mộ trong các trại và nhà tù, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cực đoan hóa bạo lực và lan rộng chủ nghĩa khủng bố”.

Cần cách tiếp cận đa chiều

Phó Tổng thư ký phụ trách chống khủng bố Vladimir Voronkov lưu ý rằng báo cáo đưa ra 3 quan sát chính để Hội đồng xem xét. Đầu tiên, mức độ đe dọa cao do IS và các chi nhánh của nó gây ra, bao gồm cả sự mở rộng liên tục của IS ở các vùng của châu Phi, nhấn mạnh sự cần thiết của các phương pháp tiếp cận đa chiều ngoài các phản ứng tập trung vào an ninh. Thứ hai, những cách tiếp cận đa chiều này phải nhạy cảm về giới và bắt nguồn từ luật pháp quốc tế, bao gồm luật nhân quyền quốc tế và luật nhân đạo quốc tế, cũng như phản ánh nhiều quan điểm từ nhiều bộ phận xã hội khác nhau bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa khủng bố. Thứ ba, trong khi báo cáo nhấn mạnh mối đe dọa khủng bố ngày càng gia tăng ở các khu vực xung đột, cần có thêm các nỗ lực để giải quyết và ngăn chặn những xung đột này.

Ông Voronkov nhấn mạnh rằng trong khi những kẻ khủng bố khai thác động lực của xung đột, các nỗ lực hòa bình thường bị khủng bố phá hoại và làm phức tạp hóa quá nhiều thì cần hiểu rõ hơn về mối quan hệ phức tạp giữa xung đột và khủng bố để đưa ra các phản ứng hiệu quả hơn đối với những thách thức lặp đi lặp lại này.

Về phần mình, ông Weixiong Chen nhắc lại rằng Ban Giám đốc Điều hành Ủy ban Chống Khủng bố (CTED) giúp các quốc gia thành viên hiểu được diễn biến của mối đe dọa. CTED cũng phối hợp chặt chẽ với Văn phòng chống khủng bố của Liên hợp quốc (UNOCT) và các đối tác khác để hỗ trợ các hoạt động xây dựng năng lực, như hỗ trợ các nước trong lưu vực hồ Chad tăng cường hợp tác xuyên biên giới. CTED cũng đã tăng cường nỗ lực chống lại việc lực lượng khủng bố sử dụng các công nghệ mới và mới nổi./.

Khánh Linh (Theo UN, AFP, Xinhua)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực