|
Một bà mẹ và 4 đứa con bị suy dinh dưỡng ở miền Nam Madagascar. (Ảnh: UN) |
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an về xung đột và an ninh lương thực ngày 19/5, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết: “Khi chiến tranh nổ ra, mọi người bị đói. Khoảng 60% số người thiếu dinh dưỡng trên thế giới sống trong các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột. Không quốc gia nào được miễn nhiễm. Vào tháng 4, Chương trình Lương thực Thế giới và các đối tác đã phân phát thực phẩm và tiền mặt cho hơn 3 triệu người Ukraine. Cho đến tháng 3, đất nước của họ đã cung cấp cho thế giới nguồn cung cấp lương thực dồi dào”.
Năm ngoái, phần lớn trong số 140 triệu người đói khổ nghiêm trọng trên thế giới chỉ sống ở 10 quốc gia: Afghanistan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Haiti, Nigeria, Pakistan, Sudan Nam, Sudan, Syria và Yemen. 8 trong số các quốc gia này nằm trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an.
“Không có gì phải nghi ngờ: khi Hội đồng này đang thảo luận về xung đột, thì bạn đang thảo luận về nạn đói. Khi bạn đưa ra quyết định về việc gìn giữ hòa bình và các sứ mệnh chính trị, bạn đang đưa ra quyết định về nạn đói. Và khi bạn không đạt được sự đồng thuận, những người đói sẽ phải trả một cái giá đắt” – ông Guterres nhấn mạnh. Tổng thư ký Liên hợp quốc chỉ ra rằng hiện tại, tác động của các cuộc xung đột được khuếch đại bởi cuộc khủng hoảng khí hậu và mất an ninh kinh tế, vốn đang trở nên trầm trọng hơn do đại dịch gây ra. Ông nêu rõ: “Kết quả là, nhiều thập kỷ tiến bộ trong cuộc chiến chống nạn đói đang bị hủy bỏ”.
Mối quan ngại về khu vực Sahel và vùng Sừng châu Phi
Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết ông đã nhìn thấy thực trạng này trong chuyến thăm khu vực Sahel hai tuần trước. Số người bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng ở Niger đã tăng hơn gấp đôi trong hai năm qua và nếu không có hành động ngay lập tức, con số có thể lên tới 4 triệu người vào đầu năm nay. Ông António Guterres nói: “Niger và các nước láng giềng cần khẩn trương có sự phối hợp và huy động quốc tế quy mô lớn, nhằm tăng cường mối liên kết giữa hòa bình, hành động nhân đạo, thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và phát triển bền vững”.
Nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình an ninh lương thực ở vùng Sừng châu Phi, nơi đang hứng chịu đợt hạn hán kéo dài nhất trong 4 thập kỷ. Hơn 18 triệu người bị ảnh hưởng.
Tổng thư ký lưu ý rằng trên toàn cầu, 49 triệu người ở 43 quốc gia đang ở mức đói khẩn cấp (CPI 4, theo thuật ngữ chuyên môn), tức là gần đến mức chết đói. Hơn nửa triệu người ở Ethiopia, Nam Sudan, Yemen và Madagascar đã ở mức được gọi là IPC Cấp 5, biểu thị tình trạng thảm khốc hoặc nạn đói.
Để giúp ứng phó với cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng này, Tổng thư ký thông báo rằng Liên hợp quốc sẽ phân bổ 30 triệu USD từ Quỹ Ứng phó Khẩn cấp để đáp ứng các nhu cầu cấp bách về an ninh lương thực và dinh dưỡng ở Niger, Mali, Chad và Burkina Faso.
4 hành động cần thực hiện
Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cũng nêu chi tiết 4 hành động mà các quốc gia có thể thực hiện hiện nay để phá vỡ các động lực chết người của xung đột và nạn đói.
Theo đó, trước tiên, cần đầu tư vào các giải pháp chính trị để chấm dứt xung đột, bao gồm cả việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Ông cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hội đồng Bảo an trong việc yêu cầu tôn trọng luật nhân đạo quốc tế.
Thứ ba, Tổng thư ký Liên hợp quốc cho rằng cần có sự phối hợp và lãnh đạo nhiều hơn nữa để giải quyết các nguy cơ liên quan đến mất an ninh lương thực, năng lượng và tài chính. Cuối cùng, ông kêu gọi tài trợ đầy đủ cho các hoạt động nhân đạo và yêu cầu các nhà tài trợ thể hiện sự hào phóng đối với tất cả các quốc gia như họ đã thể hiện đối với Ukraine.
Một cuộc khủng hoảng chưa từng có
Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley cũng đã phát biểu trước cuộc họp của Hội đồng Bảo an, cùng với ông Qu Dongyu, Tổng Giám đốc Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO).
Người đứng đầu WFP cho biết thế giới "thực sự đang ở trong một cuộc khủng hoảng chưa từng có". “Giá thực phẩm là vấn đề số một của chúng ta hiện nay... Nhưng đến năm 2023, nó rất có thể là vấn đề về lượng thực phẩm sẵn có. Khi một quốc gia như Ukraine, nơi sản xuất đủ lương thực cho 400 triệu người, không có mặt trên thị trường, nó sẽ tạo ra biến động của thị trường, mà chúng ta đang thấy bây giờ” – ông chỉ rõ. "Khi một quốc gia là ổ bánh mì của thế giới trở thành quốc gia có số lượng người xếp hàng mua bánh mì lâu nhất trên thế giới, chúng tôi biết mình đang gặp vấn đề".
Trong bối cảnh đó, Giám đốc điều hành WFP kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cùng “làm mọi cách để ổn định thị trường bởi vì mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn”.
Về phần mình, người đứng đầu FAO đã kêu gọi tăng cường tài trợ cho nông nghiệp để bảo đảm sự sẵn có và khả năng tiếp cận thực phẩm trong các tình huống khủng hoảng. Ông Qu Dongyu đưa ra thông điệp “nông nghiệp là một trong những chìa khóa cho hòa bình và an ninh lâu dài”; đồng thời lưu ý rằng chỉ 8% tổng kinh phí của lĩnh vực an ninh lương thực nhân đạo dành cho nông nghiệp./.