LHQ ủng hộ các chiến lược giảm nhẹ rủi ro thiên tai cấp quốc gia và địa phương

Thứ sáu, 06/11/2020 17:11
(ĐCSVN) – Đến năm 2030, ước tính 50% dân số thế giới sẽ sống ở các khu vực ven biển dễ bị lũ lụt, bão và sóng thần. Theo Liên hợp quốc, việc đưa ra các chiến lược và chính sách nhằm giảm thiểu hậu quả của sóng thần sẽ giúp xây dựng khả năng phục hồi và bảo vệ các quần thể đang gặp rủi ro.
 Rido Saputra, 10 tuổi, bên ngoài ngôi nhà bị sóng thần tàn phá ở Trung Sulawesi, Indonesia (Ảnh: UN)

Trong thông điệp nhân dịp kỷ niệm Ngày nhận thức về sóng thần thế giới, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết: “Chúng ta hiện đang vật lộn với cái mà một số người gọi là 'sóng thần' những người chết và ốm yếu do virus Corona COVID-19". Theo ông, “phép ẩn dụ này xuất hiện một cách tự nhiên trong tâm trí chúng ta bởi vì chúng ta vẫn còn ghi dấu trong ký ức sống động về thảm họa bất ngờ tồi tệ nhất trong thế kỷ này, trận sóng thần năm 2004 đã giết chết hơn 227.000 người tại Ấn Độ Dương".

Hệ thống cảnh báo sớm tại các bờ biển dễ bị tổn thương trên thế giới

Hàng năm vào ngày 5/11, Đại hội đồng Liên hợp quốc mời tất cả các quốc gia thành viên, cộng đồng quốc tế kỷ niệm ngày toàn cầu này để thu hút sự chú ý của cộng đồng về những nguy cơ do sóng thần gây ra.

Cùng với các đối tác, hệ thống Liên hợp quốc đang làm việc cùng nhau để nâng cao nhận thức của cộng đồng, tổ chức các cuộc diễn tập, tạo các lối thoát hiểm và làm mọi thứ có thể để giảm thiểu thiệt hại về người trong trận sóng thần tiếp theo.

Bà Mami Mizutori, Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Giảm nhẹ thiên tai, cho biết: “Các quốc gia ở châu Á, Caribe và Nam Mỹ đã học được bài học kinh nghiệm rằng sóng thần là thảm họa chết người nhất trong số các thảm họa thiên nhiên”.

Những khu vực này đã thu được nhiều bài học từ kinh nghiệm của các sự kiện tàn phá trong quá khứ. “Ngày nay, họ đã tạo ra một nền văn hóa nâng cao nhận thức cộng đồng bằng cách giáo dục cộng đồng ven biển có nguy cơ và bảo đảm rằng mọi người nhận ra các dấu hiệu cảnh báo để có hành động nhanh chóng di cư đến nơi an toàn” – bà Mami Mizutori nêu rõ.

Những tiến bộ đã được thực hiện ở Caribe, nơi có hơn 26 cộng đồng ở 18 quốc gia được công nhận là chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với sóng thần. "Hiện nay, 3 quốc gia báo cáo đã có kế hoạch giảm thiểu rủi ro thiên tai quốc gia và 69 quốc gia có quyền truy cập vào hệ thống cảnh báo sớm đa nguy cơ" – Đại diện đặc biệt cho hay. "Đó là một khởi đầu tốt, nhưng nhiều quốc gia vẫn chưa chuẩn bị và chưa sẵn sàng để lường trước một cơn sóng thần".

Đầu tư vào cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu, hệ thống cảnh báo sớm và giáo dục

Bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO, đánh giá: Ngày nhận thức về sóng thần thế giới tập trung vào việc giảm thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng quan trọng và ngăn chặn sự gián đoạn của các dịch vụ cơ bản, đặc biệt là trong các cơ sở y tế và giáo dục, phù hợp với mục tiêu của Khung Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Theo Tổng giám đốc UNESCO, việc cứu mạng sống và bảo vệ sinh kế của các cộng đồng có nguy cơ bị sóng thần đòi hỏi phải tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu, hệ thống cảnh báo sớm và giáo dục. Đặc biệt trong lĩnh vực này, ngày hôm nay chúng ta phải xây dựng tương lai mà chúng ta mong muốn.

Theo bà Mami Mizutori, phòng ngừa giúp cứu lấy các sự sống. Vì vậy, điều cần thiết là phải có tầm nhìn, phương hướng, sự phối hợp và kỹ năng rõ ràng để nâng cao nhận thức thành công về sóng thần. Bà kết luận: “Các sự sống sẽ được cứu, chấn thương sẽ được tránh và giảm thiểu được nếu chúng ta lập kế hoạch đúng đắn”.

Khi  tấn công, sóng thần khiến việc quản lý và tổ chức trở nên căng thẳng, đòi hỏi chúng ta phải có các kế hoạch và biện pháp để quản lý rủi ro thiên tai. Do đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi "phát triển khả năng phục hồi khi đối mặt với mọi nguy hiểm, dù là tự nhiên hay nhân tạo"./.

Khánh Linh (Theo UN, AFP, Maxisciences)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực