LHQ cảnh báo tình trạng buôn bán tài nguyên thiên nhiên tài trợ cho khủng bố

Thứ sáu, 07/10/2022 16:24
(ĐCSVN) – Phát biểu trước Hội đồng Bảo an ngày 6/10, bà Ghada Waly, Giám đốc điều hành Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) nhấn mạnh, sự cấu kết của các nhóm khủng bố và tội phạm có tổ chức ở khu vực châu Phi cận Sahara góp phần gây ra tình trạng cướp bóc tài nguyên thiên nhiên và bất ổn.
 Việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, hoặc cạnh tranh để khai thác, có thể dẫn đến xung đột bạo lực.
(Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: UNEP)

Trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an nhằm tăng cường cuộc chiến chống lại việc tài trợ cho các nhóm khủng bố và vũ trang thông qua việc buôn bán bất hợp pháp tài nguyên thiên nhiên ở châu Phi, bà Waly đã trình bày các sáng kiến mới về hợp tác xuyên biên giới, hỗ trợ các cơ quan tư pháp và xã hội dân sự. Bà Ghada Waly lưu ý mối đe dọa do khủng bố và tội phạm có tổ chức đang gây ra ở châu Phi, đồng thời nhắc lại rằng 3.500 nạn nhân của các vụ khủng bố năm ngoái trên lục địa này chiếm một nửa tổng số nạn nhân của các cuộc tấn công khủng bố trên toàn cầu. Khu vực Sahel nói riêng đang bị tấn công từ một số nhóm khủng bố hoạt động và nguy hiểm nhất trên thế giới, cả về chiến lược tấn công và chiêu mộ, trong khi Hội đồng Bảo an đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về hoạt động của các nhóm vũ trang và mạng lưới tội phạm gây bất ổn cho châu Phi và trục lợi từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên của châu lục này.

Người đứng đầu UNODC cho rằng điều cần thiết là phải hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa tội phạm có tổ chức và khủng bố ở châu Phi. Và để làm được việc đó cần tích lũy dữ liệu và bằng chứng nhằm thực hiện các chính sách hiệu quả, đặc biệt là trước tình trạng khai thác bất hợp pháp các loại khoáng sản như vàng, bạc và kim cương, vốn tạo thành nguồn thu nhập quan trọng cho các nhóm vũ trang và khủng bố. Ngoài ra, việc buôn bán bất hợp pháp này mang lại lợi ích cho các nhóm khác cạnh tranh để kiểm soát nguồn sinh lợi của các lãnh thổ khai thác hoặc các tuyến đường buôn lậu. Những khoản thu này được bổ sung vào những khoản đã có được bằng cách tống tiền hoặc áp đặt bất hợp pháp các nhóm dân cư và cho phép họ có được vũ khí để duy trì việc nắm giữ các khu vực xung đột.

Thông qua nghiên cứu của mình, UNODC có thể làm việc với các quốc gia thành viên để ngăn chặn và chống lại tội phạm đe dọa môi trường, cho dù đó là khai thác bất hợp pháp, buôn bán kim loại quý, chất thải hoặc tội phạm chống lại động vật hoang dã, rừng và nghề cá.

Vàng khai thác bất hợp pháp, khi được bán trên thị trường thông thường, mang lại lợi nhuận khổng lồ cho những kẻ buôn người. Vào cuối năm 2020, UNODC và INTERPOL đã phối hợp một chiến dịch chống vũ khí, thu giữ 40.000 que thuốc nổ và dây nổ, tất cả đều nhằm mục đích khai thác vàng trái phép cho các nhóm khủng bố có vũ trang ở Sahel. Một nguồn tài trợ khác là buôn bán các loài động vật hoang dã và buôn bán trái phép ngà voi, chỉ riêng hoạt động này đã mang lại doanh thu 400 triệu USD cho các nhóm vũ trang mỗi năm.

Theo UNODC, hoạt động bất hợp pháp này đã tước đi của châu Phi một nguồn thu quan trọng và khiến cho hàng triệu người vốn có sinh kế phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên phải rơi vào cảnh mất thu nhập, do đó thúc đẩy xung đột và bất ổn. Những tội ác này cũng tiếp tục trừng phạt các nền kinh tế vốn đã suy yếu do biến đổi khí hậu và hậu quả của đại dịch COVID-19, đồng thời cản trở tiến trình đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững, đến mức phá hoại nghiêm trọng Chương trình nghị sự 2063 của Liên minh châu Phi.

Trước thực trạng đó, tại 10 quốc gia thành viên ở châu Phi cận Sahara, bao gồm Cộng hòa Trung Phi, Chad, Cộng hòa Dân chủ Congo, Niger và Somalia, UNODC đã hỗ trợ cuộc chiến chống tài trợ khủng bố và rửa tiền. “Sáng kiến Chống Khủng bố Tây Phi” giúp các quốc gia thực hiện các cơ chế để đóng băng tài sản bất hợp pháp. UNODC cũng giúp tăng cường sự phối hợp liên cơ quan giữa các cơ quan tình báo, các cơ quan thực thi pháp luật, các đơn vị tình báo tài chính và các công tố viên… Tại Trung Phi, UNODC cũng đang triển khai một dự án trị giá 6 triệu euro do Liên minh châu Âu tài trợ nhằm khuyến khích hợp tác khu vực chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã, gỗ và kim loại quý…/.

Khánh Linh (Theo UN, AFP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực